Kính bạch thầy,
Con xin phép trình bày 1 chút về các tập luyện của con từ trước tới nay. Từ nhỏ con đã thích đọc sách về thiền và Phật Pháp, tuy nhiên con không có duyên đọc được về Vipassana. Đó chỉ dừng lại ở mức biết qua mà thôi. Nhưng con bắt đầu tập thở bụng mọi lúc. Mỗi khi con nhớ tới thì con sẽ thở bằng bụng. Nhưng nó chỉ dừng lại ở mức đó, nó không có hiệu quả rõ rệt nào về mặt thở(chẳng hạn hơi thở không nhẹ đi).
Con cũng tập được thư giãn khi nằm, thả lỏng toàn bộ cơ và sau một lúc con thấy tỉnh táo hơn. Con nói phần này hơi chi tiết một chút vì con thấy nó có thể là nguyên nhân chướng ngại của con hiện nay.
– Sau khi nghe về thiền Vipassana và việc AT và H đã tập được. Lúc trước con nghĩ nó quá khó để một người bình thường có thể tập được. Do đó lòng con rất hoan hỉ và đọc kỹ hơn về Pháp và cách hành Thiền. Con đã tập liên tục gần 1 năm, 1 lần 1 ngày buổi trưa trong 1 tiếng(t2 tới t6). Cách tập của con là ngồi bán già, quán sát thân và liên tục thả lỏng các cơ bị căng. Về hơi thở con quán sát hơi thở và đếm hơi thở. Thời gian đầu sau mỗi buổi thiền con cảm thấy mạch máu trên đầu chảy rất mạnh, cảm giác như là rân rân. Vài tháng gần đây, có khi con cảm thấy có khi như bị nhức đầu nhẹ thoáng qua. Trong hoạt động hằng ngày con quán thấy mạch đập trong đầu rất rõ. Trong lúc thiền có khi con nghe âm thanh như tiếng o o , thỉnh thoảng sau khi kết thúc thiền con vẩn nghe thấy.
Con không bị bận tâm tới thân hay tiếng động xung quanh (mặc dù vẩn có thể nghe thấy) , tuy nhiên con luôn bị kéo theo hơi thở mà con nghĩ là mình đang điều khiển hơi thở. Trong suổt buổi thiền hơi thở luôn là đối tượng gây chú ý nhất. cho nên con thường hay chuyển qua đếm nhịp tim để quên nó đi. Nhưng sau này nó cũng mất tác dụng. Con tập để chấp nhận hơi thở như nó là nhưng hoài vẩn không được. Mỗi ngày con thấy thân có 1 trạng thái khác nhau… nhưng hơi thở trong buổi thiền không bao giờ dịu lại. trong lúc các cơ khác hoàn toàn thư giãn thì bụng cứ phồng xẹp…. Chỉ có khi đi thiền hành thì hình như hơi thở nó tự nhiên hơn . 1 tuần con đi thiền hành 2 lần trong công viên vào buổi tối. Nhưng không thường xuyên.
-Con cũng bắt đầu tập quán sát mọi lúc trong ngày. Chủ yếu con thấy hơi thở, mạch đập ở đầu và thân. Con cũng quán sát được cảm giác sân nhưng có khi con chưa kiểm soát được âm điệu khi sân xảy ra.
-Tuy vẫn chưa thiền được sâu nhưng con cảm thấy mình đã có thêm nhiều chánh niệm và sẽ cố gắng duy trì tu tập. Con viết hơi rối rắm mong Thầy xem và chỉ dẫn thêm cho con. Tuy rằng trong khi Thiền hoặc trong quán sát hằng ngày con thấy đầu óc rất thư giãn và con không ép suy nghĩ gì. Nhưng cảm giác máu tụ lên đầu làm con rất lo lắng.
Con L.
_________________________
Gửi nhóm thiền SMP.
Các con thân mến,
Thầy viết thư trả lời trình pháp của L, nhưng thầy nhận ra những gì thầy cần nói với L cũng là những điều cần nói với tất cả các con, nên thầy viết bức thư này gửi cho toàn thể nhóm thiền các con.
Đối với L, con cảm thấy đau đầu và khó tập trung là bởi sự thực hành của con bị sai ngay từ lúc ban đầu, từ khi con bắt đầu tập thở bụng. Thầy không biết con học cách này ở đâu hay là tự áp dụng theo sách vở nào, nhưng con đã tự tạo cho mình một thói quen là luôn tìm cách điều khiển hơi thở.
Hơi thở vốn nó là một sự hoạt động hết sức tự nhiên, được điều tiết bởi hệ thần kinh thực vật, hơi thở nông hay sâu là do nhu cầu của cơ thể tự điều tiết cho phù hợp với trạng thái và nhu cầu tiêu thụ oxi của thân tâm vào lúc đó. Nhưng khi con điều khiển hơi thở, tức là con đã can thiệp vào quá trình tự nhiên đó, giống như đứa trẻ con bị bố mẹ bắt ép ăn nhiều cơm như người lớn. Cơ thể của con sẽ phản ứng chống lại sự cưỡng ép mất tự nhiên đó, và phản ứng đó thể hiện ở sự khó chịu trong tâm, đau đầu và nặng đầu, cảm giác không thoải mái. Lẽ ra, nếu nhạy cảm và tôn trọng thân tâm mình, con phải dừng lại, nhưng con sử dụng sức mạnh của ý chí để gạt bỏ tiếng phản đối của thân tâm, nên phản ứng trở nên nặng hơn và dần dần thành thói quen phản ứng.
Thầy biết nhiều người như vậy, nặng hơn con nhiều, cứ ngồi thiền là tự động đau đầu, căng thẳng đến mức phải bỏ thiền hoàn toàn.
Hành thiền nên được thúc đẩy bởi động cơ nội tại, tức là sự thoải mái, an lạc và sáng suốt, nhẹ nhàng và thú vị khi khám phá về chính thân tâm mình, chứ không nên được thúc đẩy bởi động cơ áp đặt bên ngoài như: hành thiền vì sách bảo nó lợi ích, nó giúp mình đạt được cái này cái kia… mặc dù động cơ đó có sức mạnh thúc đẩy mình khá mạnh lúc ban đầu, nhưng bởi vì bản chất của nó là tâm tham, nên sẽ gây rắc rối về lâu dài, và nó cũng không bền. Khi không đạt được cái mình muốn, sẽ thấy chán nản và bỏ cuộc dần.
Cũng may con chưa đi quá sâu theo hướng đó, nhưng dù sao cũng đã bắt đầu hình thành nên thói quen của tâm, nên khi ngồi thiền con vẫn thấy tâm mình tự động điều khiển hơi thở và gây căng thẳng. Vì vậy, việc cần làm bây giờ là làm ngược lại quá trình ấy, và sẽ cần một thời gian tương đối dài để undo, có khi dài bằng thời gian con đã thực hành điều khiển hơi thở. Hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng với chính mình trong quá trình đó.
Việc cần làm hiện nay là con phải bỏ cái ý niệm mình đang hành thiền. Việc này không chỉ đối với con, mà con dành cho tất cả các thiền sinh khác, nếu thực sự muốn đi sâu vào thiền một cách đúng đắn. Tâm con người rất vi tế, bị điều khiển từ sâu trong vô thức mà chúng ta không ý thức được. Khi bắt đầu hành thiền, với cái ý niệm mình hành thiền đây, là vô thức đã bắt đầu khởi động cái “quy trình” hành thiền đã được lập trình sẵn, với “các việc, các bước cần làm, và mục tiêu cần đạt được”. Điều nguy hiểm là các bước và mục tiêu đó toàn là sai, do vô thức cóp nhặt chỗ này chỗ kia: từ những điều “tâm đắc” mình đọc được trong sách thiền nào đó (chỉ tâm đắc thôi, chứ chưa thực sự hiểu đúng ý tác giả đâu. Để hiểu đúng phải là người thực hành rất sâu sắc theo đúng đường lối tu tập của tác giả đó), cóp nhặt từ những buổi “đàm đạo”, hoặc từ những nguồn chắp vá rất vô tình mà bản thân mình cũng chẳng ý thức được. Tóm lại, cái “quy trình” đó là một dây chuyền chắp vá không hoàn chỉnh, và chạy thì sẽ cho ra những sản phẩm thiếu sót, khác hẳn với thành phẩm đủ tiêu chuẩn.
Việc bỏ ý niệm hành thiền để không kích hoạt cái “quy trình” lỗi đó là một việc làm rất khó khăn và vi tế, đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, khéo léo và nhất định phải có vị thầy đủ kinh nghiệm hướng dẫn, vì chúng ta thường bị cuốn vào cái “quy trình” vô thức ấy đến nỗi không thể phân biệt được đúng sai nữa. Tất cả mọi thiền sinh, không trừ 1 ai, đều có những quy trình lỗi đó ở trong vô thức.
Có một số giải pháp trước mắt thầy đề nghị để các con tập bỏ cái “quy trình” lỗi ấy.
1. Buông bỏ ý niệm “hành thiền”
Kiểm tra thường xuyên xem mình có thấy “mình đang hành thiền” hay không. Mỗi khi thấy có ý niệm mình đang hành thiền, hãy buông bỏ ý định đó.
Thiền nên là một hoạt động hết sức tự nhiên như là việc cơ thể của chúng ta tự động hít vào thở ra, như ăn cơm, uống nước vậy. Nó không phải là một cái gì thật “đặc biệt và khác biệt”, bởi vì quan sát vốn là một khả năng tự nhiên của con người, thiền là quan sát. Hành thiền là mài sắc và hướng sự quan sát ấy vào trong thân tâm mình (trong 4 lĩnh vực mà vẫn gọi là Tứ Niệm Xứ: hoạt động của thân, cảm giác, cảm xúc và các hoạt động của tâm, và cơ chế hoạt động của tập hợp thân- tâm). Nếu con còn thấy mình chuẩn bị làm một việc khác biệt, hoặc nghiêm túc, hoặc với những khẩu hiệu quyết tâm này nọ… trước khi vào ngồi thiền, thì có nghĩa là thời thiền đó của con đã thất bại ngay từ trước khi nó bắt đầu. Tâm con đã lăng xăng chuẩn bị cho cái việc “đặc biệt” đó ngay từ khi nó thu xếp làm mọi việc nhanh nhanh để cho kịp đến giờ ngồi thiền, khi nó sắp xếp chỗ ngồi, khi nó chỉnh sửa thân mình ngay ngắn, khi nó xếp chân, đặt tay….
Hãy buông bỏ mọi ý định khi hành thiền. Trong lúc thực hành, cái ý định này vẫn nhăm nhe nhảy vào chỉ đạo mỗi khi mình không cảnh giác, lại buông bỏ nó. Tự nhắc mình rằng: mình chỉ ngồi nghỉ ngơi và thư giãn, và biết mình, không làm bất cứ việc gì khác, không có việc gì đặc biệt cả. Tâm thái ngồi thiền đúng đắn nhất là: như khi ngồi nghỉ ngơi ở dưới bóng mát của 1 cội cây, sau một quãng đường dài mệt nhọc. Ngồi nghỉ 1 lát rồi đi tiếp. Luôn nhớ yếu quyết hành thiền: Thư giãn – thoải mái – biết mình. Chỉ luôn kiểm tra xem mình có 3 điều này hay không, không làm thêm bất cứ việc gì khác.
2. Không “hành thiền” mà chỉ thư giãn, thả lỏng thân tâm.
Thầy dạy thư giãn như 1 bước nhập môn vào thiền là để tránh tạo ra cái “quy trình thiền” mà mọi người xây dựng trong vô thức ngay từ ngày đầu tiên bước vào tìm hiểu thiền. Nếu chỉ là một thời thư giãn thoải mái và quan sát, thì chúng ta sẽ thấy khác hẳn, không còn cái áp lực vô hình tự mình áp đặt cho chính mình nữa.
Phương pháp này trông bên ngoài thì hình như nó chẳng liên quan gì đến “thiền” như trong đầu chúng ta vẫn tưởng tượng, chẳng liên quan gì đến những thuật ngữ cao siêu, đao to búa lớn mà chúng ta vẫn thường đọc trong sách và kinh điển, thậm chí nó trông cũng chẳng có vẻ gì là một việc “nghiêm túc” với hình ảnh một thiền sinh ngồi yên bất động đầy quyết tâm gì cả. Rất nhiều người cảm thấy không thuyết phục lắm bởi cách tiếp cận thiền một cách rất informal như thế này.
Nhưng đã thực hành sâu sắc và đạt kết quả từ phương pháp này rồi mới thấy đó là một cách tiếp cận cực kỳ thiện xảo, tinh tế để tránh khỏi cái bẫy của bản ngã và tư kiến chi phối chúng ta thông qua cái “quy trình thiền” đã xây dựng trong vô thức. Đây, thực ra là một chướng ngại lớn nhất cho hầu hết tất cả các thiền sinh trên con đường đi sâu vào thiền.
Đối với người thực hành ngay từ đầu theo phương pháp này từ những ngày đầu tiên bỡ ngỡ đến với đạo, với thiền, khi chưa bị ảnh hưởng bởi đủ loại kiến thức thiền trong sách vở thì sẽ thấy rất đơn giản, dễ làm và đạt lợi ích ngay lập tức: trang thái thư thái, nhẹ nhàng, tự nhiên và đầy năng lượng, đầy hứng thú. Chính những lợi ích này sẽ là động lực nội tại quan trọng để họ tiếp tục tinh tấn và dần dần đi sâu vào thiền một cách rất êm, rất lặng lẽ và nhẹ nhàng. Hoàn toàn không phụ thuộc vào những động cơ bên ngoài với những khẩu hiệu ồn ào đậm mùi sách vở nữa.
Nhưng đối với những người đã đọc, nghe và tự thực hành hoặc đã học qua các phương pháp khác trước đó, “quy trình thiền” trong vô thức đã trở nên cứng nhắc, gắn chặt với bản ngã rồi thì hầu hết đều không thể thực hành phương pháp này được, trừ khi có một cái tâm cầu đạo thật rộng mở, it chấp mắc tư kiến để sẵn lòng buông bỏ đường lối hiểu biết và thực hành “đúng quy trình” cũ của mình.
Tâm con người như cái van 1 chiều, nhập vào thông tin và hiểu biết vay mượn bên ngoài thì rất dễ, mà bỏ nó ra khỏi đầu thì khó vô cùng khó.
Bất cứ nơi nào, bất cứ nơi đâu con cũng nên nhớ luôn luôn kiểm tra mình, scan để thả lỏng thân tâm. Thân tâm thả lỏng, thư giãn – thoải mái, thì sự quan sát mình sẽ tự có mặt, và khách quan, đúng đắn. Bởi vì sự thư giãn đã bao gồm quan sát ở trong đó. Sự quan sát nhẹ nhàng để rà soát cơ thể, phát hiện những nơi căng thẳng, những điểm bất thường để thả lỏng. Những điểm căng thẳng ấy, nếu tiếp tục quan sát sâu sắc sẽ lần ra được nguyên nhân gốc rễ ở các cảm xúc, các suy nghĩ và định kiến sai lầm trong tâm. Nó sẽ là đầu mối, là cửa vào để chúng ta đi sâu vào tìm hiểu tâm mình, để thực hành toàn diện cả 4 niệm xứ: thân, thọ, tâm, pháp.
3. Thực hành trong cả 4 tư thế đi, đừng, nằm, ngồi và các tư thế phụ trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối với hầu hết mọi người, hình ảnh quy định trong “quy trình thiền” của vô thức là ngồi thiền kiết già hoặc bán già, thẳng lưng bất động, tập trung tâm vào đề mục. Vì vậy bệnh thiền rất giống nhau: căng thẳng, mệt mỏi, và tính cách cũng như cách nhìn cuộc sống ngày càng cứng nhắc, 1 chiều.
Một ngày 24g, chúng ta ngồi như vậy được mấy giờ? Thế vậy những giờ còn lại chúng ta bỏ phí không thiền hay sao. Sự thực hành đúng đắn phải dần dần mở rộng ra thành sự thực hành 24/24. Thậm chí ngay cả trong khi ngủ chúng ta vẫn có cách để thực hành chánh niệm.
Tư thế ngồi, bởi vì nó phù hợp với “quy trình thiền” lỗi, nên chúng ta rất chú trọng. Cũng chính vì vậy, trong 4 tư thế, ngồi lại là tư thế gây căng thẳng và mệt mỏi nhất. Và khi ngồi, “quy trình thiền” lỗi trong vô thức của chúng ta được kích hoạt dữ dội nhất. Có người vừa nhìn thấy chiếu thiền là lập tức đau đầu, hoặc ít nhất là tâm lý khẩn trương, chán hoặc mệt. Đa phần các thiền sinh ở các trường thiền là phải “ép” mình ngồi thiền. Đông người ngồi cùng thì có sức “ép” hơn nên cố ngồi được lâu hơn, ngồi một mình trong phòng ngủ thì 15 phút đã thấy là quá sức rôi. Cái “ép” đó nhìn giống như tinh tấn, nhưng không phải là chánh tinh tấn đích thực, bởi nó không xuất phát từ động cơ chân chánh trong nội tại, vì vậy thường gây tác hại sâu sắc và lâu dài tới toàn bộ sự nghiệp tu tập của chúng ta.
Con nên ngồi ít thôi, thậm chí nếu cần thì bỏ hẳn ngồi trong giai đoạn hiện tại. Tập thư giãn nhiều trong tư thế nằm, bởi khi nằm là lúc thoải mái nhất, ngược lại với khi ngồi. Thay đổi giữa nằm – ngồi để cân bằng sự thực hành của mình. Khi căng thẳng và mệt mỏi quá thì nằm và đi nhiều hơn ngồi và đứng. Khi tâm dễ duôi, mất tập trung và lười biếng thì ngồi, đứng và đi thích hợp hơn nằm. Đi thiền có tác dụng trong cả hai trường hợp xáo động, lan man và lười biếng, hôn trầm.
Đi kinh hành (thiền trong tư thế đi) cực kỳ quan trọng để phát triển sự tỉnh giác và định tâm lâu dài. Đức Phật đã chỉ rõ 5 lợi ích khi đi kinh hành: sức khỏe tốt, tiêu hóa tốt, ít bệnh tật, kham nhẫn được việc đi bộ đường xa, định thu được từ kinh hành bền vững lâu dài. Đức Phật đã đi bộ qua hầu hết đất nước Ấn Độ ngày xưa. Bản thân thầy từ ngày xuất gia cho đến ngày hôm nay, để đạt được những hiểu biết như thế này cũng đã phải trải qua hàng chục nghìn giờ đi kinh hành và hàng chục nghìn giờ ngồi thiền, từ 3g sáng đến tận đêm khuya. Các con, cũng như hầu hết các cư sỹ tại gia thực hành thiền, nhất là khi ở trong thành phố, đi kinh hành quá ít, vận động quá ít trong cuộc sống, một phần là do không gian có hạn, một phần là do thói quen và sức ì. Điều đó làm cuộc sống thể chất và tinh thần của mình bị lệch lạc, không cân bằng con ạ.
Ngoài việc đi kinh hành nhiều, có thể đứng thiền nhiều hơn để bổ sung cho việc thiếu kinh hành và vận động. Đứng cũng là 1 hình thức vận động, vì các cơ phải căng cứng để chống đỡ cơ thể. Đứng cũng làm mình tỉnh táo hơn, và đỡ bị theo lối mòn tập trung hay điều khiển hơi thở (nên nhớ chánh niệm là sự chú ý chứ không phải là sự tập trung, càng không phải là điều khiển). Có rất nhiều cơ hội để vận động, ngay cả khi làm việc trong văn phòng: đứng nghe điện thoại thay vì ngồi, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, đi uống nước thường xuyên thay vì để sẵn ly nước trong tầm với…. hãy sáng tạo và tận dụng mọi cơ hội để tu tập, đó là bí quyết.
4. Đừng chiến đấu với các chướng ngại.
Đây là một bí quyết rất sâu sắc trong thiền cũng như trong một cuộc sống thuận pháp ngoài cuộc đời. Chiến đấu mang ý nghĩa tiêu cực và kèm theo đó là năng lượng tiêu cực, thúc đẩy bởi sự chống đối, không chấp nhận hiện tại. Bản thân nó lại là một chướng ngại nữa chồng lên chướng ngại đã có.
Thay vào đó chúng ta hãy sử dụng phương thức khéo léo hơn là “rút củi đáy nồi”. Thay vì mất thêm năng lượng có hạn của mình để chiến đấu, chúng ta chỉ cần đơn giản cắt giảm phần năng lượng dành cho nó để đầu tư vào các hạng mục khác. Trong quá trình phát triển các hạnh mục tích cực khác, chướng ngại dần dần được tiêu trừ như 1 hệ quả phụ. Trong thiền, năng lượng của chúng ta là sự chú ý. Tất cả các chướng ngại: suy nghĩ lan man, buồn ngủ, căng thẳng, tự động điều khiển hơi thở, đau đớn, mỏi mệt…..thay vì loay hoay tìm cách chống lại, chúng ta chỉ cần dồn sự chú ý sang một đề mục khác như là cảm giác toàn thân, scan để phát hiên căng thẳng và thư giãn, hoặc kiểm tra khuôn mặt để làm chảy mềm ra… và không cần để ý đến chướng ngại nữa. Nó vẫn quấy rầy chúng ta, nhưng chúng ta không phí công giằng co với nó, mà học cách chấp nhận sự có mặt của nó, rồi làm lơ, không quan tâm. Không sân với nó, mà chỉ cần không để ý nữa vì “tôi đang rất bận, còn việc rất quan trọng đang làm”. Tâm ta như đứa trẻ hư đang la khóc, không nên đánh nó để nó khóc to hơn, khó dỗ hơn, mà chỉ cần không để ý, tập trung làm việc của mình để nó tự nín.
Thầy giải thích dài dòng, ngọn ngành thế này, không chỉ cho mình con mà còn cho các anh em khác. Cần nắm vững nhưng nguyên lý của thiền để vận dụng sáng tạo trong từng hoàn cảnh cụ thể mình đang gặp phải. Mặc dù vẫn có thể trình pháp với thầy về những khó khăn cụ thể đó để thầy chỉ dẫn, nhưng các con phải nhớ kỹ các nguyên lý thầy dạy. Sau mỗi lần khó khăn, con lại xem lại nguyên lý đó để thấy mình vi phạm lỗi nào, khi nào vi phạm, và khắc phục được nhờ vận dụng nguyên lý nào. Cứ như vậy, mỗi lần trải qua khó khăn, con sẽ hiểu ngộ nguyên lý hơn một chút, vận dụng tự tin và thành thạo hơn 1 chút. Đó chính là quá trình học thiền, tu thiền và rèn luyện chánh kiến con ạ.
Các con hãy tiếp tục thực hành và điều chỉnh theo những gì thầy đã nói. Tiếp tục theo dõi sát sao sự thực hành của mình và trình pháp cụ thể những lần sau để thầy chỉ dẫn thêm. Hãy kiên nhẫn, không vội vàng, nhưng đừng lười biếng. Phải coi đây là một công việc có ý nghĩa nhất, quan trọng nhất và lâu dài nhất trong cả cuộc đời của mình. Hãy đầu tư thời gian và sức lực cho nó. Nó là công việc toàn thời gian chứ ko phải việc làm khi mình rảnh rỗi.
5. Rèn luyện cho mình một tầm nhìn và định hướng tâm đứng đắn.
Tầm nhìn và định hướng tâm đúng đắn là điều rất quan trọng. Phải có tầm nhìn xa và dài hạn, phải thấy tu tập chánh niệm là một chiến lược của cả cuộc đời. Hãy có tầm nhìn về bản thân mình trong 10 năm nữa, 20 năm nữa và khi về già, đối diện với bệnh tật và cái chết. Hãy tưởng tượng một con người mình muốn trở thành khi đó: chánh niệm, bình an, trí tuệ, từ bi. Một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa, lợi ích cho bản thân và nhiều người, xứng đáng được tôn trọng. Hãy có tầm nhìn về một ngày khi mình chứng đạo, khi mình được nếm vị ngọt của Niết Bàn, nơi hoàn toàn không còn đau khổ. Hãy luôn nuôi dưỡng tầm nhìn đó, nó sẽ mang lại cho các con một niềm tự tin và động lực vô cùng lớn. Hãy hoàn toàn tự tin rằng mình có khả năng chứng ngộ Niết Bàn, có con đường đi sẵn có, có sự cố gắng và kiên nhẫn, nhất định sẽ có thành quả.
Mặc dù tầm nhìn về con người mình muốn trở thành đó có thể rất khác hoặc gần như trái ngược với thực tế con người hiện tại của các con bây giờ, nhưng điều đó không hề ngăn cản việc biến tầm nhìn đó thành hiện thực trong tương lai. THINK BIG! Muốn thành công phải dám nghĩ lớn, nếu đến ngay cả nghĩ mà chúng ta còn chẳng dám thì làm gì có % cơ hội nào để làm được điều đó, phải không.
Sẽ còn rất nhiều việc phải làm, phải rèn luyện nữa trên đường tu tập. Nhưng những nguyên lý cơ bản sẽ luôn theo mình cho đến tận cuối con đường. Những gì thầy nhắc đến ở đây chỉ là 1 phần, do duyên trình pháp của các con mà thuận để nói ra. Trong quá trình thực hành, hành đến đâu, vướng mắc chỗ nào lại là những duyên nữa để thầy tiếp tục hướng dẫn và điều chỉnh cho thích hợp. Hãy thực hành tốt những gì thầy đã nói, bản thân điều đó đã là một thuận duyên và động lực lớn để các con đủ sức mạnh vượt khó và đi tiếp cả quãng đường dài trước mặt.
Hãy cố gắng lên! Kham nhẫn là con đường ngắn nhất đến Niết Bàn!
Thầy chúc các con có thật nhiều tinh tấn, nghị lực và niềm tin.
Với tâm từ của thầy
Thầy
Tâm Pháp