Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thiền & cuộc sống
3 cách nhìn người "cực chuẩn" chưa bao giờ sai của người xưa

Hằng ngày, chúng ta phải tiếp xúc với không biết bao nhiêu người. Vậy làm sao có thể “nhìn” được đâu là người nên hay không nên tiếp xúc.

Dưới đây là 3 mẹo nhìn người cực chuẩn, rất sâu sắc do người xưa truyền lại, đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi.

Dùng thời gian nhìn người

Dùng thời gian để nhìn người là ám chỉ sự quan sát lâu dài, không phải là ngay từ lần đầu gặp mặt đã vội vàng đưa ra kết luận tốt xấu về một người nào đó. Kết luận vội vàng sẽ dẫn đến việc nhìn nhận lầm giữa kẻ xấu và người tốt, từ đó ảnh hưởng đến sự giao tiếp của mình với người đó sau này. Ngoài ra con người còn vì lợi ích sinh tồn, đa số đều mang trên mình một chiếc mặt nạ. Khi gặp bạn họ thường đeo một chiếc mặt nạ giả. Đây là một hành vi có ý thức. Những chiếc mặt nạ chỉ có thể dùng khi gặp bạn, và chỉ thể hiện ra ở những góc độ mà bạn thích. Nếu bạn chỉ căn cứ vào những điểm này mà phán đoán sự tốt xấu của một người, từ đó quyết định mức độ giao tiếp với người đó thì bạn có thể mắc phải sai lầm.

Dùng thời gian để nhìn người tức là sau lần gặp đầu tiên cho dù giữa bạn và người đó “Mới gặp mà như đã quen thân nhau từ lâu!” hay là “Không hiểu sao không thích người này!” đều cần phải có một khoảng trống, không nên để cho yếu tố tình cảm chủ quan tốt xấu được chen vào. Sau đó mình sẽ bình tĩnh quan sát hành vi của đối phương. Thông thường, con người dù có che giấu tính cách của mình thế nào rồi cuối cùng sẽ lộ ra bộ mặt thật. Vì đeo mặt nạ là một hành vi có chủ ý nên lâu ngày sẽ tự mình cảm thấy mệt mỏi. Do vậy không còn cách nào khác cuối cùng đành tự tháo mặt nạ, từ đó tính cách thật cũng lộ ra. Nhưng người đó không hề biết rằng bạn đang kề bên bình tĩnh quan sát hành vi và cách cư xử của anh ta. Tục ngữ có câu: “Thức lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết là người cố nhân”. Dùng thời gian để nhìn người chính là để áp dụng câu châm ngôn trên.

Dùng “nghe ngóng” để nhìn người

Dùng “thời gian” để nhìn người cũng có điểm tốt, nhưng cũng có lúc không đáp ứng được yêu cầu cấp bách: Chỉ qua một vài ngày phải quyết định có nên hợp tác với một người nào đó hay không. Trong trường hợp này, có thể dùng phương pháp “nghe ngóng”.

Phương pháp này nghĩa là chúng ta sẽ thu thập thông tin về người đó từ nhiều phía, sau đó tìm những điểm tương đồng nhiều nhất để đúc kết ra tính cách con người ấy. Lẽ đương nhiên các đối tượng được thăm dò phải khác nhau và có mối quan hệ lợi ích khác nhau với người cần thăm dò. Nếu chỉ nghe ngóng từ người thân, bạn bè người đó, chúng ta chỉ nghe được mặt tích cực. Nếu chỉ hỏi từ đối thủ, chúng ta chỉ nghe được những mặt tiêu cực. Cần khéo léo tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn để tìm ra nét tính cách có điểm tương đồng với nhiều kết quả từ các nguồn tin.

Cách thức nhìn người bổ ích mà ta có thể dựa vào là nghe ngóng từ mọi phía. Con người ta luôn phải giao tiếp với người khác, đồng thời bản tính dễ bị lộ ra bởi người thứ ba không liên quan. Nếu bạn nghe từ bạn thân của anh ta thì đương nhiên bạn chỉ nghe những lời nói tốt. Nếu nghe từ những đối thủ của anh ta, bạn sẽ nghe được những lời nói xấu. Tốt hơn, bạn nên hỏi những người không có quyền lợi hay lợi ích gì khi quan hệ với anh ta, không nhất định phải là đồng nghiệp, mà có thể là bạn cùng lớp, cùng xóm… ai ta cũng có thể hỏi.

Khi mà không có sự hiện diện của đối thủ trên vũ đài thì chiếc mặt nạ kia sẽ được gỡ xuống, lúc đó mọi người đều có cơ hội nhìn thấy bộ mặt của anh ta. Đáp án của mọi người sẽ có sự chênh lệch vì mỗi người đều có cách nhìn nhận tốt xấu không giống nhau. Bạn có thể tập hợp những điều nghe thấy lại, tìm ra những điểm tương đồng nhất, qua đó bạn sẽ có thể hiểu một cách khái quát về tính cách thật của anh ta. Điểm tương đồng giữa các nhận xét cũng có thể là điểm chủ yếu trong tính cách của anh ta.

Lẽ đương nhiên nghe ngóng cần có kỹ xảo. Hỏi quá trắng trợn sẽ làm đối phương hoài nghi, không dám nói thật với mình. Tốt nhất là dùng phương pháp nói chuyện rồi dần gợi chuyện để hỏi, kỹ năng này ta cũng cần phải luyện tập. Chúng ta thường nói “rau nào sâu nấy”, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Điều này có nghĩa là người như thế nào sẽ chơi với người thế nấy. Cách nhìn nhận và quan điểm sống của những người bạn chơi cùng nhau phải có những điểm tương đồng thì họ mới có thể chơi với nhau. Do vậy người có tính tình cương trực, thẳng thắn khó có thể hợp với người mưu lược. Người thích rượu chè, cờ bạc không thể trở thành bạn thân của người mực thước.

Ngoài ra, ta còn có thể nghe ngóng tình hình trong gia đình anh ta. Hãy xem anh ta cư xử với cha mẹ như thế nào, đối với anh chị em, vợ chồng, con cái ra sao, đối với hàng xóm như thế nào.

Dùng “ham muốn” để nhìn người

Người xưa quan niệm bản tính thật của con người sẽ bộc lộ khi tiếp xúc với thứ mà mình thực sự ham muốn. Chẳng hạn như người ham ăn sẽ không thể kiềm chế trước món ăn ngon, người háo sắc sẽ tỏ ra thích thú với người đẹp, kẻ hám tiền sẽ sáng mắt khi thấy của cải… Nhờ vào những sở thích con người có thể tìm thấy đặc trưng tính cách của người đó.

Ngụ ngôn Hy Lạp có chuyện kể: “Có một vị quân vương nuôi một bầy khỉ. Anh ta huấn luyện chúng rất kỹ lưỡng, cho chúng mặc quần áo sang trọng, đeo mặt nạ da người và dạy cách nhảy múa như những người thượng lưu. Một ngày nọ, vị quân vương mời hết tất cả quan viên đến để thưởng thức màn biểu diễn của những con khỉ. Ban đầu, đám khỉ này nhảy múa rất điệu nghệ theo tiếng nhạc khiến nhiều người thích thú. Tuy thế, lúc sau một vị quan vô tình đánh rơi quả chuối. Đám khỉ thấy thế lao tới giành giật cho bằng được. Cuối cùng, buổi biểu diễn kết thúc như một trò cười. Thế mới thấy “khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”.



 

Discover more from Sư Tâm Pháp

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading

Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved