Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Niệm gì

Kính bạch thầy,
Không biết do nhân duyên gì, đến nay con vẫn xem thầy như thầy mình và có câu hỏi vẫn muốn hỏi thầy.

Không biết con đã kể thầy nghe chưa, con thọ giới với sư Kowida và sau đó thì sang Miến Điện tu học một thời gian tại tu viện Shwe Oo Min.  Sau đó con theo học với thiền sư Goenka về quán thọ. Thấy hợp con thực tập đến nay.

Gần đây con tìm lại phương pháp quán tâm thì tự nhiên thấy hay và muốn tìm hiểu thêm.  Thầy có tư liệu gì về quán tâm để con đọc tìm hiểu thêm xin thầy chỉ dạy.

Sức khoẻ thầy thế nào? Con chúc thầy thân tâm an lạc.
Con kính

Bikkhu Kh

 

 

————-

 

Sư Kh thân mến

 

Mọi người hiểu nhầm về thiền tứ niệm xứ nhiều lắm, chủ yếu là do đọc sách và nghe giảng mỗi chỗ 1 ít.

 

Thân thọ tâm pháp chỉ là sự phân biệt bằng sách vở và khái niệm, trong thực tế không thể tách rời. Giống như ăn 1 bát phở, không thể ăn riêng chanh, muối, nước, mỳ chính (bột ngọt) trong nước phở. Nó đã trộn lẫn với nhau. Không thể tách riêng từng thứ ra để ăn. Chúng ta chỉ biết có những thứ đó trong nước phở vì qua phân tích, suy nghĩ.

 

Khi thực hành cũng vậy, không thể nào tách riêng. Càng không thể nào “học” hay “luyện” một niệm xứ riêng biệt nào đó. Đó là đã cưỡng ép thực tế vào cái khuôn méo mó và chật hẹp của sách vở và cách hiểu phiến diện của mình.

 

Cách thực hành thực tế và thuận tự nhiên nhất mới là cách dẫn chúng ta tiếp cận sự thật nhất. Các cách thực hành gượng ép, mang đậm sự áp đặt ý chí và kiến thức, đều mang đến bế tắc. Tiếc là hầu hết thiền sinh đều thiếu kiến thức thực sự đúng đắn và sâu sắc về tứ niệm xứ, lại không có thực tế tu tập và chứng nghiệm để đối chiếu, nên hiểu nhầm rất nhiều về tu tập chánh niệm. Họ chỉ hiểu một cách rất phiến diện và gượng ép, và hay ép mình “luyện” như luyện võ hoặc “học” một kỹ thuật thiền, y hệt như việc “luyện” hay “học” những kỹ năng kiếm sống ngoài đời. Cách hiểu và thực hành như thế chẳng khác gì “người mù sờ voi”, không bao giờ có thể tiếp cận thực tế. Điều tốt nhất họ có thể làm được là ngày càng củng cố cái “tưởng” về thực tế của họ.

 

Khi thực hành chánh niệm, thiền sinh tập nhận biết về chính mình, trước hết và tự nhiên nhất là những gì đang nổi rõ nhất trong hiện tại. Đối với những người mới thực hành (mới ở đây không tính về thời gian thực hành dài hay ngắn, đọc nhiều sách hay ít. Nhiều người hành thiền nhiều năm, đọc vô số sách vẫn có thể là mới), khả năng nhận biết còn yếu ớt và không duy trì được lâu, thì những gì thô rõ nhất trong thân tâm là thứ họ có thể nhận biết dễ nhất và tự nhiên nhất. Đối với đa số mọi người, các cử động của cơ thể (thân)  và cảm giác (thọ) là những thứ thô rõ, tự nhiên nhất để họ biết mình.

 

Vì vậy, người ta thường bắt đầu từ đó để rèn luyện sự ổn định và mạnh mẽ của nội tâm (định) và  khả năng biết mình (chánh niệm). Khi chánh niệm sâu sắc hơn, nhạy cảm hơn thì thiền sinh sẽ thấy mình biết thêm được những thứ vi tế, mơ hồ, khó nắm bắt hơn mà trước kia họ không biết hoặc biết một cách rất hời hợt như: các loại cảm xúc (tâm)  các suy nghĩ, các loại định kiến và lối mòn suy nghĩ.. (pháp).

Vì vậy, thân thọ tâm pháp là các nhóm đề mục từ thô rõ đến vi tế mà thiền sinh cảm nhận được theo sự tiến triển của chánh niệm và tỉnh giác. Nó là sự mở rộng và làm sâu sắc tự nhiên của khả năng cảm nhận, biết mình  (chánh niệm). Nó không phải là thứ để “học” hay “luyện tập”.

 

Càng những đề mục vi tế thì càng cần chánh niệm và tỉnh giác sâu sắc hơn, nhất là cảm xúc và suy nghĩ (tâm và pháp), đòi hỏi định tâm và  sự tỉnh giác rất cao và cả phần “tuệ” trong đó nữa. Nếu không, sự “đồng hoá” giữa mình với đề mục sẽ tự động diễn ra mà thiền sinh vẫn cứ tưởng là mình vẫn đang “chánh niệm”, “quan sát” nó.

 

Nhiều người tự cho mình là đang thực hành chuyên biệt phương pháp niệm thân, hay niệm thọ, hay niệm tâm, thậm chí cả niệm pháp, đó chỉ là đang gán khái niệm và cách hiểu phiến diện cho sự thực hành chánh niệm. Bản thân việc đó đã là sự cắt gọt thực tế cho vừa cái khuôn nhỏ hẹp của khái niệm. Thực tế không phải là khái niệm. Khái niệm chỉ là sự mô tả thô sơ và thậm chí là méo mó về thực tế.

 

Tất nhiên khi mới thực hành, một cách tự nhiên  thiền sinh sẽ lựa chọn một loại đề mục rõ nét nào đó thích hợp với mình để quan sát nhiều hơn nhằm phát triển dần định tâm và chánh niệm, nhưng đó chỉ là cơ sở để mở rộng chánh niệm tỉnh giác, chứ không phải là giới hạn việc thực hành vào một danh mục đối tượng (niệm xứ) riêng biệt nào.

 

Khi thiền sinh đang tự cho là mình đang học “niệm” một cái gì đó trong 4 thứ thân, thọ, tâm, pháp, tức là họ đã cố ý gạt bỏ phần lớn những thứ đang thực sự có trong hiện tại để “tìm” những thứ phù hợp với danh mục họ lựa chọn (thân, hay thọ, tâm, pháp gì đó). Thực hành càng lâu và càng gắn chặt với cách đó, sự nhận biết (chánh niệm) của họ sẽ bị “mù” đối với những thứ họ vô tình hay cố ý gạt bỏ trong quá trình quan sát. Đó chính xác là quá trình “kẻ mù sờ voi”, càng sờ thì càng khẳng định chắc chắn rằng con voi chỉ là khối thịt mềm mềm như cái quạt (khi anh ta sờ trúng tai con voi), hoặc con voi  giống cái cột (khi sờ trúng chân voi).

 

Một sự thật phiến diện thì không bao giờ là sự thật đích thực. Đó là còn chưa kể đến một khả năng nguy hiểm chắc chắn sẽ xuất hiện trong quá trình thực hành: TƯỞNG.

 

