Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thiền & cuộc sống
Tìm mục đích sống

Tôi nhớ cái ngày khi em trai tôi 18 tuổi, nó bước vào phòng khách và thông báo với mọi người: “Sau này, con sẽ trở thành thượng nghị sĩ.” Mẹ tôi buông một câu khích lệ tinh thần chú bé, còn tôi thì hình như đang mải ăn bát ngũ cốc ưa thích. 15 năm sau, câu nói đó đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời em trai tôi: nó học gì, làm gì, nó chơi với ai, tạo dựng những mối quan hệ nào, thậm chí nó sống ở đâu và đi nghỉ cuối tuần ở đâu. Đến bây giờ, nó đã trở thành một chính khách trong ủy ban thành phố, và con đường chính trị của nó còn rất rộng mở để đến với ước mơ năm 18 tuổi.

 

Phần lớn chúng ta đều không biết sẽ làm gì với cuộc sống của chính mình. Ngay cả khi tốt nghiệp đại học. Ngay cả khi đã có một công việc. Ngay cả khi đã kiếm được ra tiền. Ở khoảng giữa độ tuổi 18 và 25, tôi thay đổi ý muốn về sự nghiệp nhiều lần hơn cả thay đồ lót. Ngay cả sau khi tôi đã có công ty riêng – tầm năm tôi 28, tôi vẫn chưa thực sự hình dung rõ mình muốn gì trong cuộc sống. Có nhiều độc giả ở độ tuổi 40, thậm chí 50, gửi thư cho tôi và nói rằng họ vẫn chưa tìm ra được mục đích cuộc sống của họ.

 

Vấn đề ở đây chính là từ “mục đích cuộc sống” (life purpose). Chúng ta bị ảo tưởng rằng mỗi chúng ta sinh ra với một mục đích cao siêu vĩ đại nào đó, và trong suốt cuộc đời, chúng ta là những siêu anh hùng phải hoàn thành mục đích cao cả ấy. Nhầm. Nhầm hết. Đây là sự thật: Chúng ta chỉ sống một quãng thời gian ngắn ngủi trên trái đất này. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta làm nhiều thứ. Một số thứ quan trọng. Một số thứ không quan trọng. Những thứ quan trọng khiến ta thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa. Những thứ không quan trọng thì chỉ tốn thời gian.

 

Vì thế, khi bạn hỏi: “Tôi nên làm gì với cuộc đời tôi?” hay “Mục đích sống của tôi là gì”, câu hỏi thực sự mà bạn đang hỏi là: “Tôi có thể làm điều gì quan trọng và có ý nghĩa trong mấy chục năm ngắn ngủi sống trên đời?”

 

Và bây giờ thì dễ trả lời hơn nhiều rồi. Nào, tôi sẽ đưa ngược lại cho bạn 7 câu hỏi, từ đó chính bạn có thể khám phá ra điều gì là quan trọng đối với bạn, rồi hãy thêm điều đó vào trong cuộc sống của bạn, ngay và luôn. 

(Mà làm cho vui thôi nhé, làm xong vẫn không ra thì đừng đánh tôi.)

 

1. Bạn sẽ chọn bánh mì kẹp phân (đúng, kẹp PHÂN) vị gì, và có cho sốt chua ngọt vào không?

 

À, câu hỏi này hoá ra lại là câu hỏi quan trọng nhất. Nghe thì có vẻ kinh: đã ăn bánh mì rồi lại còn kẹp PHÂN! Nhưng mà, cuộc đời cũng thế thôi, thể nào cũng có lúc bạn phải nhảy vào đống phân. Cái quan trọng là: điều gì khiến bạn sẵn sàng đánh đổi để nhảy vào đống phân đó (nói ví dụ đi, nếu nhảy xong, người con gái bạn thầm yêu sẽ đồng ý lấy bạn, bạn có nhảy không – trả lời thật đi nhé)?

 

Bạn hiểu ra vấn đề chưa? Điều khiến bạn có thể hi sinh mọi thứ để có nó, cũng sẽ là điều giúp bạn vượt qua những thời kì khó khăn nhất của cuộc đời. Nếu bạn mơ thành một doanh nhân tài ba, bạn sẽ phải đánh đổi bằng những thất bại ban đầu. Nếu bạn muốn là một họa sĩ nổi tiếng để đời, bạn cũng phải đánh đổi bằng hàng trăm bức tranh vẽ mồ hôi nước mắt bị vứt đống ngoài vỉa hè. Nếu bạn khát khao thành luật sư giỏi nhất, 80 tiếng đồng hồ làm việc một tuần là điều hiển nhiên.

 

Tất cả các thứ đó chính là những cái PHÂN mà bạn sẽ phải ăn. Ai trong chúng ta cũng sẽ phải ăn bánh mì kẹp phân thôi.

Và nếu ăn, nhớ cho thêm sốt chua ngọt vào nhé.

 

2. Điều gì trong hiện tại của bạn sẽ khiến bạn-năm-8-tuổi phải khóc?

 

Khi tôi còn nhỏ, tôi thường ngồi lì trong phòng viết truyện ngắn, về đủ mọi thứ trên trời dưới biển: người ngoài hành tinh, siêu nhân, chiến binh Hi Lạp, con mèo nhà tôi, bố mẹ, mấy thằng bạn… Không phải tôi viết để cho ai đó đọc. Không phải tôi viết để thầy cô chấm điểm, hay mang cho bố mẹ đi khoe. Chỉ là vì niềm vui khi tôi được viết. 

 

Thế rồi, vì một lí do nào đó, tôi không viết truyện ngắn nữa. Tôi cũng không nhớ tại sao. Tôi nghĩ nếu tôi-năm-8-tuổi biết điều này, hẳn nó sẽ khóc và buồn ghê gớm.

 

Chúng ta thường có xu hướng mất đi niềm vui với những thứ ta yêu thích khi còn nhỏ, vì nhiều lí do: áp lực công việc, gia đình, xã hội… Tôi tưởng tượng cuộc hội thoại của tôi bây giờ với tôi-năm-8-tuổi sẽ như thế này:

 

– Tôi Bé: Tại sao anh không viết truyện ngắn nữa?

– Tôi Lớn: Vì anh không giỏi viết truyện ngắn như em.

– Tôi Lớn: Vì sẽ chẳng ai đọc cả. Phí thời gian vãi.

– Tôi Lớn: Vì anh sẽ không kiếm được tiền nếu viết truyện ngắn.

 

Dù Tôi Lớn trả lời thế nào thì Tôi Bé cũng sẽ bắt đầu khóc tu tu.

 

3. Điều gì khiến bạn quên ăn, quên ngủ, thậm chí quên cả “đi nặng”??

 

Chúng ta đều từng có những lần quá tập trung vào việc gì đó trong nhiều giờ và cuối cùng sực nhìn đồng hồ: “Thôi chết, mình quên ăn tối rồi.” Tôi cũng từng có thời gian như thế. Với trò chơi điện tử. Trong suốt nhiều năm trời, tôi chỉ chơi điện tử, quên ăn, quên học, quên nói chuyện và giao tiếp với mọi người. Rồi cũng đến lúc tôi nhận ra… cái tôi đam mê không phải là game. Mà là khao khát tiến bộ (hay còn gọi là lên-level), được đánh thắng, được là người giỏi nhất. Đó chính là mục đích cuộc sống của tôi: cạnh tranh và chiến thắng. Có thể với bạn, đó là việc sắp xếp mọi thứ đúng trật tự, dạy ai đó một điều gì, hoặc giải quyết những rắc rối kĩ thuật. Hãy cố nhớ lại xem thứ gì từng khiến bạn thức trắng cả đêm để thực hiện. Bạn sống là vì nó đấy.

 

4. Bạn có thể tự làm xấu hổ bản thân đến mức nào?

 

Trước khi bạn thành công ở một công việc quan trọng nào đó, bạn sẽ phải làm hỏng một thứ gì đấy trước đó. Khi thất bại hoặc làm hỏng, bạn sẽ thấy xấu hổ. Phần lớn mọi người đều tránh việc đó – tự làm bản thân xấu hổ. Không dám nói trước đám đông, không dám đăng kí cuộc thi tài năng, không dám thử một môn thể thao mới… Con người quá nhạy cảm, và lòng tự trọng của họ quá cao. Nhưng họ không biết rằng, nếu cứ trốn tránh mãi những việc có thể khiến họ thấy xấu hổ, thì cả đời họ cũng sẽ chỉ lòng vòng làm những thứ phù phiếm vô giá trị.

 

Nếu bây giờ bạn đang muốn làm điều gì đó nhưng đang lo sợ bố mẹ không đồng ý, bạn bè trêu chọc… thì tôi khuyên bạn rằng: hãy cứ làm đi. Hãy tự làm mình xấu hổ hết mức có thể đi. Ai cũng phải tự cảm thấy bản thân ngu ngốc trước khi đạt được một thứ gì lớn lao hơn. Nói như Steve Jobs: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”. Xấu hổ thì thôi, đây là cuộc đời của bạn cơ mà?

 

5. Bạn sẽ cứu thế giới như thế nào?

 

Nếu lâu lâu rồi bạn mải đọc tin về Kenny Sang mà quên cập nhật tình hình thế giới, để tôi nói cho bạn biết, dạo này thế giới có nhiều vấn đề phết. Chữ “phết” của tôi có nghĩa là: tất cả mọi thứ đang đảo lộn lung tung hết, và loài người sắp chết cả rồi đấy.

 

Vì thế, hãy chọn ra một trong số rất rất nhiều vấn đề của thế giới – mà bạn có thể thay đổi được một chút nào đó – và bắt đầu cứu thế giới đi. Có nhiều thứ để chọn lắm: vấn đề giáo dục – hãy đi dạy những trẻ em mù chữ, vấn đề kinh tế – hãy bắt đầu hỏi bố mẹ bạn đang gửi tiết kiệm ở đâu, có an toàn không (và hỏi một cách tử tế chứ không phải để bí mật đi rút nhé), vấn đề bạo lực – hãy học một môn võ một cách bài bản để tự vệ và bảo vệ người khác nếu chẳng may có chuyện ngoài đường.

 

Ngay cả khi bạn không cứu được thế giới (ừ thì chúng ta rồi sẽ chết cả mà), ít nhất bạn đã cố gắng đóng góp để thay đổi. Và cái cảm giác đang thay đổi một thứ gì đó, xét cho cùng, chính là mục đích của cuộc sống. 

 

6. Nếu bây giờ bố mẹ bạn đá bạn ra khỏi nhà trong vòng một ngày – đúng 24 tiếng, bạn sẽ đi đâu, làm gì?

 

Hầu hết chúng ta kẹt cả cuộc đời trong những thói quen lặp lại. Ghế sofa nhà tôi thật êm. Kem trong tủ lạnh luôn thật ngon. Chẳng có gì mới xảy ra cả. Vèo một cái hết ngày. Đó chính là vấn đề trầm trọng. Bạn không hiểu được rằng đam mê là kết quả của hành động, chứ không phải nguyên do dẫn tới hành động. Làm sao bạn biết được bạn thích cái gì nếu cả ngày bạn ngủ nướng ở nhà? Thế nên hãy trả lời câu hỏi này, và bắt đầu làm một cái gì đó đi (thêm điểm cộng cho bạn nếu việc đó có thể giúp bạn cứu thế giới).

 

7. Nếu bạn biết bạn sẽ toi vào ngày này đúng 1 năm nữa, bạn sẽ làm gì để mọi người nhớ tới bạn?

 

Nhiều người sợ cái chết. Nhưng nghĩ đến cái chết của bản thân chúng ta thật ra lại rất hiệu nghiệm trong việc buộc chúng ta phải phân định rõ trong cuộc sống: thứ gì là quan trọng và thứ gì là phù phiếm. Bạn sẽ không thể đem trang Facebook hàng trăm ảnh xinh đẹp lung linh và hàng nghìn người theo dõi xuống mồ cùng bạn. Bạn cũng không đem quần áo đẹp, túi Hermès và điện thoại Vertu xuống hố làm gì.

 

Người không biết mục đích sống của mình là gì thực ra là người không nhận thức được giá trị của bản thân họ. Những lúc ấy, họ sẽ “mượn tạm” mục đích sống của người khác để sống: để kiếm tiền, để nuôi vợ nuôi con, để có một tài khoản lương ổn định… Đây là tấm vé một chiều đến địa ngục trần gian.

 

Tìm ra mục đích cuộc sống thực ra là khám phá những giá trị lớn lao xung quanh bạn. Để làm được điều đó, bạn phải suy nghĩ, phải động não, phải bắt tay vào làm. Luôn thử thách chính bản thân mình, luôn đẩy mình tiến tới trước, và đồng thời (ở đây Mark dùng một từ rất hay là “paradoxically”), luôn tưởng tượng ra một thế giới sẽ thế nào nếu-không-có-bạn.

Bài viết của tác giả Mark Manson – Ngọc Đặng (dịch)



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved