Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Tính cách có cần sửa không?

Kính bạch Thầy,

Có hôm đang đi kinh hành buổi sớm thì con chợt nhớ đến câu chuyện mình đọc từ lâu về một bác sĩ thực tập trẻ. Anh ta được vị bác sĩ già giao cho 1 tấm phim X-quang phổi của một bệnh nhân và ra bài tập xem tấm phim đó có vấn đề chỗ nào. Trải qua mấy tháng vật vã, anh đến gặp bác sĩ già và thú nhận: “con không thể tìm ra bệnh của người này”. Vị bác sĩ già mỉm cười: “con nói đúng, vì đây là tấm phim phổi của một người khỏe mạnh”. Và trong khi anh đang sửng sốt lẫn bất mãn thì vị bác sĩ già đưa tiếp 1 tấm phim x-quang khác: “đây mới là phim của bệnh nhân”. Anh nhìn vào và chợt hiểu: sau mấy tháng chỉ làm 1 việc là nhìn chăm chăm vào tấm phim x-quang của một người bình thường, a hiểu rõ nó đến mức giờ chỉ cần một cái liếc là đã phát hiện ra điểm bất thường trên tấm X-quang của người bệnh.

Thưa Thầy, con thấy việc thực hành chánh niệm cũng giống như vậy, phải không ạ? Con phải quan sát thân và tâm nhiều đến mức chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có thể nhận ra được. Và trước khi đến được ngày đó thì con phải qua một thời gian dài… vật vã, trạng thái tâm lúc lên lúc xuống như giá cổ phiếu. Và có lẽ là con đang bị xuống ạ 🙂

– Đợt này con theo dõi chánh niệm mở cửa, ngoài ra trong ngày con còn ghi chép lại các đề mục: ăn, mặc áo quần, đi giày và nói. Con thấy sự chú ý bắt đầu nhiều hơn rồi, nhất là đi giày và ăn. khi rửa chén cũng có sự quay về nhiều hơn, dù còn suy nghĩ linh tinh nhiều lắm. Tuy nhiên giới thứ 4 con vẫn phạm nhiều, còn nói nhiều lời vô ích, sáo rỗng, hay phàn nàn nữa.

– Con tiếp tục thực hành bài tập “chỉ làm một việc”, bắt đầu có sự “day dứt” khi cố ý làm 2 việc. Con thấy có sự chuyển biến nhất là khi ăn, trước đây con toàn vừa ăn vừa nghĩ, hoặc vừa nghe pháp, hoặc vừa xem 1 cái gì đó. Bây giờ có lúc cũng phạm nhưng đã bắt đầu có ý thức hạn chế mình và quay lại với bữa ăn nhiều hơn. Con cũng nhận ra, khi suy nghĩ thì những thứ trước mắt có một “độ mờ” đi, nhìn nhưng không thấy, còn khi mình nhìn chăm chú vào thức ăn, cảm nhận miếng ăn thì suy nghĩ “mờ đi”. 

– Khi hành thiền, con đi kinh hành nhiều, sau đó ngồi thiền, thỉnh thoảng nằm thư giãn. Khi đi, con chú ý cảm nhận cử động và các cảm giác ở chân khi mình cử động, chú ý có được cái nhìn tổng thể xem toàn thân đang đi như thế nào. Khi có suy nghĩ con lại quay về với chân, còn khi ngồi thì con quay về thả lỏng mặt và vai.

– Con thấy mình hay tưởng tượng, tưởng tượng các vấn đề sẽ xảy ra như vậy như vậy, rồi mình xử lý như vậy như vậy. Tất nhiên kéo theo đó là những tâm bất thiện và phiền não. Vì vậy gần đây khi nhận ra mình đang rơi vào sự tưởng tượng, con lại nhắc mình: suy nghĩ là ảo, những gì đang có trước mặt mới là thật.

– Con bắt đầu thực hành bài tập để ý động cơ những việc làm của mình, nhưng chưa thường xuyên lắm, vì con hay quên, làm xong rồi mới nhớ đến. Và thường con thấy động cơ chính là để bảo vệ hình ảnh cái tôi, muốn mình đúng, muốn mọi thứ theo ý mình. Có lúc sự việc gì đó xảy ra rồi, con ngồi ngẫm lại mới thấy mình ích kỷ và xấu tính khủng khiếp, chỉ muốn thỏa mãn cảm xúc của mình mà làm tổn thương người khác. Con vẫn chưa thể chấp nhận chính mình ạ, khó quá Thầy ơi. Đôi lúc con thấy hổ thẹn kinh khủng.

– Sổ sân của con đến số 133 rồi ạ. Với chị P trên cơ quan, con tiếp tục theo dõi phản ứng của mình với chị thì thấy mình bớt hẳn, cùng 1 sự việc nhưng mình đã mềm mỏng hẳn, không còn tập trung vào những cái không vừa ý nữa.  Con còn tự giao cho mình 1 bài tập khác: “tìm điểm tốt”. Với những người con hay sân, con giao cho mình tìm điểm tốt của họ và chỉ tập trung nghĩ đến điểm tốt đó. Với hoàn cảnh không xảy ra như mình muốn, con tự hỏi mình: mặt tích cực của việc này là gì? Con muốn rèn luyện thói quen luôn luôn nhìn ra điều tích cực trong mọi hoàn cảnh.

Thưa Thầy,

Con có một việc muốn được tham vấn Thầy về pháp hành. Thầy hay dạy chúng con phải thu thúc lục căn, bớt giao tiếp và chuyện trò, bớt nhận những thông tin vô ích, không phải chuyện của mình. Từ khi quyết tâm thực hành, con đã cắt giảm rất nhiều mối quan hệ, cắt smartphone, đến nỗi cả Tết con cũng không đi thăm bạn bè họ hàng mà chỉ ở nhà hành thiền. Hôm qua, con nói chuyện với một chị bạn, cũng là người tu Thiền vipassana lâu năm, rất sâu sắc và thấu tình đạt lý. Những “việc đời” mà con không đủ sáng suốt để xử lý, như những mối quan hệ với bạn bè, gia đình, công việc… con thường hỏi ý kiến chị. Chị nói nhìn thấy con lâu nay co cụm lại trong cái vỏ của mình, không gặp gỡ mọi người nữa, và nói rằng như vậy cũng không hẳn là tốt. Gặp gỡ mọi người và thấy cái tốt để học theo, cái xấu để tránh, đó cũng là tu. Và có những chuyện nếu con không nói ra, không được chị chỉ ra, thì con không biết đó là tư tưởng sai, rồi con sẽ ôm theo cái sai đó cả đời, không thay đổi để tiến bộ được.

Chị cũng chỉ ra cho con những điều mà mọi người thấy ở con, đó là:

– Kỹ tính, khó tính, đến mức khó chịu, không thích gì thì khó chịu ra mặt.

– Đôi lúc cực đoan, cố chấp.

– Hay suy nghĩ theo hướng tiêu cực.

– Thiếu sự khoan dung ngay cả với những người trong gia đình như chồng, con.  

Con suy ngẫm và thấy những điều mọi người nhận xét là đúng. Lúc đó, con thấy xấu hổ vô cùng. Con nhớ có đọc 1 câu trên trang web của Thầy: dù bạn muốn hay không, những trạng thái tâm nằm sâu bên trong vẫn luôn thể hiện ra bên ngoài qua thái độ của bạn. Câu này rất đúng với con trong trường hợp này. Lâu nay con vẫn tưởng mình “tốt”, hoặc ít ra là “có thái độ cư xử tốt”, nào ngờ trong mắt mọi người mình xấu tính như vậy. Sau trạng thái “sốc” ban đầu, con cố gắng giữ bình tĩnh và nhắc mình: đừng đồng hóa mình với những điều đó. Thất vọng về bản thân cũng là một loại ngã mạn. Đây cũng là một bài học cần phải vượt qua. Hãy chấp nhận chính mình, cả tốt lẫn xấu. Dù vậy, con cũng bị chi phối rất nhiều và rơi vào tình trạng hoang mang.

Thưa Thầy, Thầy từng nói những gợi ý của Thầy chỉ là những gợi ý chung nhất, mỗi người cần phải vận dụng linh hoạt. Con chỉ sợ mình đã vận dụng cứng nhắc, một chiều. Có phải việc con “đóng cửa” với mọi người như vậy là cứng nhắc? Và những “hạn chế” của con, con có phải “sửa” ngay hay đừng quan tâm đến nó, cứ để đó và tiếp tục thực hành chánh niệm?

Con rất mong thư Thầy. Con chúc Thầy bình an và chánh niệm luôn luôn.

Con TTh.

 

___________________________

 

Con thân mến

Thầy cũng đã từng như con bây giờ, cũng từng rất khó tính, kỹ tính, cũng từng khắt khe với mọi người và với chính mình, cũng từng thiếu khoan dung. Bây giờ nhìn lại quãng thời gian ấy thầy cũng không thấy có gì bất hợp lý cần phải “fixed” cả. Nó là một tiến trình tất yếu phải xảy ra, nó mang lại nhiều phiền não và nỗi khổ cho bản thân và người khác, nhưng mình chẳng trốn tránh được, cũng chẳng thể cố ý thay đổi được. Thực ra chính phiền não ấy lại là động lực lớn nhất để thầy phải tiếp tục tinh tấn, tiếp tục kham nhẫn và tiến lên từng bước gian nan cho đến ngày hôm nay. Nên nó cũng chẳng có gì “sai trái” cả, nó đã hoàn thành nhiệm vụ của nó, nhiệm vụ đó là lý do để nó tồn tại, khi nhiệm vụ đó hoàn thành, nó không cần phải tiếp tục tồn tại nữa. Thế thôi.

Thầy cũng đã từng hoang mang như con, đã từng cảm thấy mình thật tệ. Khi thầy nói chuyện với thầy của thầy, ngài chẳng thấy có vấn đề gì trong những chuyện ấy cả. Ngài luôn mang lại cho thầy cảm giác được chấp nhận hoàn toàn. Ngài chẳng bao giờ chỉ trích. Khi cần khuyên bảo, ngài thường mang chuyện của bản thân mình ra kể cho thầy nghe. Chỉ thế thôi, những câu chuyện mà có khi sau nhiều năm thầy mới thực sự hiểu và sống được như thế. Cảm giác được bao dung và chấp nhận vô điều kiện ấy là một trong những thứ quý giá nhất, một trong những điều mà thầy trân trọng nhất trong mối quan hệ thầy trò thiêng liêng mà thầy đã may mắn có được. Mỗi khi nhớ đến thầy của mình, cảm giác ấy lại luôn là thứ thầy nhớ đến đầu tiên, thật đặc biệt. “Nothing wrong at all!”. Thầy đã thật may mắn có được một người thầy trí tuệ và từ bi đến thế, thật đáng quý biết bao thời gian được sống bên ngài.

Cuộc đời chỉ là một hành trình. Phiền não và khó khăn chỉ là những bài học. Thật đơn giản!

Nếu con luôn nhớ và nhắc mình điều đó, con sẽ nhìn những sai lầm của mình theo cách khác. Nó không còn dằn vặt con nữa, mà sẽ tiếp thêm động lực cho con, nhắc con phải quan sát kỹ hơn, không để phiền não đánh lừa. Tính cách của con có thể gây khó chịu cho người khác, nhưng thực ra nó không phải là chướng ngại cho tu tập, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Và nó sẽ không như vậy mãi, thực hành chánh niệm thì con sẽ thấy tính cách ấy tự động ngấm ngầm thay đổi dần tận gốc lúc nào chẳng hay. Không có chánh niệm thì tính cách sẽ chỉ ngày càng sâu thêm chứ không thể thay đổi, dù muốn hay không. Thầy đã quan sát con, thầy biết. Tính cách tốt và thuận cho tu tập vẫn vượt trội những tính cách gây chướng ngại. Người thông minh, tỉnh giác và nhạy bén thì thường hay sân và kỹ tính, đòi hỏi cao ở người khác.

