Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Trách nhiệm và bổn phận

 Con chào Thầy ạ,

Thầy ơi, Thầy vẫn khỏe chứ ạ? Con thấy nắng đã lên rồi, con hoan hỉ và mong sớm được gặp lại Thầy và tham gia các khóa thiền Thầy dạy lắm ạ.

Thêm 1 t/g thực hành nữa, con thấy mình đã bắt đầu dễ khởi lên niềm vui hơn, mà ít cần đến các kích thích bên ngoài. Con cũng q/sát thêm được 1 số điều thế này Thầy ạ:

  1. Có những lúc con thấy mình có một sự mong muốn rất sâu và âm ỉ về một điều gì đó mà con cảm giác lờ mờ là tìm kiếm sự an toàn. Nhưng con ko chắc lắm. Khi ko tìm thấy thì con thấy nó biểu hiện thành 1 lực thúc con phải làm cái gì đó để khỏa lấp đi, vd như ăn vặt, nghe nhạc hoặc đọc sách. Nhưng con chỉ nhận diện được đc cảm giác đó khi nó trở nên thô rõ như vậy, chứ vẫn chưa có khả năng nhìn thấy dưới các dạng vi tế hơn.

Khi đó con lại áp dụng cách Thầy hướng dẫn, ko làm gì mà chỉ dành t/g để q/sát cách nó biểu hiện ra. Nhưng nó dai dẳng, quay đi quay lại, lâu hơn nhiều so với 1 số phiền não con đã từng nhận diện đc như sân, ghen tỵ, hay ngã mạn.

Con nghe lại bài pháp “Buồn chán”, đối chiếu những lời Thầy giảng với k/nghiệm trực tiếp của bản thân thì con hiểu rằng “đó là 1 phần của c/sống”. Ngoài ra, sự giảng giải của Thầy cũng giúp con hiểu, trên phương diện lý thuyết, rằng động lực đó là “ái dục”, chính nó đã thúc đẩy con sinh ra trong c/đời này. Con hiểu như thế có đúng ko thưa Thầy?

Con thấy như mình đang bắt đầu 1 quá trình lần theo cuộn chỉ để tìm ngược lại ngọn nguồn, với những manh mối dù còn rất mơ hồ, nhưng cũng đủ làm con rất hoan hỉ và đầy hứng thú.  

  1. Trong các thời thiền, khi con thực hành quay về cảm nhận với đau, ngứa, bước chân, hơi thở, v.v.. con thấy c/sống trở nên đơn giản, nhẹ nhàng. Nhưng mỗi khi hướng tầm mắt ra xa 1 chút, con lại thấy có sự mờ ảo như có lớp sương mù đang che mắt con, như thế này Thầy ạ:

Con q/sát những người già x/quanh con. Khi hết s/khỏe, chỉ còn là sự sống leo lét trong những thân thể tàn tạ, ốm đau, họ phải mang rất nhiều khổ đau, với chính họ hay cho những người x/quanh. Con cũng biết là ai rồi cũng sẽ đến giai đoạn này của cuộc đời.

Nhưng điều con băn khoăn là: con thấy tất cả mọi người đều đổ ra rất nhiều nguồn lực, từ t/g, tiền bạc, sức khỏe, v.v.. để duy trì sự sống đó, dưới nhãn mác của các mỹ từ “có hiếu, có trách nhiệm”. Tuy vậy con biết chắc rằng có những trường hợp, ng đang làm việc c/sóc đó ko thực sự muốn, rõ nhất là việc các nàng dâu phải c/sóc bố mẹ chồng (mẹ con c/sóc bà nội là 1 ví dụ ngay sát cạnh con). Và con thấy những việc làm đó là vô nghĩa vì thiếu vắng tình thương.

Con thấy bối rối và thậm chí là tội lỗi với cách nhìn đó của con. Phải chăng con là kẻ lạnh lùng, ích kỷ?

Con thấy mình loay hoay đi tìm xem tình thương ở đâu. Con vẫn duy trì thiền tâm từ mỗi ngày, nhưng con thấy nó chỉ như hạt nước nhỏ nhoi, trong khi lòng con hầu như vẫn toàn sỏi đá. Nhờ nghe bài pháp “Tình thương” của Thầy, con hiểu rằng tình thương, cũng giống như các tiềm năng khác, cần vun bồi từng chút một, qua mỗi ngày.

Nhưng khi trong con chưa thể có đc tình thương như con mong muốn hướng đến, thì bản thân con cũng vẫn đang làm các việc “trách nhiệm, nghĩa vụ”. Vậy liệu con có thể làm được gì hơn như thế ko ạ? Con có nên coi những “trách nhiệm, nghĩa vụ” đó như 1 cơ hội để cho con thấu hiểu bản thân mình, và để giúp con rèn luyện tâm từ? Thưa Thầy, có phải việc c/sóc ai đó chỉ biến thành có ý nghĩa, và tích lũy thành thiện nghiệp khi nó được thực hiện với tình thương?

Con nhớ lời Thầy dạy là ko nên vội vã để hiểu, nên con cũng ko sốt ruột. Nhưng nếu có chút gì đó mà ở tầm mức hiện nay con có thể hiểu được, xin Thầy hãy chỉ dạy cho con với ạ.

Con vẫn ghi nhật ký thiền hàng ngày. Con xin được gửi Thầy.

Kính xin Thầy hãy chỉ dẫn thêm cho con với ạ.

 _______________________________________________

Con ạ,

Việc chăm sóc người khác chỉ trở thành thiện nghiệp khi có động cơ là tâm thiện như bố thí, tình thương, lòng biết ơn… đi kèm. Đó là những phẩm chất tâm cao thượng mà người bình thường khó có được thường xuyên. Khi làm 1 việc mình không thích chỉ vì trách nhiệm, bên trong đã có sự bất mãn, sân si rồi. Vì vậy, bậc trí thường không lựa chọn làm những việc khiến cho các tâm bất thiện đó sanh khởi, dù rằng nó mang cái tên nào cũng vậy: hiếu nghĩa, trách nhiệm, bổn phận…, tức là không vin vào cái tên “tốt đẹp” của sự việc mà người ta quy ước đó để biện minh cho sự thiếu trách nhiệm với tâm mình (chớ hiểu lầm là bậc trí thì không có hiếu hay không làm bổn phận nhé; thầy cũng không bảo con không làm những việc hiếu nghĩa, trách nhiệm). Ở bên trong tâm, người tu tập tự giải phóng mình dần dần khỏi sự lệ thuộc vào các danh từ đó, khỏi các “trách nhiệm” mà xã hội quy định (mặc dù bên ngoài vẫn có thể làm). Một là nếu không thể tránh được tâm bất thiện khởi sanh khi làm việc đó, thì cố gắng tránh không làm. Hai là, uốn nắn tâm để có thái độ đúng, để các tâm bất thiện không có cơ hội bắt rễ và lớn mạnh, và tâm thiện có không gian xuất hiện. 

Trách nhiệm lớn nhất là trách nhiệm với chính mình, với chính cuộc đời mình. Khi bản thân chưa làm cho mình thực sự bình an, hạnh phúc, tức là chưa hoàn thành trách nhiệm. Không làm được cái trách nhiệm ấy thì những thứ “trách nhiệm” khác mà chúng ta đang miễn cưỡng hoàn thành cũng chỉ là đạo đức giả hoặc tự lừa dối mình. Những cái gọi là “trách nhiệm” đó, như chăm sóc mẹ cha, bổn phận gia đình, xã hội… nên được làm từ động cơ biết ơn, bố thí, sự tử tế, tạo phước thiện cho bản thân hoặc làm để rèn luyện các phẩm chất tâm linh mình còn thiếu…chung quy lại cũng là thực hiện trách nhiệm với chính tương lai thiện báo của mình.

Trong cuộc sống hàng ngày thì con khó mà tránh được những việc mình không thích, vẫn phải sống với những bổn phận và trách nhiệm, nhiều việc phải cố làm chỉ là để đánh đổi lấy sự bình yên và tránh rắc rối cho bản thân. Nhưng điều con có thể làm được là thay đổi cách nhìn với sự việc. Chẳng hạn, chẳng mấy người con dâu nào muốn mệt mỏi chăm sóc một bà mẹ chồng ốm đau, khó tính, nhưng vì sự yên ấm trong gia đình và tránh những rắc rối không cần thiết nên vẫn phải làm. Khi đã xác định việc đó là việc phải làm, không thể trốn tránh được thì hãy làm một cách tự nguyện và vui vẻ, sẽ tốt hơn khi làm với một cái tâm bất mãn. Dù bất mãn thì cũng không tránh được việc đó cơ mà, mà lại còn làm cho mình thêm khổ sở. Người trí sẽ nhìn thấy rõ ràng như thế và sẽ lựa chọn việc ít thiệt hại hơn, giống như tự nguyện trả nợ còn hơn là bị người ta đến siết nợ mà còn bị chửi, bị đánh nữa.

Hoặc con có thể nhìn để thấy ra những cơ hội trong chính việc mình không thích. Bất cứ việc gì cũng là cơ hội để con quan sát mình, tự rèn luyện bản thân. Nếu không nhìn ra cơ hội, con sẽ bỏ phí và thậm chí còn biến nó thành sai lầm, tự hại. Chẳng hạn, trong các việc không thích mà vẫn phải làm, con có thể xác định làm để rèn luyện sự kiên nhẫn, hoặc làm để quan sát phản ứng của tâm mình như thế nào. Rất thú vị. Khi ấy, năng lượng và chú ý sẽ hướng đến mục đích mình xác định, thay vì đầu tư cho sự bất mãn và khổ sở.

Vì vậy, hãy thay đổi cách nhìn sự việc. Nếu khó chịu vì phải chăm sóc người bệnh thì có thể tưởng tượng như mình đang làm từ thiện đi. Ở miền bắc ít có truyền thống làm từ thiện, trong nam phổ biến hơn, ở một số nước khác như Miến Điện thì còn nhiều hơn nữa. Thanh niên, học sinh đôi khi rủ nhau hùn tiền mua đồ ăn cho người nằm bệnh viện hoặc chăm sóc người già, người bệnh. Vậy sao không coi như đang làm từ thiện với chính người trong nhà mình đi. Nghĩ như vậy con sẽ thấy thanh thản hơn nhiều. Còn nếu nghĩ đến mặt tiêu cực thì tâm con sẽ ngày càng tiêu cực. Các y tá ở bệnh viện, hàng ngày họ phải chăm sóc bệnh nhân, mệt mỏi hơn mình nhiều, nhưng thầy nhận thấy 1 số y tá làm việc rất vui vẻ và tận tâm, một số thì cáu gắt, khó chịu. Nếu chúng ta cứ nghĩ đến mặt tiêu cực là khó chịu vì phải làm những việc này, tâm sẽ dần dần đổ lỗi cho chính những người mình đang chăm sóc, cho rằng họ mới là thủ phạm tạo nên đau khổ của mình, trong khi chính người bệnh mới là người đau khổ hơn vì bệnh tật. Có ai muốn mình bị bệnh đâu. Trên thế giới có một số vụ án mà y tá trở thành những kẻ giết bệnh nhân hàng loạt vì lý do đó. Trong khi những y tá khác thì có người lại càng làm việc lại càng nhiều tâm từ với bệnh nhân. Tất cả do cách nghĩ khác nhau mà tâm sẽ dần phát triển theo những hướng khác nhau, dẫn đến hạnh phúc hay đau khổ khác nhau. Và một điều quan trọng cần lưu ý là: tại sao khi làm từ thiện chúng ta vui vẻ được mà chăm sóc người nhà không vui, vì làm từ thiện là “tự nguyện”, làm với tâm hoan hỷ, không có áp lực, làm đến lúc thấy đủ, thấy mệt thì thôi. Nó không tạo cho người ta cảm giác “phải làm”, cảm giác “phải hy sinh”, “phải mất thời gian quý báu của mình”… Vì vậy, ngay cả với các trách nhiệm của mình, cũng không được biến nó thành áp lực, không được cố làm khi tâm đã phản kháng mạnh và cảm thấy tiêu cực ở bên trong. Nếu không, nhất định nó sẽ đi theo hướng bất mãn và thành vết mòn trong tâm. Biết lúc nào cần nói không, và can đảm nói không là điều quan trọng.