Các gợi ý mà thiền sinh nhập vào đầu, qua đọc sách hay nghe giảng, hướng dẫn thiền… sẽ làm cho họ tìm kiếm và dần dần “chế tạo” ra được các kinh nghiệm, các cảm nhận, thậm chí là các tuệ giác hay đạo quả, y như trong gợi ý. Với trợ giúp của tâm tham cầu tiến bộ và sự tập trung tâm trí, các loại tưởng này ngày càng trở nên vô cùng “thật” đối với các thiền sinh.  Những gợi ý này họ đã nhập vào tâm  thậm chí là từ trước khi bắt đầu thực hành, vì đó là nguyên nhân họ chọn thực hành phương pháp ấy, và ngày càng củng cố trong quá trình gắn bó với pháp hành. Phương pháp nào càng đề cao và cụ thể hoá các ấn chứng tiến bộ, sẽ càng khiến thiền sinh tham cầu tiến bộ và phát triển cái tưởng tiến bộ ấy. Con người thường sợ hãi con đường mông lung, và có xu hướng thích các phương pháp mô tả các tầng tiến bộ có thể định lượng được rõ ràng. Nhưng vốn kinh nghiệm thiền của mỗi người mỗi khác, và nó cũng không thể hiện cái hiểu thực sự “ngộ” ra bằng tuệ giác. Cuối cùng, kết quả thành công nhất sẽ chỉ là đạt được các loại tưởng y hệt như thật, mà không phải là sự cảm nhận và thấu hiểu thực sự về thực tế của thân tâm mình. Đó chính xác là quá trình tự kỷ ám thị, tự thôi miên . Rất ít người vượt qua được cái bẫy lớn này trong quá trình thực hành.

 

Cái gọi là phương pháp niệm thân, phương pháp niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp…. chỉ là cách gọi khi thiền sinh bắt đầu thực hành, nếu các cử động của thân là rõ nét nhất, thì thuận theo tự nhiên, họ phát triển chánh niệm và định tâm từ việc quan sát cử động. Nên gọi là niệm thân. Một số người khác thì cảm giác hoặc cảm xúc rõ nét hơn và tự nhiên hơn cả, thì họ bắt đầu từ cảm giác hay cảm xúc, nên gọi là niệm thọ hay niệm tâm. Một số khác, do tuệ mạnh, tỉnh giác và định tâm vững vàng, các suy nghĩ và cơ chế hoạt động của tâm hiện nên rõ nét, họ có khả năng và có hứng thú tìm hiểu các cơ chế ấy, thì gọi là niệm pháp. Khả năng ấy có thể do kế thừa từ kiếp trước (mà ta hay gọi là ba la mật)  hay do kết quả thực hành niệm thân, thọ, tâm trong kiếp này mà có. Đến cuối cùng, thiền sinh đều phải thấu hiểu cơ chế hoạt động của tâm mình, cơ chế của phiền não và thoát ra khỏi phiền não bằng cách tận diệt gốc rễ của nó. Đó là công năng của tuệ giác và đạo quả.

 

Giống như là tỷ phú thì có người là do thừa kế mà có, có tỷ phú là do thừa kế một phần, dùng thừa kế đó để đầu tư và thành tỷ phú, có người thì xuất thân nghèo khó, đi làm thuê và tiết kiệm, đầu tư đúng chỗ, thu lợi rồi lại đầu tư nhiều hơn ở chỗ có thể kiếm lợi hơn… từ bán vé số, mở cửa hàng, lập công ty làm ăn lớn… cuối cùng cũng thành tỷ phú.

 

Nhiều người không thành tỷ phú mà còn mắc nợ là vì không biết mình đang ở vị trí nào, ảo tưởng về năng lực của bản thân và copy một cách gượng ép con đường làm giầu của người khác. Người có tiền và có kiến thức, có năng lực làm ăn thì đầu tư lớn, mình không có hoặc chỉ có 1 phần trong các năng lực đó cũng bắt chước y hệt người ta nên kết quả thất bại. Có một số ít người có nhiều khả năng, nhưng không phát hiện và không biết sử dụng những khả năng ấy nên bỏ phí.

 

Cũng như thế, sự thực hành pháp một cách mất tự nhiên, mang tính cưỡng ép của kiến thức vay mượn và cách hiểu phiến diện thì sẽ không chọn đúng con đường của mình, mà chỉ copy con đường của người khác, nên không đạt kết quả mà còn làm lụi tàn các tiềm năng quý giá của mình. Nhiều người thực hành sai lầm dẫn đến mất đức tin, mất nhiệt tình tu tập, thậm chí còn ngày càng ngã mạn và cố chấp hơn.

 

Một người thầy giỏi là vô cùng quan trọng. Người thầy sẽ ở bên cạnh dẫn dắt người học trò qua con đường mông lung đầy cạm bẫy, suốt quá trình từ khi bắt đầu cho đến đạo quả. Người thầy sẽ quan sát, có những gợi ý định hướng thích hợp để học trò tìm được con đường của chính mình và tránh khỏi những sai lầm lớn. Đừng lấy sách vở làm thầy, đừng lấy kiến thức vay mượn làm tiêu chuẩn đánh giá thực tế và đánh giá pháp hành của mình. Tiếc rằng mọi người đều quá tự tin vào mức độ trí tuệ của mình, nghĩ rằng tự mình có đủ khả năng chắt lọc từ vô số kiến thức sách vở và kinh nghiệm của người khác để tìm ra con đường đúng cho mình.

 

Thiền sư Ajhan Cha nói: tu  tập phải dựa vào một trong hai thứ là trí tuệ và đức tin, đáng tiếc là hầu hết mọi người đều nghĩ rằng mình có trí tuệ rồi nên không cần đến    đức tin nữa. Đức Phật nói rằng thiện tri thức chiếm đến 100% cuộc đời Phạm hạnh. Sự tư vấn và hướng dẫn của một vị thầy giỏi là điều quan trọng hàng đầu để thực hành đúng và có kết quả.

 

Đúng là gặp được vị thầy như vậy là do duyên, nhưng duyên ấy từ đâu mà ra? Chẳng phải 100% từ quá khứ hư vô mù mịt nào đó, mà một phần không nhỏ là từ chính bản thân mình trong hiện tại, từ nguyện vọng được gần gũi bậc thiện trí – nguyện vọng ấy được thể hiện và phát triển từ chính hành động thực tế của mình trong hiện tại: nghe pháp, tìm đến nương tựa, thực hành theo lời khuyên của vị thầy, có trí tuệ để tìm được vi thầy thích hợp, có đủ kiên nhẫn và đức tin, dù tìm sai nhiều lần vẫn không từ bỏ đi tìm tiếp vị thầy của mình, con đường của mình… “khi người học trò đã sẵn sàng thì vị thầy sẽ có mặt”, người thầy đáng kính của thầy, thiền sư Sayadaw U Jotika đã nói như thế đấy. Cuộc đời tu của thầy tốt đẹp là nhờ các vị thầy thiện trí của thầy, các vị thầy có mặt trong cuộc đời thầy là nhờ lòng chân thành thực hành pháp, nhờ đức tin, lòng kiên nhẫn và sự khao khát gần gũi bậc thiện trí của thầy. Chẳng có gì là “tự nhiên” đến trong cuộc đời này cả.

 

Thầy xin lỗi vì chỉ 1 yêu cầu cung cấp tài liệu của con mà thầy lại trả lời dài dòng và lòng vòng thế này. Bởi vì tấm lòng chân thành của thầy thực sự mong muốn con tìm được con đường đúng với mình và thực hành pháp tốt đẹp. Bản thân vấn đề không nằm ở tài liệu mà ở cách nhìn về toàn bộ con đường tu tập, cũng như rất nhiều vấn đề trong cuộc sống của mọi người không phải từ bên ngoài mà thực sự đều từ “lỗi hệ thống” trong tâm họ mà ra.

 

Các tài liệu, pháp thoại mà thầy có thể chia sẻ đều được các học trò thầy đăng trên websitesutamphap.com. Nhưng nó cũng chỉ là những gợi ý định hướng cho con đường tu tập mà thôi. Bản thân thầy cũng ngày càng quên dần các kiến thức sách vở, kinh điển. Tiếp xúc với thực tế không qua một màng ngăn của kiến thức và khái niệm nào hết, đó là con đường của thầy.

 

Thầy chúc con bình an và tu tập tốt để sớm đạt được mục đích của cuộc đời xuất gia: trí tuệ giải thoát và sự bình an đích thực trong tâm.

Với tâm từ của thầy



 

Discover more from Sư Tâm Pháp

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading

Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved