Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Hỏi đáp
Hỏi đáp 2: kháng cự và tự nhiên

Hỏi:

Làm thế nào để phân biệt giữa sự kháng cự đòi hỏi của tham, sân, si (dễ duôi) và mất tự nhiên, ép mình?

 

Đáp:

 Cái “tự nhiên” mọi người hiểu đều là thuận theo ý muốn của phiền não, vì lúc đó nó mạnh nhất. Thuận theo cái động lực đang mạnh nhất trong mình lúc này là “tự nhiên”, nếu thuận theo cái tự nhiên đó thì cả đời thuận theo phiền não. Đó không phải là “thuận pháp”, không phải là tự nhiên đích thực. “Cần phải tự nhiên, không được ép mình”, cái câu ấy của thầy hay bị bẻ cong nhất để thuận theo phiền não.

 

Để phân biệt giữa kháng cự và ép mình, con phải luôn chú ý đến thái độ của mình xem đúng hay sai. Chỗ nào chưa rõ, tiếp tục quan sát thêm. Đừng vội để rõ ràng. Cần thời gian và nhiều  trải nghiệm như vậy nữa để dần hiểu ra. Điều này chẳng ai giúp được con. Mỗi ngày có vô số cơ hội để con quan sát, thử nghiệm, con sẽ dần hiểu ra thế nào là kháng cự và thế nào là đè nén. Đè nén thường đi cùng với cảm giác chạy trốn thực tại, ko chấp nhận thực tại, gạt qua một bên – là thái độ sai. Kháng cự là hiểu rõ nó và biết rõ có cần hay không, làm 1 cách có ý thức, cảm nhận rõ mức độ khó chịu và phản ứng do nó mang lại và điều tiết trong mức độ vừa phải, kháng cự đến hết mức thì thả, lần sau tăng mức độ và thời gian kháng cự hơn một chút nữa. Nếu có phải làm theo nó sau đó thì cũng cố gắng trì hoãn càng nhiều càng tốt, và vừa làm vừa hết sức chú ý quan sát. Khi con lén lút ăn vụng 1 miếng bánh ngọt, hãy trì hoãn, 1 phút, 2 phút… hoặc bắt mình phải cầm một cách thật chậm, đưa và nhai thật chậm, quan sát cảm giác bất an, tự trách và xấu hổ khi lén lút như vậy. Đó là cái giá phải trả trực tiếp đi kèm với miếng bánh, cái được chỉ là một cảm giác thỏa mãn ngắn ngủi của cái lưỡi, những cái giá phải trả về sau nữa là bệnh tật, thèm ngọt hơn nữa, cảm giác thất bại, mất tự tin và lòng tự trọng, sự dễ duôi tăng thêm 1 chút sức mạnh… rồi tác động đến những quyết định tiếp theo trong công việc, trong cuộc sống mà vốn chẳng liên quan gì đến cái bánh nhỏ xíu ấy cả.

 

Hãy tập kháng cự lại những đòi hỏi của tâm tham và thói quen thất niệm. Kháng cự lại là tự chế ngự, là rèn luyện các phẩm chất tâm linh cơ bản như: giữ giới, kham nhẫn (chịu đựng khó khăn và kiên nhẫn), quyết tâm, lòng tin vững chắc, sự khéo léo, sự kiên định… Chẳng hạn nhiều lúc mình chỉ cục cựa một cách vô thức theo thói quen hay gãi khi hơi có chút ngứa mà thực sự cũng ko cần thiết; hoặc cứ thèm ăn ngọt (như con cứ nghĩ đến đồ ăn và xem đồ ăn trên mạng ấy) mặc dù không đói. Nếu chiều theo nó mình sẽ ngày càng bị nó điều khiển, trở thành những hành động vô thức, ko có chủ ý.

 

Các đòi hỏi của tâm thì vô cùng, nếu chiều theo nó thì chỉ làm nó đòi hỏi nhiều hơn mà thôi. Chiều theo vô điều kiện mà không có ý muốn kháng cự, đó là dễ duôi. Dù có thua, cũng phải thua oanh liệt. Dù cuối cùng vẫn phải làm theo vì tham sân si quá mạnh, cũng nhất định không để nó thắng dễ dàng mà không phải trả giá, phải gây khó khăn hết mức. Như thế, lần sau kháng cự sẽ dễ dàng hơn. Kháng cự lại tất nhiên dẫn đến cảm giác khó chịu, cái tham nó khó chịu chứ ko phải là con. Nó sẽ kêu ca rằng như thế là đè nén, ép mình, thế là bất công, là “mất tự nhiên” này nọ…như đứa trẻ hư hay lý sự cùn. Đừng nghe lời nó. Hãy nói với nó: “Đây là tao ép thằng phiền não mày, chứ không phải ép bản thân mình. Đừng đánh tráo khái niệm. Mày lưu manh”.

 

Hãy nhận biết sự khó chịu do kháng cự như là 1 trạng thái tâm, một cảm giác để quan sát tìm hiểu thì ko còn quá khó chịu nữa con ạ. Niềm vui khi làm đúng và niềm vui tìm hiểu về bản thân sẽ vượt qua sự khó chịu do phiền não hành hạ.



 

Discover more from Sư Tâm Pháp

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading

Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved