Con mong Thầy khỏe và bình an ở Rừng Thiền.
Dịch bệnh làm mọi người lo lắng thái quá, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, ai cũng phải làm quen với cách sống mới, cách làm việc, học tập kiểu mới và cũng như thêm nhiều thời gian, trách nhiệm với gia đình. Càng ngày, con càng thấm thía sự khổ ở mọi khía cạnh cuộc sống và tu tập để có được tự do khỏi cảm xúc, hành động và cuối cùng là giải thoát cần thiết thế nào.
Con thực hành thiền đi, ngồi, nằm hàng ngày vào sáng, trưa, tối. Mấy hôm nay, con vừa đi kinh hành vừa nghe Pháp. Con không biết như thế có nên không hay chỉ đi kinh hành riêng để quan sát thân tâm rõ hơn? Vì thường đi kinh hành con ít chánh niệm được, nên con kết hợp như vậy. Đi loanh quanh trong nhà thôi mà cũng được 6-7 km. Trước đây, con thích ngồi nhiều hơn, nhưng ngồi lâu, tâm bứt rứt, nhiều khi xoay qua tư thế khác rồi chánh niệm mới quay lại :).
Con có cảm giác là thực hành mãi mà chưa tiến bộ bao nhiêu Thày ah. Có vẻ càng ngày con càng sân, trong tâm và trong lời nói. Có lúc, cơn sân nhỏ, con dừng lại được và sau đó vui vì mình đã không nói gì. Nhưng với những gì con thấy ác cảm, bất công, cơn sân thường đến rất nhanh và con thể nào cũng có ý kiến gì đó. Nếu trước đây, con buồn, chán vì việc này khác thì giờ đây con vẫn buồn nhưng lại cũng thấy thêm cơ hội để quan sát tâm mình và tác động đến thân ra sao. Và con cũng học chấp nhận nhiều hơn nhưng vẫn không rõ có phải mình thực chấp nhận hay buông xuôi không. Con vẫn tìm hiểu Thày ạ. Lúc vui buồn, tâm con cũng không bám lâu nữa. Hay là con chai lỳ rồi ạ? Chuyện bất như ý xảy ra nhiều hơn, chắc để con học thêm tính chấp nhận, nhẫn nại ạ. Con cũng nhận ra khi con vui, vẫn lẩn khuất nỗi buồn đâu đó, vì nỗi sợ niềm vui không kéo dài mãi.
Thày bận tu tập mà vẫn dành thời gian đọc Trình Pháp, nhắc nhở chúng con hàng ngày, con biết ơn và cảm phục vô cùng ah.
Con xin chúc Thày mọi sự tốt lành.
Con, D
-Hiện tại con thấy con có 1 trở ngại trong quá trình thực hành đối với con thế này ạ. Khi con thực hành thiền (kinh hành hoặc ngồi đặc biệt là khi ngồi thiền), đôi khi có suy nghĩ chuẩn bị cơm cho gia đình, con cái sáng nay ăn gì vụt qua trong đầu là sẽ làm con bị cảm giác dễ duôi kéo con ra khỏi trạng thái định tâm, con sẽ rất bị phân tán và lúc đó con muốn đứng dậy xuống làm việc mà tâm nó vừa nghĩ đến. Trong tình huống như vậy, thầy có lời khuyên nào cho con để con kiên định với việc thực hành lúc đó, gạt những việc như gia đình, con cái sang 1 bên không ạ?
-Ngoài ra, con còn bị 1 cảm giác này nữa ạ. Đó là khi con vào trạng thái đầu con trống, đôi khi có suy nghĩ nhưng con quan sát được suy nghĩ, thỉnh thoảng con thấy xuất hiện 1 vài hình ảnh trong đầu hoặc tiếng nói về một việc gì đó (con đã có trải nghiệm 1-2 lần nghe thấy và thấy có sự việc xảy ra sau đó là đúng), nên tạo cho tâm con 1 cảm giác sợ mơ hồ, con không muốn chứng kiến hoặc nhìn hoặc nghe thấy những điều đó nên mỗi khi gần đến trạng thái định tâm là con ghi nhận tâm con xáo động lên. Con nên làm gì để thoát khỏi cảm giác sợ đó ạ?
-Đây là một ví dụ con muốn hỏi thầy để thực hành việc đưa ra quyết định (xác định là do mình mong muốn hay cái Tham dẫn dắt) và con vẫn bị lúng túng. Khát khao có một nơi yên tĩnh để sống, thực hành thiền, chăm vườn rau, trồng cái cây hình thành tự nhiên trong đầu con khi con biết đến pháp và được đến rừng thiền thực hành nhưng trong hoàn cảnh sống hiện tại làm con mệt mỏi nên khát khao đó lớn hơn. Con đang bị lúng túng không phân biệt được là hoàn cảnh hiện tại khiến con mong muốn điều đó hay thực sự trực giác dẫn dắt con có mong muốn như vậy? Thầy có lời khuyên nào cho con trong trường hợp này để con có quyết định đúng không ạ và con rút kinh nghiệm áp dụng cho những lần sau?
Con T.H
___________________________________________________
Con ạ,
Con có thể vừa đi kinh hành vừa nghe pháp cũng được. Tâm mình như con khỉ ấy, lăng xăng và chóng chán, không chuyên chú được lâu, đành phải có những cách đối trị, thay đổi để nó bớt lăng xăng như vậy. Con cũng không nên ngồi lâu, khoảng 20-30 phút là OK, nếu thích ngồi thêm có thể đến 45 phút thôi, ngồi nhiều thời ngắn tốt hơn là cố 1 thời thật dài. Dài là tâm chán và ngọ nguậy, chất lượng kém. Nếu có thể thì nên làm mọi thứ với chất lượng cao, dù số lượng ít cũng được. Và hãy thật thoải mái, khi ngồi hoặc các tư thế khác cũng thế, có gì không thoải mái thì hãy tìm hiểu và làm cho mình trở về trạng thái thoải mái, đó chính là thiền rồi, chứ không phải xác định là ngồi để làm 1 cái gì đặc biệt. Ngồi trong trạng thái không thoải mái thì bất cứ cái gì mình biết cũng bị tô màu và hời hợt, cưỡng ép. Khi có sự thư giãn thoải mái thật sự, cái biết tự có mặt, rất nhẹ nhàng.
Khi hành thiền đừng lựa chọn con ạ. Bất cứ cái gì rõ nhất và hiện lên tự nhiên nhất thì biết cái đó, lúc khác cái khác nổi lên lại biết cái khác ấy, đừng níu kéo gắn chặt ở một cái gì do suy nghĩ của mình định trước. Như vậy sẽ nhẹ nhàng, thoải mái và mọi thứ đều OK. Hành thiền không phải là vật lộn, nếu con có cảm giác ấy thì nhất định là sai chỗ nào đó rồi, thường là sai ở thái độ. Hãy kiểm tra thái độ của mình ngay và điều chỉnh con nhé. Luôn nhớ: thư giãn – thoải mái – biết mình, đừng làm gì hơn cả.
Đừng nghĩ rằng tu rồi sẽ không có sân hay tham… các loại phiền não ấy vẫn có, vì nhân bên trong còn, mà các duyên bên ngoài vẫn không dứt, tất nhiên là phải có phiền não – thậm chí còn cảm thấy nó mạnh hơn vì độ cảm nhận của mình sâu sắc hơn, nhạy cảm hơn. Chúng ta phải chấp nhận điều đó. Các cá tính của mình cũng không thể thay đổi ngay, tu lâu nó sẽ nhạt đi chứ không hẳn là mất đi hoàn toàn, nó đã theo mình nhiều kiếp, có ở trong vô thức rồi. Mỗi cá tính lại có 1 loại phiền não đi kèm, gắn chặt với cuộc sống của mình, như sân chẳng hạn. Vì vậy hãy thực tế, đừng kỳ vọng chỉ mới thực hành chút chút đã không còn tính sân nữa, không có phiền não nữa. Hiểu thực tế và chấp nhận con ạ. Việc gì cần làm thì vẫn đều đặn làm, việc gì còn tồn tại thì chấp nhận và không nghĩ nhiều về nó. Không phải vì những tồn tại đó mà không làm việc cần làm. Như thế là chấp nhận chứ không phải là buông xuôi. Khi con không làm gì cả, không giữ giới, không hành thiền, không nghe pháp…thì mới là buông xuôi.
Nhưng con sẽ nhận thấy có chánh niệm thì những trạng thái phiền não ấy đi mất nhanh hơn và không vương vấn về nó nữa. Con bình thản hơn với nó. Tàn dư không nhiều hoặc không còn nữa sau khi phiền não đi mất. Các cảm xúc không còn làm đảo lộn tâm con hoàn toàn đến mức hành động theo mà không biết như trước kia. Đừng đánh giá thấp, những điều đó là thay đổi cực kỳ lớn con ạ. Những tàn dư phiền não sẽ ăn vào vô thức và chi phối ngấm ngầm cuộc sống của chúng ta, bóp méo tính cách, tạo thành các cơ chế phiền não tự động. Chẳng hạn sân tàn dư không hết, sẽ tạo thành thành kiến, vì 1 chuyện sân mà lần sau sẽ dễ sân lại, xét đoán sự việc dựa trên cái sân cũ, có khi không biết từ bao giờ nữa…Những thứ đó tiêu hao năng lượng khủng khiếp như những chương trình chạy ngầm, và nó cứ kéo chúng ta đi xuống theo con đường tiêu cực. Giống như cái bảng đen lau không sạch sau mỗi lần viết phấn, sau 1 thời gian thì viết cái gì nhìn cũng không rõ. Các tàn dư đeo bám chúng ta làm chúng ta chỉ sống với quá khứ tiêu cực, có thể là quá khứ cách đây 2 tiếng, ngày hôm qua, hay năm nảo năm nào… mà không sống với hiện tại mới mẻ. Chỉ sống với hiện tại chúng ta mới nhìn rõ bản chất tâm mình và mọi sự việc, mới tràn đầy trí tuệ và năng lượng sống, nó là sự giải thoát khỏi gông cùm quá khứ.
Tập không vội vàng khi làm việc, nhất là khi ăn cơm con ạ. Nhai kỹ tăng sức khỏe, tăng miễn dịch và giảm béo (50 lần nhai/1 miếng, vừa lợi ích cho sức khỏe, vừa rèn tính kiên nhẫn và chánh niệm). Không vội vàng thì mới ở hiện tại được, vội vàng là tâm đang nhao tới việc tương lai, hãy chú ý rèn luyện cái này nhiều con nhé. Dịp ở nhà này là dịp tốt nhất để con thực hành thói quen không vội vàng, làm việc gì chỉ làm 1 việc.
Khi hành thiền các tâm tham việc này sẽ luôn xúi giục con, con hãy kiên quyết gạt nó sang 1 bên, tự nhắc mình rằng những việc đó mình ngày nào cũng phải làm, làm đến lúc chết cơ mà. Sao mà lúc nào cũng như 1 con nô lệ như vậy, mấy phút dành cho riêng mình mà cũng bị nó lôi đi xềnh xệch thế này. Gạt bỏ, ở đây và bây giờ. Hãy tập: mỗi lúc chỉ làm 1 việc. KHÔNG được ôm đồm. Như thế con mới có sự chú tâm và ở hiện tại được. Niệm chết cũng hữu ích, con nên làm hàng ngày. Hôm nay mình chết thì mấy việc này còn ý nghĩa gì nữa không? MÌnh sẽ hối hận lắm khi việc cần thì không làm, để thời gian sống quý giá tiêu vào những việc vặt kia.
Mọi cái muốn con phải xem nó xuất phát từ nhu cầu thực tế hay từ ý muốn thoát khỏi sự bất mãn hiện tại, hay từ tâm tham. Nói chung các quyết định nên đều xuất phát từ nhu cầu thực tế con ạ, con có sử dụng đến nó bây giờ hay không, sử dụng nhiều hay ít, phải đánh đổi cái gì để có nó, có ảnh hưởng gì đến chiến lược tổng thể của cs mà mình đang hướng đến hay không… Nếu sống biết đủ thì cũng không cần quá nhiều, con sẽ đỡ phiền não. Tâm tham luôn làm mình phiền não và sa vào rắc rối, nên hãy cảnh giác, đừng để nó phá hỏng trạng thái tâm của mình con nhé.
Trong cuộc sống thì không thể không có mơ ước, nhưng chỉ nên mơ ước ít thứ thôi và chỉ mơ những gì đáng mơ và thực tế, và không chỉ mơ mà phải có kế hoạch thực hiện nó. Như thế sẽ không bị lạc lối và dồn được nguồn lực để thực hiện ước mơ con ạ. Mơ cái gì có giá trị chiến lược cho cả cuộc sống của con và kiên định hướng đến.
Thầy có nghe đâu đó câu nói thế này: “Nếu chúng ta không xây dựng ước mơ của bản thân, thì người khác sẽ thuê chúng ta đi xây ước mơ của họ”. Tiến từng bước nhỏ mỗi ngày về hướng ước mơ, mặc dù có khi cả đời chẳng đạt được cũng chẳng sao, thù lao là hạnh phúc, sự trưởng thành và cuộc sống tích cực trong quá trình ấy.
Hãy cố gắng tu tập kiên nhẫn mỗi ngày con nhé. Bất cứ lúc nào, bất cứ công việc gì, hãy xem mình có thể tận dụng được để chánh niệm hay không, để rèn luyện các phẩm chất tâm thiện hay không. Như thế cuộc sống của con sẽ luôn ý nghĩa, không có thời gian đâu mà phiền não. Tu tập cho con là cho chính gia đình con và mọi người. Những tác động vô hình lan tỏa từ tâm con sẽ là nguồn năng lượng an lành, kích hoạt và khuyến khích chiều hướng tích cực, thiện lành trong mọi người con ạ. Đó là thân giáo – giáo hóa bằng chính cách sống của mình.
Thày chúc con bình an và chánh niệm luôn luôn nhé
Với tâm từ của thầy
Thầy mới đọc được một cuốn sách (Nhân tố Enzyme), trong đó giới thiệu một số nguyên tắc ăn uống để tăng enzyme, khá hợp lý, thầy gửi kèm để con thử tham khảo và áp dụng xem có hợp không. Tương đối giống cách ăn của thầy.