Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thiền & cuộc sống
Những người bệnh tưởng

Xưa, có một chàng trai lên đường nhập ngũ. Giặc tan, chàng trở về và bỏ lại một bàn tay nơi chiến trường.

Từ dạo đó, trong những đêm hôm khuya khoắt chàng mơ hồ cảm thấy mình đau nhức dữ dội ở bàn tay đã mất. Cơn đau ngày càng gia tăng, bệnh tưởng đã thành bệnh thật, chàng tìm đến một y sĩ. Y sĩ hỏi:

– Anh đau ra sao?

– Thưa tôi bị nhức nhối ở bàn tay mặt nhất là khi về đêm.

Y sĩ mỉm cười:

– Anh đưa bàn tay đau cho tôi xem nào.

Bệnh nhân sửng sốt hồi lâu ấp úng:

– Thưa bác sĩ, bàn tay mặt của tôi không có ạ!

– Thế thì tôi đã chữa bệnh cho anh rồi.

Bệnh nhân liền ra về với một nụ cười. Hóa ra lâu nay chàng mắc loại bệnh tưởng.

 

 

Ít lâu sau thanh niên cùng đến thăm y sĩ với một người bạn, người này cũng mắc một chứng bệnh tương tự để nhờ y sĩ chữa giùm. Lần lần bệnh nhân tự bảo:

– Thưa bác sĩ, dù rằng đã biết bàn tay mình không có nhưng trong giấc ngủ chập chờn tôi lại thấy đau nhức dữ dội ở bàn tay đã mất. Xin bác sĩ chữa bệnh cho tôi.

Y sĩ liền hí hoái biên toa, xong căn dặn:

– Toa thuốc này có hai loại, một để uống và một để thoa lên vết thương. Anh về điều trị tuần sau khám lại.

Bệnh nhân thứ hai y lời về mua thuốc, nhưng chàng không biết bôi thuốc vào đâu, vì bàn tay đã không còn thì làm gì có vết thương. Loay hoay tìm kiếm hồi lâu anh bật cười bảo:

– Lão bác sĩ này gạt mình thật!

Từ dạo đó anh lành bệnh. 

 

Hai anh bệnh nhân đã lành bệnh trên, về sau lại gặp một người bạn cũng mang chứng bệnh tương tự. Cả hai đều trổ hết kinh nghiệm và sở trường của mình điều trị song cơn đau vẫn không thuyên giảm. Bệnh nhân liền được đưa đến phòng mạch. Y sĩ hỏi:

– Những lúc nào anh bị đau nhức?

– Thưa, tôi bị đau nhức liên tục.

– Thế không có lúc nào ngừng đau à?

-Thưa có, những lúc nào tôi say mê đọc sách hay nghe nhạc thì cơn đau dường như không còn nữa.

– Thế thì… toa thuốc của anh đấy, khi nào thấy đau đớn hãy lấy sách báo đọc hoặc là nghe nhạc…

 

Tu cũng vậy, mỗi người kẹt vào một cái tưởng khác nhau, tuy hình thức tưởng khác nhau nhưng đều từ 1 cái tưởng gốc là tưởng về “cái tôi”. Chỉ khi nào nhận thấy chẳng có cái gì gọi là “tôi” cả thì mới hết bệnh phiền não. “Tôi” thực ra không có, nó vốn chỉ là một tập hợp các hiện tượng của thân và tâm, diễn ra, sinh va diệt liên tục. Chúng vận hành theo các quy luật của tự nhiên như quy luật nhân quả, quy luật của nghiệp….nhưng chẳng có ai ở đằng sau những hiện tượng ấy hết. Như Đức Phật đã nói: 

“Con tôi, tài sản tôi

Kẻ ngu sinh ưu não

Tự ta, ta không có

Con đâu, tài sản đâu”.

 

Các pháp tu chỉ là phương tiện để giúp chúng ta tỏ ngộ ra được sự thật về cái tôi ảo tưởng đó. Ngộ ra thì hết bệnh. Mỗi pháp tu thích hợp với 1 loại biểu hiện bệnh khác nhau, mỗi căn tánh và xu hướng tâm, xu hướng nghiệp khác nhau của mỗi người. Pháp tu tốt là pháp tu thích hợp với mình, trị hết bệnh của mình, như ba cách chữa bệnh tưởng ở trên, chứ thực ra chẳng có pháp nào cao hơn pháp nào. Pháp đều là con đường dẫn chúng ta đến sự thật. Người nào ở gần con đường nào thì bước lên con đường đó, chứ chẳng phải con đường này “cao” hơn con đường kia.

Chỉ chọn “cao” mà không chọn “thích hợp” thì có khi chẳng chữa được bệnh mà còn bị  bệnh tưởng nặng hơn.



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved