Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Nửa Đạo nửa Đời

Con thân mến,

Sư chưa gặp con và chưa biết con, nên không thể nhận xét hay đưa ra lời khuyên một cách võ đoán được. Chắc chắn những điều sư nói sau đây sẽ không hẳn là chính xác, nhưng ít nhất nó cũng là một gợi ý để con tham khảo và tự quan sát thêm nhé.

Thông thường, mọi người hay rơi vào cảnh nửa đạo nửa đời là vì một số nguyên nhân sau:

  1. Đức tin không đủ mạnh và do đó sự tinh tấn cũng không đủ mạnh mẽ để dứt ra khỏi các thói quen và nếp suy nghĩ của người thế tục đầy phiền não. Chính bởi không đủ nội lực tu tập mạnh mẽ, nên vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đời sống thế tục và tạo nên mâu thuẫn nội tâm, thể hiện ở sự bất mãn (với mọi thứ, với mọi người và cuộc sống, kể cả với vị thầy của mình hay với giáo pháp) và thất vọng về bản thân. Mâu thuẫn ấy là vì sự chênh lệch quá lớn giữa cách sống mình vẫn đang thỏa hiệp để sống theo, và lý tưởng mình ôm ấp trong lòng mà không đủ mạnh mẽ và các điều kiện cần thiết để thực hiện. Lý tưởng càng cao xa khỏi thực tế, mâu thuẫn càng nặng. Mâu thuẫn nội tâm này như cái bóng đè lên cuộc đời, làm mình không thể sống an vui, thái độ cũng dần dần trở nên tiêu cực, tu tập cũng bị hoãn lại vì…“chưa đủ điều kiện thích hợp”. Nếu không có đủ can đảm và mạnh mẽ bứt phá lên, nó sẽ tạo nên sự phá hoại bền vững với chính cuộc đời mình. Có chuyển sang cuộc sống xuất gia thì vẫn mang cái bóng ấy theo. Rốt cuộc thì đạo hay đời, xuất gia hay tại gia không hoàn toàn phụ thuộc vào hình tướng bên ngoài hay nơi ta sống, mà nó phụ thuộc vào cái gọi là “tâm xuất gia”. Đó cũng chính là lý do thứ hai sư muốn nói đến ở đây.

  2. Lý tưởng hóa cuộc sống xuất gia, coi xuất gia mới là cứu cánh, mới là thực sự tu tập. Ngày xưa thời Đức Phật không có hoặc rất hiếm trường hợp như thế này. Ngày ấy còn chưa có chữ viết. Ngày nay do ảnh hưởng của sách vở và các quan điểm cá nhân lan tràn trên mạng, trên sách…con người ta sống ảo hơn nhiều, quan điểm và định kiến cũng nhiều (dĩ nhiên là định kiến sai lầm, phàm phu mà), nhiều quá đến mức mất cân bằng nghiêm trọng với hiểu biết thực tế. Và điều nguy hiểm là lại định hướng cuộc đời mình, định hướng sự tu tập dựa trên các định kiến ảo ấy. Lẽ ra thực tế phải là thước đo…

Hệ quả tất yếu là sự không hết lòng với hiện tại, không hết lòng với sự tu tập thực tế trong cuộc sống cư sỹ mình đang sống, và khi xuất gia, cũng lại dễ dàng thất vọng với đoàn thể xuất gia hay với ngay chính sự tu tập của mình trong hình tướng ấy. Vì từ trong vô thức đã xác định tu không phải là để hiểu bản thân, mà vì muốn biến mình thành một hình tượng tu tập “hoàn hảo” như vẫn ôm giữ trong tưởng tượng. Để hiểu bản thân thì có phải biến thành một hình tượng mình hướng đến mới hiểu được hay không? Hay là hiểu mình rõ nhất là trong chính hoàn cảnh thực tế, nơi mình đang thể hiện rõ nhất, chân thực nhất mọi góc cạnh dù là xấu xí hay tốt đẹp, và đang phải đối mặt với những lựa chọn đau đớn, khó khăn. Chúng sinh ở cảnh giới thấp kém như địa ngục, a tu la, ngạ quỷ, súc sinh không thể tu được vì quá nhiều đau khổ và si ám; chư thiên trên cõi trời khó tu vì cái gì cũng sẵn có, như ý. Kiếp người dễ tu nhất chính vì chỉ con người mới có phước để đứng trước các lựa chọn đau đớn: làm thiện hay làm ác, dễ duôi hay tự chế… Các chúng sinh cảnh giới khác không có quyền lựa chọn này, nghiệp hoặc phước của họ không cho phép họ làm điều đó. Ước nguyện lớn nhất của chư thiên khi đến giờ hết phước phải đi tái sinh nơi khác là được tái sinh đến cõi người. Tất cả chư Phật đều lựa chọn cõi người làm nơi tu tập và đắc đạo là vì lý do ấy.

Vậy mà nhiều người tu tập lại đang cố biến cuộc sống may mắn ấy của mình thành một nơi như cõi chư thiên, ở một nơi toàn thiện, toàn tu, toàn bậc Thánh…

Chúng ta có thể quan sát hiện tượng ấy ở nhiều cộng đồng tu tập. Có những nơi sống mơ màng, ảo tưởng trong sự nhàn hạ, an toàn của một cộng đồng thực chất là “tu tiên” chứ không phải tu thoát khổ. Có những hình ảnh tu sỹ trẻ tuổi đầy nhiệt huyết – thực chất là sức mạnh của ảo tưởng, của lý tưởng sách vở chứ không phải của đức tin chân chính (lý tưởng có biểu hiện rất giống đức tin, nhưng không phải đức tin. Nó mang dấu ấn của tâm tham và bản ngã), sau một số năm trong Tăng đoàn đã trở nên rệu rã và mắc kẹt trong sự bất mãn, tiêu cực và ngã mạn. Một số mòn mỏi tiếp tục giữ hình tướng xuất gia, một số chán nản quay về gia nhập đội ngũ nửa đạo, nửa đời (sư xin lỗi, sư không có ý nói con nhé).

Xuất gia chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Phương tiện là để sử dụng chứ không phải để hướng tới. Trong bài kinh “Bẩy trạm xe” có nói, đến ngay cả Niết Bàn cũng không phải là mục đích tu tập (vô thủ trước Niết Bàn – tức là không chấp thủ, dính mắc vào cả Niết Bàn), nữa là xuất gia. Khi chúng ta lấy cái gì đó làm mục đích, trong vô hình chính cái đó đã trói buộc mình. Một người bị trói buộc thì dĩ nhiên không thể là một người giác ngộ giải thoát. Chấp thủ hình thức, hay còn gọi là giới cấm thủ (silabbata-paramasa),  là một trong 10 kiết sử (dây trói buộc) trói mình trong luân hồi, mà chỉ được tận diệt ở Thánh quả đầu tiên. 

  1. Không có người thầy giỏi hướng dẫn sát sao. Đây là một thực tế phổ biến trong thời mạt pháp này. Các bậc thiện trí chân chính đa phần ít người biết đến, hoặc có quá nhiều người đến xin nương tựa học hỏi. Hầu hết các vị là người xuất gia, sống ẩn cư nơi vắng vẻ, hoặc bận rộn dạy dỗ trong các thiền viện, không thể dành đủ thời gian và sức lực cho tất cả mọi người như nhau. Trong khi thật giả lẫn lộn khó phân, người tự xưng là thiền sư, pháp sư, đạo sư… thì nhan nhản khắp nơi. Mới gần đây thôi, có một thiền sinh trẻ học qua mấy khóa thiền sư dạy cũng nổi hứng đi dạy thiền các chỗ, can ngăn chẳng nghe. Hết thuốc chữa. Sách vở thì càng khỏi phải nói. Thực tế là đa số thiền sinh hiện nay đều lấy sách làm thầy, dù rằng bản thân họ cũng có khi đang tu ở trong trường thiền đấy. Khi có vướng mắc thì đều lấy kiến thức sách vở ra để hiểu và tìm cách giải quyết. Sư nghe nói họ còn hỏi thiền, dạy thiền cho nhau trên các diễn đàn của mạng xã hội, một người đưa vấn đề tu tập của mình ra xin ý kiến và nhận được mấy chục lời chỉ giáo đủ thể loại. Không biết từ bao giờ con đường tu tập thoát khổ lại trở nên hạ cấp đến như vậy…

Tăng đoàn thời xưa, và ngay cả trong một số hệ phái nguyên thủy nghiêm khắc theo truyền thống tu rừng bây giờ ở Sri Lanka, Thái Lan…không dạy thiền cho cư sỹ tại gia, là có nguyên do của nó. Con đường tu tập liên quan đến sự rèn luyện toàn diện mọi mặt, chứ không đơn giản chỉ là một kỹ thuật thiền. Sự truyền thừa trực tiếp giữa thầy-trò là rất quan trọng, vì tâm mình bày ra vô số cạm bẫy trên đường, có những thứ chỉ có thể trao truyền bằng thân giáo. Đức Phật quy định rõ trong Tạng luật về trách nhiệm và bổn phận cụ thể của người trò cũng như của người thầy. Để làm tròn các trách nhiệm ấy không phải là việc đơn giản, nhất là khi bản thân còn chưa hoàn thành trách nhiệm với chính mình – chưa hoàn toàn viên mãn nhiệm vụ của một vị tỳ khưu là đạt đến giải thoát hoàn toàn, đoạn diệt tái sanh. Vì lý do ấy, và cũng vì không có đủ các điều kiện cần thiết như Tăng đoàn, pháp lý, nơi ăn chốn ở và rất nhiều thứ nhiêu khê khác nữa mà sư không thể nhận đệ tử xuất gia, dù là nam hay nữ con ạ, ít nhất là ở giai đoạn hiện tại này. Hy vọng một ngày nào đấy trong tương lai sư có thể làm được điều đó. Hiện giờ sư chỉ có thể cố gắng giúp hướng dẫn cho các thiền sinh cư sỹ thực hành pháp ngay chính trong cuộc sống của họ. Với những người thực hành nhiệt tâm, đầy đủ đức tin, nghiêm túc theo hướng dẫn thì vẫn có thể thực hành rất tốt và trưởng thành mạnh mẽ. Chúng ta luôn có đủ để tu tập, nếu chúng ta biết sử dụng cuộc sống của mình một cách hợp lý, thay vì chỉ tập trung vào việc chọn lựa, lấy này bỏ kia và coi đó là điều kiện tiên quyết để bắt đầu tu. Những nguồn lực đang có của ngày hôm nay là đủ cho nhiệm vụ của ngày hôm nay. Hãy sử dụng chúng một cách triệt để hiệu quả đi đã, chúng ta vẫn đang còn rất nhiều không gian phát triển chưa được khai phá.

Đó là một số sự thật mà sư quan sát được, chia sẻ với con để con tham khảo và tự rút ra những bài học hay sử dụng như là những gợi ý để có sự điều chỉnh thích hợp cho sự tu tập của mình. Sư hy vọng nó sẽ có ích cho con, có thể nó không hoàn toàn chính xác song ít nhất cũng cung cấp thêm một góc nhìn khác về sự việc. Nếu con cần sự giúp đỡ gì, đừng ngại liên hệ, sư sẽ cố gắng giúp trong khả năng của mình. Sư thực sự mong con thấy rõ con đường của mình và thoát ra khỏi cái kẹt hiện tại để tu tập tốt và đạt được nhiều lợi ích thiết thực. Dù sao, nó cũng chỉ là 1 giai đoạn khó khăn, 1 cái kẹt dọc đường trong vô số cái kẹt khác trên hành trình đi đến giải thoát thôi con ạ. Sư mong con sớm trưởng thành.

 

Với tâm từ của sư.

Sư Tâm Pháp.

 



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved