Thầy kính mến,
Mấy hôm nay sức khỏe thầy thế nào ạ? Thời tiết ở trên núi còn lạnh không thầy?
Thầy ơi, mấy hôm nay con quán chiếu về nỗi sân hận trong lòng khi mà bỗng dưng con vô tình trở thành đối tượng bị người ta chơi xấu. Trong câu chuyện con từng kể với thầy về cô phụ huynh, có lẽ vì mâu thuẫn giữa cô và chồng nên họ mượn con ra để chọc tức lẫn nhau. Và bao nhiêu những điều cô tức giận và ghen tuông chồng đều đổ lên con theo kiểu giận cá chém thớt. Con thấy rằng khi mình càng suy nghĩ về đối tượng là cô ấy thì lại càng bị dính mắc vào nỗi sân ấy. Càng muốn dẹp đối tượng đã làm mình sân đi bao nhiêu thì đối tượng ấy lại càng thống trị và có quyền chi phối mình trong tâm trí bấy nhiêu. Vậy có cách nào để con hoàn toàn chuyển hóa được nỗi sân hận này để cô ấy không còn xuất hiện trong tâm trí của con nữa không thưa thầy? Nhất là khi cô ta đã hại con không chỉ một lần mà là rất nhiều lần thì những điều đó càng in sâu trong trí nhớ con. Nhưng con không muốn ôm niềm hận này vì con không muốn gặp lại cô ta ở những đời sau nữa.
Con cảm ơn thầy đã đọc thư! Con chúc thầy luôn dồi dào sức khỏe!
Con
DC
___________________________________
Con thân mến,
Có một câu chuyện thế này:
Trên xe buýt, có một anh chàng thô lỗ chen lên xe, ngồi uỵch vào chiếc ghế bên cạnh một cô gái, xô vào cô gái một cái, anh ta xách đồ lỉnh kỉnh, cục cựa huých cả vào cô gái. Thấy cô gái né sang một bên và chẳng nói gì, anh ta hỏi: tôi va phải cô, lấn sang chỗ cô ngồi, sao cô không lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.
Cô gái mỉm cười: tôi chỉ ngồi cạnh anh một lúc, bến tới tôi xuống xe, đường ai nấy đi, tôi kêu ca làm gì!
Cuộc đời là một chuyến xe buýt như thế con ạ. Mỗi người chúng ta gặp, dù họ vô tình hay cố ý, gây phiền não cho mình, chơi xấu mình, thì cũng chỉ là những kẻ qua đường, ngồi cạnh nhau trên chuyến xe ấy một đoạn rồi thôi, để ý làm gì cho mệt.
Con gặp vô số người trong cuộc đời, họ chẳng là gì cả để đọng lại trong tâm con, trừ phi con cố gắng níu giữ họ lại để họ ngồi lỳ choán chỗ trong cuộc đời mình. Mỗi lần con nhớ lại việc người ta chửi mắng mình, là con đã tự chửi mắng mình thêm 1 lần nữa. Người ta chửi mình một lần rồi thôi, họ cũng đã quên từ lâu rồi, nhưng mình thì còn tự chửi mình không biết bao lần và trong bao lâu nữa.
Khi một con người sân hận, phiền não và xấu xa, đó là bởi vì sự đau khổ trong lòng họ quá lớn nên trào ra ngoài thành hành động như vậy. Bản thân họ cũng không muốn như thế, bản thân họ cũng không kiểm soát được điều đó. Họ đang rất đau khổ con ạ. Giống như con, sau cả ngày làm việc mệt mỏi và bực bội, nhiều việc không như ý diễn ra, về đến nhà con không thể kiềm chế được nữa, một chút xíu bực mình với người nhà cũng có thể bùng nổ thành cơn giận ghê gớm, với đủ lời lẽ thô lỗ tuôn ra, làm tổn thương chính những người thân thương nhất của mình – đôi khi rất oan uổng.
Nhưng con có thể kiểm soát được việc ấy đâu, bản thân con cũng không muốn điều ấy cơ mà. Nói xong rồi con hối hận và cũng không biết tại sao lúc ấy mình lại bùng nổ ghê gớm, cư xử quá đáng như vậy. Bình thường còn như thế, đối với những người bị trầm cảm và có vấn đề tâm lý, họ đặc biệt dễ bị tổn thương, 99% là do tưởng tượng và suy diễn rồi bị giày vò bởi cảm giác người khác đang coi thường, nhạo báng, sỉ nhục và hãm hại mình, trong khi có khi người ta hoàn toàn không cố ý và đã quên mình là ai từ lâu rồi. Biết vậy, nhưng họ không thể thoát ra khỏi sự suy diễn ấy. Họ luôn bất mãn, thù hận và cũng rất đau khổ.
Có đôi khi thầy cũng bị người ta nói xấu, hãm hại và dựng lên những câu chuyện rất hoang đường. Có kẻ còn dùng photoshop ghép ảnh để bôi xấu thầy nữa. Trong những năm tu hành ở nước ngoài, thầy đã bị tình nghi là gián điệp trong cả một thời gian dài. Thầy của thầy cũng từng bị nói xấu và hãm hại nhiều lần, cho đến tận lúc tuổi già vẫn còn bị. Đức Phật ngày xưa cũng đã từng bị người ta chửi rủa suốt 7 ngày và bị vu oan, hãm hại, ám sát vô số lần. Trong cuộc đời này có ai mà tránh được phiền não của thế gian hắt lên người mình, cũng như khi con đi xe máy, sao tránh được những mùi ô uế hắt vào người từ những chiếc xe rác chạy trên đường. Nó là một phần tất yếu của cuộc đời con ạ.
Đức Phật là bậc thanh tịnh, không uế nhiễm, không có khả năng làm bất cứ việc bất thiện nào về thân, khẩu, ý, mà còn bị hãm hại như vậy, bởi vì đó là nghiệp quả của những việc bất thiện ngài đã làm trong những kiếp quá khứ. Chúng ta cũng như ngài vậy thôi, người ta vu oan, nói xấu, hãm hại mình bởi vì đó là nghiệp quả của mình, không tránh được. Khi đến thời chín muồi để nghiệp trổ quả, nếu không phải người phụ huynh nọ hãm hại con, thì cũng có một kẻ khác đến hãm hại và nói xấu con, hoặc có khi nghiệp quả trổ ra chỉ đơn giản là thông qua một kẻ lạ hoắc ngoài đường vô tình mình gặp và nghĩ rằng chẳng có oán thù gì với hắn cả.
Suy nghĩ đúng về nghiệp và quả của nghiệp cùng với những cách suy nghĩ chánh tư duy như thầy đã nói ở trên sẽ giúp con dần dần chấp nhận được quy luật nghiệp quả của cuộc sống, để xả bỏ được những sân hận bất mãn vô ích trong lòng, không để tự biến mình thành một cái xe rác khác nữa gây ô nhiễm cho đời.
Con ạ, 10% những rắc rối và phiền não trong cuộc sống là do nghiệp cũ mang lại, 90% phiền não còn lại là do phản ứng của mình đối với nó. Giống như Đôn ki hô tê, bị chiếc cánh quạt của cối xay gió va vào người, nếu biết chấp nhận và tránh đường để đi tiếp thì đâu có phải sứt đầu mẻ trán đánh nhau với cối xay gió làm gì. Nếu con đang chờ đèn đỏ ở ngã tư, bỗng nhiên bị một kẻ chửi xối xả vào mặt, cơn sân dựng lên trong lòng. Khi nhìn kỹ thì hoá ra chỉ là một người điên, con chợt mỉm cười thương cảm và bình thản đi tiếp. Câu chuyện đó chỉ tồn tại trong vài giây.
Một cái xe rác chạy ngoài đường, nếu không muốn bị rác rơi vào người thì hãy tránh đường cho nó đi qua. Đừng đuổi theo cãi nhau với nó để hứng rác thêm. Mỗi người chúng ta gặp ngoài đời cũng giống như những chiếc xe rác như vậy, cái nhiều rác, cái ít rác, cái được che kín ít bốc mùi, cái không che đậy, rác rơi vãi đầy đường. Mỉm cười, nhường đường và đi tiếp, thưởng thức trọn vẹn cuộc sống tươi đẹp ngoài kia. Cuộc sống vẫn luôn tươi đẹp, dù rằng nó vẫn luôn có những xe rác như vậy con ạ. Bầu trời xanh trong và mây trắng, hoa cỏ cùng nắng vàng, bao la và tươi đẹp hơn mấy chiếc xe rác ấy nhiều. Đừng để xe rác chắn hết tầm mắt của mình mà không nhìn thấy cái đẹp và ý nghĩa của cuộc đời mình đang có diễm phúc được sống hôm nay. Và điều quan trọng hơn là đừng tự biến mình thành một cái xe rác nữa.
Hãy cảnh giác với tâm mình, mỗi khi bắt gặp tâm mình suy nghĩ theo lối mòn sân hận cũ, hãy điều chỉnh nó lại ngay con ạ, như lái chiếc xe của mình tránh khỏi những đống rác rơi vãi giữa đường. Hãy kiên nhẫn, con phải uốn nắn suy nghĩ của mình nhiều lần như vậy thì cuối cùng con mới chiến thắng được nó. Khi con uốn nắn tâm mình thì loại suy nghĩ hại mình, hại người đó sẽ không còn chi phối con được nữa, mỗi khi nó khởi lên, con chỉ cần uốn nắn là nó sẽ ngoan ngoãn nghe lời con ạ. Con đang huấn luyện tâm, như huấn luyện một anh trâu bướng bỉnh tập cày. Nó sẽ vùng
vẫy, chống phá, con sẽ phải mất nhiều công sức và kiên nhẫn, để khi thuần phục được, sẽ là con trâu tốt giúp con gieo cấy phước lành.
Uốn nắn suy nghĩ của mình cho trở thành chân chánh, cho đúng với Pháp, đó chính là tu đấy con ạ, nó là chánh tư duy – suy nghĩ chân chánh. Chánh niệm và định, tuệ của người mới thực hành còn yếu ớt, không thể chống lại được phiền não, nếu không có chánh tư duy như thế này giúp sức, con sẽ không thể thắng nổi. Đến khi chánh tư duy đã trở thành thói quen, suy nghĩ đúng pháp đã trở thành nếp tự động, thì mỗi khi con gặp phải những phiền não tương tự, tâm con mới tương đối ổn định để vượt qua một cách dễ dàng hơn và ngộ ra được nhiều điều từ chính sự việc ấy. Khi định niệm và trí tuệ đã sâu sắc, phiền não sẽ không thể xâm nhập tâm con một cách dễ dàng được nữa.
Một điều nữa, con nói là càng muốn dẹp cái sân thì lại càng sân hơn. Đúng thế. Bởi vì đó không phải là thái độ đúng khi con quan sát tâm mình. Con quan sát tâm để hiểu tâm, để hiểu tại sao mình phiền não, chứ không phải để gạt bỏ cơn sân đang hành hạ con. Khi gạt bỏ không được thì sân sẽ lại chồng thêm sân. Tâm nó không phải là của con, không phải là con muốn dẹp là nó dẹp. Khi con hiểu nguyên nhân sân sinh khởi và đoạn trừ cái nhân đó thì sân mới hết được chứ. Nguyên nhân sinh khởi, như thầy đã nói ở trên là suy nghĩ sai lầm. Nguyên nhân sâu xa hơn nữa là những gốc bất thiện tham-sân-si trong tâm, con phải tu tập lâu dài mới đoạn tận gốc rễ được.
Quan sát tâm sân không phải là suy nghĩ về sự việc hoặc đối tượng làm con sân. Con càng suy nghĩ về họ sẽ lại càng sân. Quan sát đúng thì chỉ là quan sát trạng thái khó chịu cùng với những biến đổi về cảm giác, hơi thở, biểu hiện trên thân của cơn sân ấy (tim đập nhanh, người run rẩy, toát mồ hôi, nóng bức…). Con quan sát sai cách nên sân không giảm mà lại càng tăng. Vì vậy, trước hết con phải sử dụng cách suy nghĩ đúng đắn để giảm bớt cường độ sân, khi cường độ sân giảm và chánh niệm mạnh hơn, con mới quan sát được các trạng thái sân thể hiện trên cơ thể, để hiểu biết về nó.
Các trạng thái tâm khác, dù là tham, ghen tỵ, ngã mạn, bỏn xẻn, tham dục, buồn bã, cô đơn, thất vọng, ham mê, vui vẻ, hoan hỷ…tất cả, không ngoại trừ một trạng thái nào, con cũng đều phải áp dụng theo liệu trình như vậy: dùng chánh tư duy để giảm cường độ, rồi quan sát trực tiếp trạng thái và tác động của các cảm xúc đó trên thân mình. Ở mức độ sâu sắc hơn, con sẽ quán sát thêm nữa về cơ chế và sự liên hệ giữa cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ và các nếp tư duy trong tâm mình để hiểu bản chất của tập hợp thân-tâm. Những phần đó sẽ tự động tiến triển trong quá trình tu tập chánh niệm sâu sắc sau này.
Thầy nói hơi dài, vì thầy sợ con quên, có nhiều điều con chưa hiểu hoặc hiểu một phần, con cứ để đấy và trải nghiệm dần trong quá trình tu tập thực tế con nhé. Hãy cố gắng lên con, kiên nhẫn lên con. Kham nhẫn là con đường ngắn nhất đến Niết Bàn, nơi không còn đau khổ, nơi an vui tuyệt đối.
Thầy mong con nghị lực và mạnh mẽ hơn nữa.
Với tâm từ của thầy