Con thân mến,
Thầy biết con buồn và thất vọng vì không được đến học khóa thiền vừa rồi. Hẳn là con đã mong đợi rất nhiều từ khóa thiền ấy. Thầy muốn nói với con, cũng như với tất cả các thiền sinh đến học với thầy một điều quan trọng này:
Thực hành pháp là con đường riêng biệt của mỗi người, chúng ta hoàn toàn 1 mình trên con đường đó, việc của mình thì không thể nhờ cậy ai, không thể dựa dẫm vào ai được cả con ạ. Chính vì vậy, người thực hành pháp là những người cô độc, yêu thích độc cư, yêu thích tự do trải nghiệm, tự do học hỏi, không muốn bị gò ép, định khuôn trong bất cứ cái khuôn nào, kể cả đó là cái khuôn của người thầy. Tinh tấn, thu thúc và tự kỷ luật không phải là sự định khuôn.
Thầy quá bận với công việc tu tập của mình, nên chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn học trò thực hành pháp, chứ không tạo lập 1 cộng đồng, một nơi chốn cho thiền sinh đến thực hành thường xuyên. Và sự hướng dẫn ấy không cần quá nhiều, nhiều là loạn. Học trò cần tự trải nghiệm, tự rèn luyện trong cuộc sống thực tế của mình. Học trò không nên tìm động lực từ người thầy, mà phải tìm động lực từ chính sự thực hành của mình, mặc dù giai đoạn đầu thì động lực và cảm hứng từ người thầy là lực đẩy rất tốt. Nhưng dựa dẫm và lệ thuộc vào điều đó sẽ hạn chế sự tự lực của bản thân, bó hẹp sự phát triển sau này của con, và nó cũng gây phiền cho người thầy nữa con ạ.
Thầy đã thế, thì cộng đồng bạn đạo lại càng không nên nương tựa, không nên tìm động lực tu tập từ nơi đó. Thầy bớt thời gian tu tập chỉ để hướng dẫn các con thực hành, chứ không muốn làm nơi dựa dẫm cho bất cứ ai – hãy nương tựa vào sự thực hành pháp, đó mới là sự nương tựa đúng đắn con ạ. Thấy không định thành lập một cộng đồng nào nơi đây. Nơi đây cũng không phải là nơi ký thác tình cảm, không phải là nơi ký thác tâm linh – con có thể hướng về, nó có thể giúp con gợi nhớ đến sự thực hành và tiếp thêm nhiệt tâm tu tập cho con, nhưng đừng ký thác, giao phó sự thực hành của mình vào một cộng đồng nào hết. Đừng đặt cược sự thực hành của mình vào những sự ký thác ở bên ngoài đó con ạ.
Học trò đến với thầy là để nhận sự hướng dẫn từ thầy, có thể từ xa qua mail hay trực tiếp trong các khóa thiền. Và đó là quan hệ chính yếu nhất cần phát triển. Không phải đến để tìm cảm hứng tu tập, tìm sự bình an hay để học pháp học, kiến thức lý thuyết. Sự hình thành cộng đồng là điều thầy cố tránh vì nó gây hại nhiều hơn lợi. Cộng đồng luôn phức tạp, luôn gây chướng ngại cho nhau và cho thầy. Nó là nơi mà tâm ganh tỵ bám rễ, nơi cái tôi thể hiện, nơi ngồi lê đôi mách, nơi phạm giới, dễ duôi… và là nơi gây phiền phức. Vì thế học trò đến học với thầy là để trình pháp, hành thiền và nhận chỉ dẫn từ thầy, chứ thầy không khuyến khích phát triển quan hệ chiều ngang giữa học trò với học trò để tạo thành nhóm, hội. Việc các con quan hệ với nhau như thế nào ở ngoài đời, thầy không quan tâm; hợp thì chơi với nhau, không thì thôi; nhưng khi đã đến đây học thiền, thì dẹp hết qua 1 bên, không túm tụm chuyện trò, tâm sự, hay chia sẻ kinh nghiệm thực hành với nhau, đừng lôi kéo, bắt chuyện làm quen trong các khóa thiền. Chỉ chuyên tâm thực hành và trình pháp với thầy. Học trò biết thầy, thầy biết học trò, càng tu tập lâu dài thì càng hiểu và trân trọng nhau, dạy dỗ chính xác hơn và bớt mất sức hơn. Học trò biết học trò chỉ có hướng về phạm giới, ồn ào, bất thiện, ngã mạn, ganh tỵ hơn thua, biến nơi thanh tịnh thành cái chợ đời. Họ sẽ chẳng hướng về pháp mà chỉ hướng về nhau – điều ấy đã quá ngán ngẩm ở ngoài đời kia rồi, cớ sao còn lôi vào đây nữa…
Nhiều người mới đến đây đã lăng xăng làm quen, liên hệ, chuyện trò… cuối cùng chỉ toàn gây chuyện, phá nội quy, đánh giá phán xét lẫn nhau chứ không tập trung vào việc chính yếu nhất là giữ giới, độc cư, hành thiền, trình pháp và nhận sự hướng dẫn của thầy. Khi mình không quen ai, mình mới có sự tự do thực sự. Khi đã quen biết, nói chuyện, mình sẽ cảm thấy mất không gian tự do phần nào, luôn phải để ý và giữ kẽ. Nói chuyện 1 lần, lần sau không nói nữa, gặp nhau không hỏi han sẽ thấy ngại và có lỗi. Người mới hoàn toàn và thu thúc như nội quy sẽ cảm nhận sự tự do của độc cư và trân trọng sự tu tập ở nơi đây hơn nhiều. Tu tập lâu ở đây tất nhiên sẽ quen biết nhau, nhưng quan hệ giữa bạn đạo với nhau tốt nhất là thoang thoảng, không nên quá gần, quá thân, không dính dáng lợi ích nhiều thì sẽ ít có khúc mắc và ít lôi khúc mắc ấy vào tu tập, dễ có tâm từ với nhau hơn và cảm nhận được khích lệ khi cùng nhau tu tập.
Nơi đây vốn không phải là môi trường cho Phật tử đến tu tập, đây là nơi chư tăng độc cư, trú xứ của chư tăng. Vì lòng từ bi với đời mà thầy mở rộng cửa cho các con đến thực hành trong các khóa thiền. Khóa thiền là dịp để thầy nghe trình pháp, quan sát để hiểu thiền sinh và hướng dẫn cho thiền sinh là chính chứ không phải là các khóa huấn luyện dài ngày như các trường thiền bên Miến Điện hay các thiền viện khác ở VN. Việc tự huấn luyện mình hãy tự thực hiện ở ngoài đời, trong chính cuộc sống hàng ngày của con theo những hướng dẫn của thầy. Phần ấy con phải tự lực, thầy không giúp được nhiều đâu con ạ.
Con hãy nhớ là khi con tìm nương tựa ở một nơi nào khác, dù là từ thầy, thì tức là đã không tự tìm nơi nương tựa ở chính bản thân mình rồi. Khi xác định cứ phải khóa thiền mới là nơi để tu tập thì đã coi nhẹ nơi tu tập thật sự là ở nhà mình. Những điều đó không tốt cho chính con, và cũng cản trở công việc dạy dỗ của thầy. Sức lực của thầy dành cho dạy dỗ nhiều khi không bằng sức lực đã tiêu hao vì việc nhắc nhở nội quy, khuyên răn, giám sát, kỷ luật học trò… Con thấy đấy, trong nhiều bài pháp ở các khóa thiền, thầy mất nhiều thời gian để nói xoay quanh những việc ấy, thay vì thực sự thuyết pháp. Thầy không muốn phải hò hét, quát nạt. Thầy không muốn sống như thế. Thầy không muốn làm việc vô ích.
Hãy làm một người độc hành trên con đường này. Hãy trân trọng sự thực hành pháp. Khi con thực sự trân trọng nó, con sẽ dành đủ nhiệt tâm, thời gian, sức lực…mọi thứ cho nó. Khi ấy con mới xứng đáng với pháp, xứng đáng với một cuộc sống bình an và trí tuệ. Và việc thực hành sẽ dễ dàng hơn nhiều, thầy cũng bớt khổ hơn.
Hãy cố gắng lên và mạnh mẽ lên, hãy thực sự nương tựa vào chính mình con ạ. Đừng nương tựa vào bất cứ một nơi nào khác.
Nguyện cầu cho chánh niệm và sự bình an luôn ở cùng con.
Với tâm từ của thầy.