Những nét tính cách trong mỗi người rất bền vững, nó có mặt trong tâm con từ trước khi sinh ra nữa cơ, và quá trình sống sẽ củng cố thêm một số nét tính cách trong đó (tùy thuộc vào môi trường sống, nhận thức và sự rèn luyện của bản thân. Ví dụ sống với người hay sân thì con sẽ dễ sân hơn). Tính cách chẳng phải là con, chỉ là kết quả của vô số nhân duyên đã và đang tác động, khuôn định nên nó. Thay đổi một tính cách là một quá trình lâu dài và dần dần. Bất cứ sự thay đổi đột ngột nào cũng chỉ là biểu hiện giả tạo, và đẩy nét tính cách đó sâu hơn vào trong vô thức. Vì vậy, bớt nghĩ theo kiểu: “tôi phải chịu trách nhiệm về tính cách và phiền não của mình” đi con ạ. Nó là thứ gì đó bên ngoài tôi, nó là kết quả của vô số sự việc, trong vô số kiếp, tôi không thể thay đổi nó. Việc của tôi bây giờ là quan sát để tìm hiểu xem các nét tính cách đó đang thể hiện ra và chi phối cuộc sống của tôi ra sao, đang được củng cố như thế nào, và tôi đang làm những gì để đóng góp vào quá trình ấy. Tôi không quá quan tâm đến cái quả đã trổ (là hậu quả của nét tính cách ấy), mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc mình đang tạo thêm nhân cho tương lai thế nào từ những kết quả đã trổ trong hiện tại; cách suy nghĩ nào, cách rèn luyện mình thế nào, hành động và lời nói nào làm thay đổi lối mòn tôi vẫn theo một cách vô thức đó.

Thông thường tính cách là điểm mù của mỗi chúng ta, vì chúng ta không có thói quen quan sát bản thân mình một cách khách quan. Vì vậy, ngoài việc rèn luyện chánh niệm để quan sát và tìm hiểu bản thân, chúng ta cũng cần thấy “mặt sau lưng” của mình qua những phản ánh khác, ví dụ từ những lời nhận xét, góp ý, hoặc từ thái độ phản ứng của mọi người, hoặc từ sự suy xét, phản tỉnh của bản thân sau mỗi sự việc… Đó là những tấm gương để chúng ta soi mình, nhưng nên nhớ những hình ảnh phản chiếu qua tấm gương ấy cũng không hoàn toàn chính xác. Vì người ta cũng nhìn nhận chúng ta theo thành kiến của họ, và cũng chưa chắc đã thật lòng 100%. Những phản ánh ấy chỉ là đầu mối, gợi ý để chúng ta nhìn lại mình một cách cẩn thận để hiểu về bản thân mình thôi. Đừng vội tin và đừng vội nghĩ quá nhiều, quá nặng nề về chúng.

Và nhớ là gương chỉ là để phản chiếu, không phải là để uốn mình theo. Gương cũng có thể méo. Lời nhận xét, góp ý của người khác chỉ là để tham khảo, chúng ta nên hoan nghênh những lời nhận xét chân thành đó, nhưng thường thì sau lời nhận xét là những ý muốn dẫn dắt, uốn nắn chúng ta đi theo cách của họ. Cái tôi của con người rất lớn và sâu kín mà chính họ cũng không nhận ra được. Mọi người luôn tìm cách lôi kéo người khác hành động và suy nghĩ giống họ. Nếu không có suy nghĩ độc lập và chính kiến của riêng mình, thì chấp nhận phần đầu là chúng ta sẽ chấp nhận cả phần sau, hoặc ít nhất cũng bị nó tác động. Giống như con vậy, ngoài việc tự dày vò vì thất vọng về bản thân mình, còn hoang mang thêm vì những lời khuyên “phải thế này, thế kia…” của người khác.

Ai có thể hiểu con hơn chính bản thân con? Khi con không hiểu bản thân thì sẽ thường thiếu tự tin và dễ bị tác động. Tự con sẽ phải biết cần phải làm gì, nên như thế nào. Con biết điều đó không phải bằng suy nghĩ, mà bằng cảm nhận, bằng trực giác, bằng sự quan sát và thử nghiệm. Chánh niệm sẽ cho con biết con cần phải làm gì chứ không phải người khác.

Nhìn người khác thì dễ, nhìn bản thân mình mới khó. Lời khuyên của mọi người dựa trên những gì họ cho là đúng, đã từng hiệu quả đối với họ. Định hướng và nhận thức khác nhau sẽ có cách nhìn khác nhau. Ví dụ: “gặp gỡ mọi người và thấy cái tốt để học theo, cái xấu để tránh, đó cũng là tu”, đó là tu đời, không phải tu đạo. Đó là học và copy từ người khác, không phải học từ bản thân.

Mục đích của con là gì? Là thấu hiểu bản thân và tự giải phóng mình khỏi các tính cách, nhận thức sai lầm bên trong đang gây phiền não và đau khổ cho con. Không phải để trở thành một người “tốt” (chưa kể tốt theo tiêu chuẩn nào. Tiêu chuẩn “tốt” của người đời là thứ rất không đáng tin). Tốt chỉ là một hệ quả đi kèm của trí tuệ giải thoát. Khi chưa nhận thức sâu sắc về mục đích của mình và sống với nó, chúng ta sẽ thường bị tác động bởi các luồng tư tưởng khác và mất lòng tin với chính mình.

Nghe thấy những điều người khác nhận xét, phản ứng đầu tiên của mình là không chấp nhận, chối bỏ hoặc tự biện minh. Sau khi suy xét (sự suy xét chủ quan này lại chịu ảnh hưởng rất lớn bởi uy tín của người nói), phản ứng tiếp theo là thất vọng về bản thân, hoang mang và mất tự tin. Bởi vì những phản ứng tâm lý trên, chúng ta đã đánh mất sự đánh giá khách quan và suy nghĩ độc lập, do đó mặc nhiên tăng trọng lượng của những tác động và lời khuyên đi kèm của họ. Kết quả là gây xung đột, mâu thuẫn trong nội tâm.

Mâu thuẫn trong con là gì? Một mặt, kết quả rõ ràng của việc thu thúc, giảm bớt các quan hệ vô ích, có hại và những việc, những mối quan tâm vô ích trong thời gian qua đã giúp con sống bình an, định tĩnh hơn, giảm bớt một lượng lớn phiền não vô ích, có thêm nhiều năng lượng và thời gian cho bản thân mình, chánh niệm- tỉnh giác và sự quan sát bản thân tốt hơn, giữ giới tốt hơn, các phẩm chất tâm linh đã tăng trưởng vững chắc và rõ ràng. Cuộc sống của con đã có những thay đổi rất lớn và tốt đẹp hơn, con đường và mục đích sống của con đang ngày càng rõ ràng, con ngày càng tự tin hơn và hẳn là không muốn quay lại cuộc sống phiền não u mê như trước kia nữa. Mặt khác, lời khuyên sống “mở ” đi ngược lại, con cảm nhận không ổn nhưng cũng không biết đúng sai ra sao, trong khi không muốn mất những lợi ích mà mình đã có nhờ tu tập.

Thực tế là con hoàn toàn ổn, con chỉ “look wrong” bởi không còn giống người khác thôi. Con đã “sống mở” bao nhiêu năm rồi, cũng từng “gặp gỡ mọi người và thấy cái tốt để học theo, cái xấu để tránh”, nhưng thực tế kết quả ra sao? Nếu có kết quả, hẳn là con sẽ không phiền não đến thế, không mày mò đi tìm đường học đạo. Con học được gì? Học không phải là copy. Con học từ chính bên trong mình, từ sự quan sát để thấu hiểu bản thân mình. Khi đó con sẽ tự biết cái gì là đúng với con, cái gì là quan trọng nhất với con, cái gì nên làm và không nên làm. Tự con biết điều đó chứ không phải đợi người khác nói cho con biết. Con người bình thường chỉ là một bản copy nham nhở, loạn xạ của vòng tròn xã hội họ đang sống. Copy bắt nguồn từ việc không thấu hiểu bản thân, mà không hiểu bản thân là mất gốc. Tiêu chuẩn “tốt, xấu” không có gốc rễ.

Những điều con đang làm là những điều Đức Phật đã dạy, không phải tự nhiên mà ngài dạy chúng ta làm việc đó. Vì “không có gốc rễ”, không có nhận thức đúng đắn, quy chuẩn “đúng sai” để nương tựa, nên chúng ta rất dễ bị tổn thương và dễ bị tác động bởi môi trường xã hội quanh ta, hầu hết là tác động độc hại. Để an toàn, một cách vô thức chúng ta buộc phải giống họ, buộc phải là 1 bản copy của xã hội. Hãy nhìn những thói quen suy nghĩ và hành động của bản thân, những thành kiến, định kiến của con thì sẽ thấy. Không có gốc thì việc “nhìn cái tốt để học theo, cái xấu để tránh” chỉ là một sự copy luẩn quẩn, không làm con thoát khỏi cái vòng phiền não. Nó còn làm con khó chấp nhận chính mình hơn, khi thấy cá tính vẫn gây phiền não cho mình và người mà không thể sửa được, sẽ chỉ càng làm tăng thêm bế tắc và đau khổ cho con.

Thu thúc, sống đơn giản, biết đủ, ít quan hệ vô ích, không nói, làm hay quan tâm việc vô ích sẽ bảo vệ con khỏi những tác động có hại của bên ngoài, nhất là những luồng tư tưởng độc hại khó nhận biết. Hạn chế sự nhiễu loạn của thông tin, bớt phiền não, thêm năng lượng và thời gian, sự chú ý…để tập trung phát triển các phẩm chất nền tảng như giới hạnh, chánh niệm, sự ổn định nội tâm, thái độ đúng, suy nghĩ đúng…Cho đến khi sự hiểu biết về bản thân đến mức độ nhất định, con đã hiểu được đúng sai, thì khi đó quay ra bên ngoài con sẽ thấy rõ ràng, và sự quan sát bên ngoài sẽ hỗ trợ cho sự quan sát bên trong mà không gây nên nhiễu loạn và tác động có hại.

Đức Phật ca ngợi hạnh độc cư. Thiền sư Sayadaw U Jotika nói: “trí tuệ sinh ra từ độc cư”. Độc cư không chỉ là sống một mình, độc cư là một cuộc sống ít bị tác động bởi bên ngoài.  Độc cư để bảo vệ mình, bảo vệ không gian phát triển của mình, tập trung nguồn lực để rèn luyện và hiểu biết chính mình. Khi hiểu bản thân con mới chấp nhận được chính mình, chỉ khi chấp nhận được chính mình con mới có thể chấp nhận và khoan dung với người khác. Ngài Sariputta, Đại đệ tử của Đức Phật, nói: ẩn cư có 3 loại, thân ẩn cư và tâm ẩn cư, tỵ phiền não ẩn cư (là sự xa rời phiền não của các bậc thánh Alahán). Trong giai đoạn đầu tu tập, thân ẩn cư có vai trò tối quan trọng. Sự thu thúc của con là một phần của thân ẩn cư, rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi hiểu biết của con sâu sắc hơn, tâm con mạnh mẽ và nhiều trí tuệ hơn, thì như chiếc lá sen khiến nước không đọng bám vào, con quan sát bên ngoài thấy rõ ràng đúng sai, con thấu hiểu mà không bị bên ngoài tác động, đó là tâm ẩn cư. Người có tâm ẩn cư tự nhiên sẽ không làm việc vô ích, dù thân vẫn sống giữa dòng đời xôn xao.

Tu tập cần có thầy hướng dẫn sát sao, thầy biết mình đang ở giai đoạn nào, đang cần gì, thông tin nào là vừa đủ. Việc tu tập không nên chia sẻ với người không hiểu, chỉ nên chia sẻ và tìm kiếm lời khuyên từ thầy của mình con ạ. Thời đại loạn thông tin như hiện nay thật khó tu, con người lệ thuộc quá nhiều vào kiến thức sách vở và tư tưởng của người khác, nên hiểu biết thường phiến diện và hời hợt.

Còn về những nét tính cách mà con đã nhận ra, hãy quan sát thật kỹ thay vì nhăm nhăm tìm cách “sửa”. Tu tập nên nghiêng nhiều hơn về phần quan sát để tìm hiểu bản chất thân tâm mình hơn là sửa chữa tính cách, mặc dù cả hai việc đều phải làm. Những tính cách nào đang gây hại cho mình và người, vừa chú ý quan sát vừa có biện pháp hạn chế. Thực ra quan sát rõ ràng với thái độ đúng chính là sửa tận gốc. Nếu thấy mình thiếu khoan dung, nhất là với người thân, hãy chú ý nhiều hơn khi tiếp xúc, chú ý đến thái độ của mình, đến cách nói năng, chú ý đến các động cơ gốc của mình khi nói hay làm. Và thường xuyên thiền tâm từ nữa.

Một việc con cũng đang làm là tập nhìn nhận nhiều hơn đến nét tích cực của người khác thay vì nhăm nhăm soi điều tiêu cực. Khi con nhìn thấy một điều tiêu cực, hãy tìm ra một điều tích cực khác, ngay trong con người đó, hoàn cảnh đó. Tâm con người kỳ lạ lắm, khi nó hướng chú ý đến cái gì thì sẽ luôn thấy thứ ấy xuất hiện rất nhiều. Con chỉ cần sửa dần thói quen chú ý đến điều tiêu cực thì sự tích cực, khoan dung và bình an sẽ tự động có mặt nhiều hơn trong cuộc sống của con. Nếu thấy mình khắt khe, cố chấp, hãy suy xét nhiều hơn đến vô thường và niệm chết thường xuyên, hãy tập nhìn mọi thứ đang có mặt trong cuộc sống của mình là những cơ hội quý báu để mình trải nghiệm, rèn luyện và trưởng thành, thay vì gán nhãn cho nó là “khó chịu”, “xấu xa”, “tồi tệ”, “không nên có mặt”, “vận xui”, “trả nghiệp”, “bao giờ mới hết”… Chúng ta trưởng thành khi đối diện với những điều mình không thích, hơn là khi mọi thứ đều suôn sẻ, như ý. Khi suôn sẻ, mầm mống của dễ duôi và sai lầm đang âm thầm lớn dậy.

 Tính con hay sân, có thể hạn chế bằng cách tập thói quen nhìn mọi người để thấy họ đang đau khổ vì phiền não, họ khổ quá đến nỗi nó trào ra ngoài qua hành động, thái độ, nói năng… và họ bất lực vì điều đó, chứ đừng nhìn họ như những người xấu, ác ý, thù ghét mình. Tất nhiên khi gặp chuyện, việc đầu tiên là con nghĩ theo cách tiêu cực như thói quen của vô thức, chánh niệm giúp con nhận ra cách nghĩ đó đang làm mình sân ra sao, việc tiếp theo là chủ động thay đổi cách nhìn sự việc như thầy nói ở trên. Mới đầu thì khó và hơi gượng ép, cứ tiếp tục kiên nhẫn làm cho đến khi thành 1 thói quen thay thế lối suy nghĩ cũ. Nhớ là không nên ép mình thay đổi chỉ vì muốn bảo vệ hình ảnh của bản thân (trở thành 1 người tốt, dễ mến, hợp khẩu vị người khác), điều đó chỉ làm cho tâm lý thêm phức tạp và bế tắc, không trung thực với chính mình. Nếu thói quen và phiền não mạnh quá, khi không thể làm gì được nữa thì cũng hãy thoải mái với chính điều đó. Nó không phải là mình. Sự chấp nhận một cách hoàn toàn, nó luôn là tích cực. Con có quyền được sống cuộc sống của mình theo cách mình muốn, con có quyền phạm sai lầm để học hỏi từ sai lầm. Thậm chí con có thể chủ động để cá tính và phiền não thể hiện ra (trong vòng kiểm soát) để tập quan sát và tập thái độ thoải mái, chấp nhận hoàn toàn như phiền não đó là không phải của mình. Khi đó còn cảm giác cứ như mình đang giả vờ sân nữa cơ.

  Sự độc cư hoặc thu thúc cũng có tác dụng bảo vệ con, vì ở tình trạng phiền não nhiều chúng ta khó mà không làm tổn thương đến người khác, hoặc tổn thương chính mình. Tâm lý mặc cảm vì mình xấu xa, hoang mang và mất tự tin vì bất lực…chính là sự tổn thương lớn nhất cho mình bên cạnh những thiệt hại về uy tín, mối quan hệ, tiền bạc…

Thoải mái với chính những điều xấu và những sai lầm, nhìn chúng 1 cách nhẹ nhàng như những cơ hội để hiểu mình và bài học để trưởng thành. Thoải mái và thư giãn nên là “tình trạng của một người bình thường” mà con nói trong câu chuyện anh bác sỹ tập sự nhìn phim X-quang. Khi con quen với trạng thái thư giãn, thoải mái trong mọi lúc, thì bất cứ sự căng thẳng, bất thường nào do các biểu hiện của phiền não gây ra cũng trở nên rõ nét và sự chú ý tự động dồn vào nó. Nhờ đó con quan sát được toàn bộ quá trình và các nhân, duyên khiến nó sinh lên và mất đi. “Thư giãn, thoải mái, biết mình” như một thiết bị đo cực nhạy cảnh báo cho con, và cũng là cách quan sát những bất thường ấy một cách đúng đắn. Mọi người mỗi ngày có quá nhiều phiền não và căng thẳng, nên lại mặc nhiên cho đó là tình trạng bình thường, thế nên mới không bao giờ thấy ra vấn đề ở đâu. Thư giãn – thoải mái – biết mình, đó là những điều đơn giản nhưng cơ bản mà con cần bám chặt, thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh mình về trạng thái đó. Con càng ở trong đó nhiều, sẽ càng nhạy bén và tỉnh giác, và mọi thứ sẽ trở nên rõ nét hơn, mức độ học hỏi của con sẽ càng hiệu quả hơn.

Nói tóm lại, mọi vấn đề chỉ là ở tầm nhìn về con đường tu tập. Tầm nhìn và thái độ đúng của con đang nâng dần theo mỗi bước chân con đi. Khi con lên một tầm cao mới, những vấn đề của ngày hôm nay sẽ trở nên rõ ràng, chúng không còn là vấn đề nữa. Không cần vội vàng con ạ, hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Con đang tiến lên từng ngày, đó là điều quan trọng nhất.

Luôn hiểu rõ mục đích của mình và hướng cuộc sống của mình về mục đích đó. Bám sát vào các hướng dẫn của thầy và có feedback thường xuyên, những gợi ý của thầy và các thử nghiệm, quan sát của con sẽ mở lối cho bước chân tiếp theo. Tránh những thông tin nhiễu loạn. Tiếp tục thực hành những nền tảng cơ bản như giữ giới, sống đơn giản, biết đủ, thu thúc, cắt bỏ dần những gì vô ích trong cuộc sống, thư giãn – thoải mái – biết mình, thái độ đúng và những cách suy nghĩ đúng, niệm chết, thiền tâm từ, quán xét vô thường….bên cạnh việc đưa chánh niệm ngấm dần vào trong cuộc sống thực tế, mọi lúc mọi nơi. Hãy quý trọng và tận dụng mọi cơ hội mà cuộc sống ban tặng cho mình con ạ.

Con đang tu tập rất tốt và trưởng thành từng ngày. Đó là điều quan trọng nhất. Mọi khó khăn và vấn đề nảy sinh dọc đường là một phần của hành trình. Có cách nhìn đúng thì nó không phải là chướng ngại mà chỉ là những cơ hội và trợ giúp quý báu cho con. Hãy cố gắng lên con nhé.

Thầy chúc con bình an và chánh niệm luôn luôn.

Với tâm từ của thầy



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved