Kính thưa Thầy,
Em M nói Thầy chuẩn bị đi vắng 3 tuần. Con tranh thủ trình pháp Thầy để được chỉ dậy thêm ạ.
Thưa Thầy, con đã điều chỉnh để sống hài hoà với vợ con. Vợ con vì những phiền não trong quá khứ do vậy ko buông bỏ được mà coi con như kẻ thù.
Lúc đầu con rất muốn giúp vợ con có thái độ đúng, buông bỏ vì vậy con lựa lời gặp mặt và hỏi han. Nhưng con quan sát thấy vợ con rất khổ tâm khi đối diện với con và hoàn toàn “phản ứng” với những gì đối mặt. Con nhận thấy rằng cần phải có thời gian để bình tâm và thay đổi. Vì vậy con quyết định những gì vợ con đề nghị con đều làm theo và chỉ nói ý kiến của mình mà thôi. Con tôn trọng quyết định của vợ con và tập trung vào việc của mình và ko làm vợ con phải khó xử khi bị hỏi han.
Chính vì điều đó mà con thấy tình hình lại ổn hơn.
Con gái con năm trước đã gặp rất nhiều khó khăn trong chuyện chồng con, bây giờ thì đã vượt qua được rồi. Cháu nghe những chia sẻ của con và nghiệm với những gì đã trải qua và “ít vướng mắc” hơn khi có thái độ đúng về phiền não, hiểu được rằng phiền não của ai thì người đó phải tự giải quyết từ bên trong tâm của mình chứ ko phải từ bên ngoài.
Bản thân con thì đã an định hơn trước nhiều Thầy ạ, đối mặt với những phiền não đó con thấy tâm mình buồn, đau thương nhưng con ko vướng mắc vào phiền não của vợ con và của các con con.
Con cũng rất phiền não trong việc “muốn thay đổi” con trai con nhưng sau đó con hiểu rằng khi cháu đã ko muốn thì chỉ làm khổ cả cho con và cho cháu.
Như con cũng vậy, lúc trước khi chưa hiểu về Pháp thì “bất kỳ ham muốn nào của mình” mình sẽ trở thành nô lệ của nó và chẳng ai thay đổi mình được.
Hiểu như vậy nên con cũng chẳng áp đặt cháu gì nữa, con chỉ quan sát, thể hiện tình thương, thiền tâm từ cho cháu.
Vậy mà con thấy cháu cũng tự thay đổi và bắt đầu có chuyển biến tích cực trong cư xử và chia sẻ với chị gái nhiều hơn.
Rõ ràng Thầy đã dậy rằng Vũ khí của người tu hành là sự nhẫn nại và mình phải biết kiên nhẫn thực hành, sống đơn giản, hài hoà với người thân trong gia đình.
Về việc thực hành hàng ngày thì con vẫn duy trì thường xuyên và đã thành thói quen hàng ngày.
1. Con đã cải thiện việc ăn uống nhiều hơn và thấy sức khoẻ tốt ổn định.
2. Suy nghĩ trong con ít đi, con thấy có thể buông bỏ được các suy nghĩ ko cần thiết hay suy nghĩ bất thiện khá dễ dàng.
3. Con ko gắng sức làm bằng được điều mình muốn như trước mà theo hướng “chẳng có gì là thật sự quan trọng cả”, chấp nhận kết quả và ít mong cầu hơn.
4. Con ko quyết định mọi việc gấp gáp cũng ko nói ra những suy nghĩ của mình ngay. Con thấy nhiều điều tự nó sáng tỏ và rồi chẳng phải giải quyết nữa.
5. Tâm con có vẻ thuần hoá hơn, luôn ở trong thân, ít suy nghĩ những điều ko cần thiết. Con cũng ko nhìn nhiều, nghĩ nhiều như trước.
Con mong Thầy chỉ dậy một số điều mà con thấy như sau:
Con cảm ơn Thầy nhiều và mong Thầy sức khoẻ và bình yên ạ.
Con thân mến!
Con thực hành như vậy là ổn rồi. Tâm thuần hóa hơn là tốt. Tuy nhiên để thuần hóa sâu hơn thì cần thêm nhiều thời gian. Nhưng bước đầu như vậy là rất tốt.
Tâm con người chúng ta thường xuyên bị các dòng suy nghĩ và cảm xúc chi phối. Suy nghĩ và cảm xúc thường khởi lên bất ngờ do một tác động nào đó từ bên ngoài hay từ ký ức bên trong và hoàn toàn vượt ra khỏi sự kiểm soát. Chính vì vậy tâm thường hoang dại, không thể thuần hóa. Chánh niệm đã bước đầu giúp con thuần hóa dần cái tâm hoang dại ấy.
Tâm hoang dại vô cùng nguy hiểm, vì mọi hành động do tâm chỉ đạo không phục vụ cho mục đích cuộc sống của mình, không mang lại lợi ích, mà chỉ đơn thuần là theo xung động của cảm xúc và suy nghĩ sai lầm. Nó mang lại rất nhiều sai lầm để rồi mất rất nhiều công sức, thời gian để sửa chữa sai lầm. Nó có sức phá hoại kinh khủng đối với cuộc sống cũng như những tiềm năng quý báu của mình.
Chánh niệm giúp chúng ta quan sát được hoạt động của thân và tâm. Trước hết là từ thân, những cảm giác trên thân. Thân giống như 1 mỏ neo, mỗi khi bị cảm xúc và suy nghĩ xô đẩy, mỏ neo đó giúp chúng ta trụ lại và thoát khỏi chúng nhanh chóng hơn. Vì vậy cần đặt sự chú ý của mình trên thân, các cử động của thân và các cảm giác. Rà quét thân và thư giãn, nhất là thư giãn khuôn mặt , là mấu chốt để con trụ lại trên thân mình và để cảnh báo mỗi khi tâm đi hoang. Bởi vì sự hoang dại đó bao giờ cũng thể hiện qua các cảm giác căng cứng, mỏi mệt và khác lạ trên khuôn mặt và thân mình, qua các cảm giác như: khó chịu, nóng nảy, bức xúc, bất an, nặng nề…
Tâm con người bình thường luôn trôi dạt theo các cảm xúc ngẫu nhiên, hoàn toàn làm nô lệ cho cảm xúc nên không thể hiểu được việc sống và hành động mà không có cảm xúc hoặc có nhưng không bị cảm xúc đó chi phối, thúc đẩy. Chỉ khi không hành động theo lực đẩy của cảm xúc thì mới có sự sáng suốt, mới ý thức về mục đích hành động của mình, mới có sự suy xét về lợi ích của hành động đó.
Vì vậy, khi có chánh niệm chúng ta sẽ có cảm giác mình ít bị cảm xúc chi phối hoặc tách rời khỏi cảm xúc mà người không hiểu biết thường gán cho cái tội danh “vô cảm”. Mọi người cho rằng cứ phải “điên điên” suốt ngày theo dòng cảm xúc mới là bình thường, và trầm lặng quá là biểu hiện của bất thường, tiêu cực. Lúc mới đầu có thể con chưa quen , thấy lạ lùng khi mình bị “vô cảm” như thế. Cần một thời gian tương đối dài để con làm quen với con người mới, cách hiểu mới của mình. Nhưng con sẽ thấy sống tách rời khỏi cảm xúc khiến con sáng suốt và bình an hơn rất nhiều. Con thực sự “sống” cuộc đời của mình, chứ không phải sống 1 cách mù quáng và vô nghĩa theo dòng cảm xúc như trước.
Trước nay, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các sai lầm của con đều bắt nguồn từ cảm xúc. Cảm xúc rất mạnh và cũng nhanh chóng tàn lụi, nhưng hậu quả của cảm xúc thì không tàn lụi theo cảm xúc, nó ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của con và những người thân, nó làm tổn hao vô số thời gian, hạnh phúc, trí tuệ và sức lực của con trong nhiều năm tiếp theo. Ấy thế nhưng nếu không tu tập chánh niệm, con vẫn sẽ tiếp tục hành động theo cảm xúc và sai lầm liên tiếp. Nhờ chánh niệm, con sẽ dần dần nhận rõ sự nguy hiểm của nội tâm không tu tập, sự nguy hiểm của cảm xúc và suy nghĩ hoang dại. Tu tập chánh niệm là cách để thuần hóa tâm hoang dại đó và thay đổi toàn bộ cuộc đời con.
Sự “vô cảm” ấy thường là điều những người thân của mình sợ nhất vì họ không hiểu. Đừng thể hiện, đừng tìm cách giải thích hoặc muốn họ suy nghĩ theo cách của mình. Nhưng cách sống của con sẽ dần dần ảnh hưởng và cảm hóa họ. Việc ấy đòi hỏi 1 thời gian dài, và kể cả như thế mức độ tác động cũng hạn chế, vì muốn thay đổi cách nhìn thì bản thân họ phải tu tập chứ không thể trông chờ vào tác động của người khác để thay đổi. Ảnh hưởng của con chỉ là một phần nhỏ. Thiền tâm từ thường xuyên sẽ tăng ảnh hưởng tích cực của con với mọi người. Đối với con của con, ảnh hưởng đối với cháu mạnh hơn, vì các cháu còn ít tuổi và từ vô thức lúc bé vẫn thường lấy bố mẹ làm hình mẫu tham khảo. Với những người lớn tuổi và có suy nghĩ cố định, bị chi phối bởi thành kiến và phiền não lâu ngày thì đừng hy vọng quá nhiều. Ảnh hưởng sẽ không nhiều lắm đâu. Có thể thông qua các cháu để ảnh hưởng đến vợ. Đó là cách tiếp cận thực tế hơn.
Chỉ đơn giản quan sát và chú ý đến mọi việc mình làm, mọi cảm giác, cử động và cảm nhận trong mình, đó là con đường đúng. Không cần phức tạp, hãy đơn giản như thế thôi. Sự đơn giản ấy mới giúp con thoát khỏi các định kiến và quan sát mình đúng như thật. Sự quan sát đúng như thật, không tìm cách can thiệp hay thay đổi, mới có tác dụng giúp con tìm hiểu thân tâm mình và chuyển hoá. Điều này rất quan trọng.
Chánh niệm giúp con có được những khoảng tạm dừng (pause) rất quý giá trước mỗi hành động, quyết định, kể cả trước mọi lời nói. Tạm dừng tức là cơ hội cho con suy xét trước khi làm, cơ hội để con thoát khỏi sức đẩy của cảm xúc và thay thế nó bằng động lực của trí tuệ. Khi con lợi dụng khoảng tạm dừng này để quan sát, xung động cảm xúc sẽ bị yếu đi đáng kể. Nếu con làm ngay lập tức theo xung động của cảm xúc không cưỡng lại được, tức là con hoàn toàn không có khả năng kháng cự lại cảm xúc và suy nghĩ. Làm nô lệ hoàn toàn cho cảm xúc.
Thời gian đầu con sẽ thấy mình chưa sử dụng thành thục khoảng tạm dừng quý giá này, bởi nó rất ngắn ngủi. Nhưng dần dần, con sẽ học cách sử dụng nó một cách hiệu quả hơn. Đó là khoảng thời gian con tách ra khỏi lực đẩy của cảm xúc và lối mòn suy nghĩ để suy xét: hành động, lời nói này có cần thiết hay không, có phù hợp với mục đích của mình hay không, có gây hậu quả gì không, có đáng hay không….Khi những suy xét này thành thói quen tự động, nó sẽ vô cùng lợi ích, tiết kiệm cho con vô số thời gian và sức lực, tránh khỏi vô số sai lầm vô ích.
Hãy tập lắng nghe mình, không phải lắng nghe bằng tai mà bằng cảm nhận. Thực ra lắng nghe là cảm nhận, nhưng thầy dùng chữ lắng nghe vì khi mình lắng nghe, mình phải chú ý và tĩnh lặng. Ở giữa rừng, có tiếng động lạ, con phải tạm dừng mọi hành động (pause), và chú ý để lắng nghe và suy xét đó là tiếng động gì, có nguy hiểm hay không…. Chú ý và tĩnh lặng. Đó là 2 tính chất tâm rất cần thiết để phát triển chánh niệm và tỉnh giác.
Hãy tập lắng nghe chính thân tâm mình. Nó luôn lên tiếng mách bảo chúng ta, bằng rất nhiều kênh, bằng những cảm giác trên khuôn mặt, sự căng cứng trên thân mình, một cảm xúc lạ, một hành động vô thức hay thậm chí bằng cả sự thay đổi của hơi thở. Lắng nghe các kênh thông tin không lời. Thân tâm luôn phát ra các thông tin như vậy, lắng nghe chúng một cách cẩn thận và sâu sắc là cách để phát triển trực giác. Trí tuệ trực giác phát triển bằng sự lắng nghe, không phải bằng cách suy nghĩ. Tâm đầy suy nghĩ thì trí tuệ trực giác sẽ không có không gian để phát triển.
Trí tuệ cần thời gian và điều kiện cần thiết để phát triển. Không được vội vàng để hiểu những điều mình đọc trên sách vở hoặc nghe trong các bài pháp. Đó chỉ là những gợi ý định hướng. Hãy nắm vững căn bản, những hiểu biết ấy sẽ dần dần được hoàn thiện qua quá trình quan sát đúng đắn. Chánh niệm là một công cụ để con sử dụng – nó là sự quan sát như thật, trung thực và khách quan. Nếu vội vàng để hiểu biết, hiểu biết đó chỉ là suy nghĩ. Nó không phải là hiểu biết thực sự và không có khả năng chuyển hóa tâm mình.
Hãy kiên nhẫn và đều đặn thực hành những bước cơ bản. Nó là nền tảng để trí tuệ và hiểu biết phát triển.
Hãy luôn thư giãn và ý thức về bản thân mình trong mọi lúc. Bắt đầu từ khuôn mặt!
Nhớ thực hành thiền tâm từ hàng ngày nữa con nhé!
Với tâm từ của Thầy !