Kính thưa thầy, tại sao khi khó chịu khởi lên con quan sát nó mà nó vẫn không chịu đi ạ?
—-
C. B thân mến,
Đúng đấy con à, khi viết cho thầy là con đã tự thông rồi. Nếu mình quan sát khó chịu với mong muốn nó hết đi thì nó sẽ làm nảy sinh thêm một cái khó chịu nữa. Nếu quan sát chỉ để tìm hiểu nó thì nó càng ở lại lâu mình càng có cơ hội quan sát chứ sao.
Tại sao con biết tâm khó chịu mà nó vẫn chưa hết? Bởi vì con quan sát chưa đủ lâu, chưa đủ liên tục và sâu sắc. Vì vậy mỗi khi khó chịu khởi lên, con hãy tập trung quan sát nó thật liên tục cho đến khi mất dấu nó, thậm chí còn có một chút cảm giác hơi nặng nề nếu vẫn cứ phải quan sát. Nếu quan sát liên tục như thế con sẽ phát hiện ra rất nhiều điều thú vị trong tâm mình. Và phải hết sức kiên nhẫn, có những loại phiền não nó đến rất nhiều lần, bởi vì gốc của nó quá sâu, mình phải quan sát nó khoảng vài ngàn lần mới có thể nhổ tận gốc rễ nó được. Chính vì vậy đừng mong muốn sự khó chịu phải hết ngay khi con mới nhìn nó một vài lần.
Con nói đúng, khi phiền não ít thì con sẽ quan sát được, khi nó nhiều quá thì nó làm chủ mình. 30% phiền não, 70% chánh niệm thì mới có thể quan sát và học hỏi được. Vì vậy con cần tăng mức độ chánh niệm của mình lên, luôn luôn quay về trong mình, biết mình trong mọi lúc, đang làm gì, đang cảm thấy như thế nào. Điều thứ hai nữa là phải biết né tránh phiền não, tránh né những con người thường xuyên gây bức xúc phiền não cho mình (ở mức độ mình không thể quan sát được, còn trường hợp nhẹ con quan sát được thì ko nên tránh vì đó là cơ hội để con quan sát tâm), tránh né những hoàn cảnh, nơi chốn có thể gây nên những tâm bất thiện mạnh không cần thiết…và cách tránh né hay nhất vẫn là tự tạo cho mình một ốc đảo bình an bằng chánh niệm liên tục, bởi vì mình không thể trốn tránh được cả thế gian toàn phiền não và bất thiện này được.
Một điều nữa con cần lưu ý là con phải quan sát trực tiếp cảm giác khó chịu của cơn sân ấy trong mình, chứ không phải suy nghĩ về Chuyện làm mình sân hay đối tượng khiến mình khởi sân. Nếu suy nghĩ như thế là con đã mất chánh niệm và đang tiếp thêm nhiên liệu cho cơn sân thiêu đốt mình (trừ trường hợp mức độ chánh niệm và tỉnh giác rất mạnh, có thể quan sát được những dòng suy nghĩ âm thầm thúc đẩy đằng sau đó – nhưng đó không phải trình độ hiện tại của con).
Có những người cảm xúc thường hay được cảm nhận ở vùng chấn thuỷ (trước ngực), khi sân thì cảm giác rát bỏng, co thắt, khi vui thì cảm giác rộn ràng, lúc nhớ kỷ niệm cũ thì cảm giác bồi hồi, nao nao… Đó là những đầu mối để dẫn mình vào tìm hiểu tâm mình, những chấp thủ cảm xúc và nhũng vùng mờ tối trong vô thức đang lèo lái cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, nếu con không thể quan sát được nó một cách tự nhiên thì đừng cố đi tìm nó, đó là thái độ sai.
Bên cạnh đó, con có thể quan sát những tác động của cơn sân ấy trên cơ thể mình: nét mặt căng thẳng, cơ thể căng cứng, ngực hoặc gan ruột co thắt, hơi thở và nhịp tim gấp gáp, không bình thường, cảm giác mỏi mệt và tiêu hao năng lượng do cơn sân mang lại. Chánh niệm liên tục sẽ khiến con trở nên nhạy cảm hơn và nhận biết được nhiều cảm giác hơn, con sẽ thấy mỗi lần sân rất mệt mỏi, mất hết cả năng lượng, vì vậy tâm không muốn làm việc gì khác ngoài việc chánh niệm miên mật để quan sát nó và bảo tồn năng lượng cho mình. Lúc đó hãy cố gắng thư giãn và thả lỏng toàn bộ cơ thể ra, nhất là khuôn mặt của mình. Điều này rất lợi ích, bởi vì nó giúp mình cắt được tiến trình suy nghĩ nuôi lớn cơn sân để quay về với chánh niệm và thực tại một cách tự nhiên, đồng thời thư giãn giúp thân tâm mình trở nên ổn định hơn, sự quan sát khách quan và bình tĩnh hơn, tách biệt và ít đồng hoá hơn.
Nếu chánh niệm và tỉnh giác mạnh, con có thể quan sát được những gì đang diễn ra trong tâm mình lúc đó, như: những suy nghĩ bàn mưu tính kế trả thù, hoặc nếu không trả thù được thì tưởng tượng kẻ gây khó chịu cho mình bị tai hoạ, bị “quả báo” cho hả cơn tức, hoặc một suy nghĩ thường có mặt nhất là đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc một ai đó – nhất định có kẻ nào đó phải chịu trách nhiệm về sự khó chịu TRONG TÂM MÌNH (nghe thật nực cười – nhưng đó là sự thật, nó tạo cảm giác giả tạo là trút được sự bực mình đi, trong khi thực ra là lẩn tránh trách nhiệm với chính tâm mình). Rồi các suy nghĩ kiểu AQ đề cao mình và hạ thấp nó xuống (cho hả giận), than thân trách phận, đổ lỗi cho chính mình, dằn vặt bản thân, tự ti mặc cảm…rất nhiều tâm bất thiện sanh khởi như vậy. Quả là một cơ hội rất tốt để cho mình quan sát tâm và hiểu chính mình hơn.
Nhưng để làm được điều đó con cần phải hết sức trung thực, sống thật với chÍnh mình và can đảm đối diện với tâm mình. Một điều khiến người ta không thể thấy được những cái xấu trong tâm mình (trong khi người ngoài thì thấy rõ mồn một) là bởi chúng ta hay tự biện hộ cho mình, bảo vệ cho cái xấu vì chúng ta tự đồng hoá mình với nó. Phiền não giống như đứa trẻ hư, bố đánh thì mẹ bênh, nên ngày càng khó dạy.
Và điều khó nhất và quan trọng nhất là con phải quan sát được thái độ của mình khi đó như thế nào. Con có chấp nhận được sự có mặt của cơn sân không? Chấp nhận là điều rất quan trọng. Chúng ta phải hoc cách tự chấp nhận chính bản thân mình với mọi điều tốt và cái xấu trong đó, không tự đồng hoá mình với nó, chỉ khi đó chúng ta mới sẵn sàng đối diện một cách trung thực và quan sát nó một cách khách quan, tách rời để hiểu rõ nó. Nếu là con hàng xóm hư, bố mẹ nó đánh mình có chạy sang bênh nó không? Không đâu, có khi còn kể tội thêm ấy chứ! vì sao, vì nó không phải là con CỦA TÔI!
Cơn sân, cái xấu ấy không phải là tôi, không phải là của tôi – đó là thái độ đúng.
Sẵn lòng quan sát thì chúng ta sẽ thấy còn thú vị, còn tri ân cuộc sống đã cho mình những cơ hội sống động để hiểu thêm về Chính mình. Hãy quan sát xem mình có muốn cơn sân đi mất nhanh nhanh cho khuất mắt hay không, hãy quan sát cách mình sử dụng chánh niệm ra sao. Mình sử dụng chánh niệm để hiểu biết bản thân mình, hiểu biết tất cả mọi điều thiện và bất thiện, mọi phiền não trong mình để vượt qua nó vĩnh viễn, hay sử dụng chánh niệm chỉ như một liều thuốc giảm đau tạm thời (cho cơn sân qua mau) để nó tiếp tục hành hạ mình đời này qua kiếp khác. Khi mình sử dụng chánh niệm như vậy, đó là mình không biết trân trọng Pháp, khi qua cơn sân chúng ta cũng sẽ sẵn sàng vứt chánh niệm vào sọt rác ngay, để khi sân lại thì mới lôi nó ra và cằn nhằn là sao chánh niệm mãi mà không hết sân hả thầy???! Thầy cũng chịu! Hi…
Chúc con có nhiều nghị lực và niềm tin, luôn chánh niệm để học hỏi được nhiều hơn nữa từ tâm mình con nhe ! Đọc cuốn sách thầy gửi, có chỗ nào không hiểu thì hỏi thầy. Phải đọc nhiều lần, nghe pháp nhiều lần và chiêm nghiệm trong cuộc sống tu tập thực tế thì mới thấm được con ạ.
Với tâm từ của thầy
Thầy