Về lý thuyết là như thế, nhưng thấy biết trong thực tế thì phức tạp hơn nhiều. Đã mệt mỏi vì đủ thứ trong cuộc sống cơm áo gạo tiền, chẳng có ai lại tình nguyện vui vẻ với trách nhiệm chăm sóc người khác nữa, nhất là người đấy không phải là người có ơn với mình, không phải là người thân thích ruột thịt. Nếu là người mình không ưa thì lại càng tệ. Cũng chẳng thể bắt mình phải “rèn luyện tâm từ” trong tình trạng như thế được. Hãy giảm tải cho bản thân mình con ạ. Không giảm tải thì làm việc gì cũng mệt mỏi và bất mãn, hiệu quả công việc chỉ bằng 1 phần rất nhỏ so với năng lực thực tế của mình. Chánh niệm rất cần thiết, chánh niệm và thu thúc, giữ giới, đơn giản, ít nhu cầu…sẽ giúp con kiên quyết cắt bớt dần những việc vô ích, tiết kiệm năng lượng và thời gian, và xác định rõ việc nào là thực sự quan trọng, thực sự cần thiết để phân bổ thời gian và năng lượng có hạn của mình một cách hợp lý nhất.

Điều này cần rất nhiều chánh niệm, tỉnh giác và tự kỷ luật. Con đang làm việc đó. Nó sẽ dần dần giải quyết tận gốc các vấn đề của con.

Sự quy hoạch lại cuộc sống và tự giải phóng mình khỏi các “trách nhiệm” và những cái “phải” tự quàng vào thân tất nhiên sẽ làm xáo trộn phần nào cuộc sống cũ, và bởi vì cần phải cắt bớt và giảm tải một số công việc và “trách nhiệm” mình hay ôm đồm, nên đi ngược lại với những tiêu chuẩn đúng-sai mà mình vẫn chấp nhận vô điều kiện trước đây, đi ngược lại mong đợi của nhiều người. Người khác sẽ có thể chỉ trích con là ích kỷ (khi con, sau 1 ngày làm việc mệt mỏi, lại “lười” không chịu giặt bộ quần áo của ông chồng đang nằm xem TV chờ cơm tối chẳng hạn), hoặc bản thân con cũng thấy bất an tự hỏi mình có phải ích kỷ hoặc vô cảm hay không. Nhưng con phải kiên quyết quy hoạch lại cuộc sống của mình. Đừng để những tiêu chuẩn tốt xấu, ích kỷ hay tốt bụng….của mọi người áp đặt lên mình, chi phối cuộc sống của mình, và cứ gồng lên để xứng với cái danh họ áp đặt đó, mà hãy dần dần sống theo các tiêu chuẩn riêng của mình. Điều đó cần sự mạnh mẽ, tự tin và thật nhiều chánh niệm, tỉnh giác. Sự va chạm sẽ không thể tránh khỏi, cho đến khi con xác lập vững chắc và thực sự sống theo cái mình cho là đúng, là cần đó, và người khác phải chấp nhận sự thay đổi đó của con. Đừng ngại va chạm, đừng ngại xáo trộn, không mạnh mẽ bảo vệ niềm tin và cách sống của mình con sẽ không bao giờ thoát ra được.

Khi con đã mạnh mẽ lên và sống với tiêu chuẩn của chính mình, thì mọi việc sẽ thuận trở lại. Nó sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, nhiều hơn là con hy vọng. Mọi người dần sẽ hiểu và chấp nhận con, và dù họ có không hiểu, không chấp nhận thì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến con nữa. Con sẽ sống bình an và phát triển mạnh mẽ hơn. Chẳng ai cho mình điều đó miễn phí cả đâu, mình phải tự giành lấy quyền sống cuộc đời mình, từ tay phiền não và từ mọi người quanh mình. Hãy mạnh mẽ, kiên trì và tự tin. Qua giai đoạn xáo động đó, thì con mới xứng đáng với sự bình an và cuộc sống ý nghĩa. Không có bữa cơm nào là miễn phí cả.

Hãy tiếp tục con nhé. Kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc, không rời định hướng cuộc đời mình.

Thầy chúc con ngày mới bình an

Với tâm từ của thầy

 



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved