Kính bạch Thầy,
Ngày hôm nay con muốn viết thư để xin bày tỏ tấm lòng tri ân đối với Thầy. Trong thời gian vừa rồi, con nhận thấy có vẻ tới bây giờ con mới đang bắt đầu hiểu và thực hành đúng theo những gì Thầy dạy. Có những khoảnh khắc con bắt đầu cảm nhận được sự định tĩnh ngay cả khi đang mở mắt làm những công việc bình thường nhất như rửa bát, đổ rác, quét sân, phơi quần áo,… Sự định tĩnh đó là thoáng qua, không kéo dài lâu nhưng nó đang xuất hiện nhiều hơn thưa Thầy. Trong từng khoảnh khắc ấy, lòng con lại trào dâng sự xúc động, một sự tri ân sâu sắc đến Tam Bảo, đến các đức hạnh của Phật và càng thêm trân quý Pháp hành mà mình đang thực hành. Mỗi khi con thực hành Pháp, mỗi khi con thực hành chánh niệm là con thấy mình được sống và những tâm thiện của mình lại lớn dần hơn. Những trải nghiệm này cho con thấy rằng, thực sự có một lối đi sẽ mang lại sự bình an và tự do. Mặc dù sự định tĩnh này của con không vững chắc, còn mong manh nhưng nó đủ để cho con nhận ra sự khác biệt khi con có chánh niệm và không có chánh niệm. Con viết thư này để tri ân Thầy mà cũng một phần vì con muốn chia sẻ với Thầy về sự thay đổi này của con.
Sau khi nhận được thư Thầy vào hai tuần trước, đôi khi con thấy, con vẫn bị căng thẳng và bối rối với chính việc thực hành của mình. Những lúc ấy, con biết là mình đang căng thẳng nhưng không biết tại sao, chỉ biết tiếp tục quan sát cho đến khi rõ ràng hơn về nguyên nhân của sự căng thẳng đó. Cho tới khi, con nghĩ, có thể do tâm tham vẫn len lén thúc đẩy những ham muốn, mong cầu có lại được những trải nghiệm bình an như trên. Nhưng ngay cả khi phỏng đoán được nguyên do là như vậy, con cũng ko biết cách sửa chữa thế nào, làm gì với tâm tham ấy. Con lại nghĩ chắc mình đã thực hành sai ở đâu đó rồi nên con mở phần hướng dẫn lý thuyết trên trang web sutamphap.com. Con chọn bài “Thực hành đơn giản” để nghe lại. Con thấy bất ngờ vì bây giờ con lại hiểu bài Pháp theo kiểu khác. Sau khi nghe xong, con coi như từ trước tới giờ mình vẫn chưa biết gì, hoàn toàn thực hành lại từ đầu, chỉ bám đúng vào câu “Rà soát – Cảm nhận – Thả lỏng”, không làm bất cứ cái gì khác trong lúc ngồi thiền. Trước khi ngồi thiền, con nhắc mình “Rà soát – Cảm nhận – Thả lỏng”, khi suy nghĩ xuất hiện, con tự hỏi mình “nhiệm vụ của mình là gì?”, tự trả lời “Rà soát – Cảm nhận – Thả lỏng” rồi làm theo. Cứ như vậy cho tới khi hết thời thiền. Chỉ vậy thôi. Giai đoạn này, con có nhiều thời gian ở nhà một mình, nên phần lớn thời gian con dành cho thiền. Mặc dù khi hành thiền, vẫn có những trở ngại do chính các tâm tham, sân, si tự tạo ra nhưng con thấy mình được hỗ trợ khá lớn từ việc tránh phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên sự chú ý của con quay vào bên trong nhiều hơn.
Tuy nhiên, mỗi lần con không hành thiền chính thức, con lại phát hiện ra mình bị căng thẳng trong các hoạt động hàng ngày. Con cũng không biết tại sao lại vậy nên chỉ biết tiếp tục quan sát xem sao. Quan sát mãi nhưng con cũng không thể lần được nguyên do, xong lại thấy mình càng lúc càng căng thẳng, mất sức với việc quan sát này. Con nhận ra, hình như mình có vấn đề với việc chánh niệm. Sau khi con hơi mờ mờ nhận ra vấn đề, con lại mở mục thư Thầy trên trang web để xem lá thư “Chánh niệm khó quá”. Trong đó Thầy viết “Chánh niệm khó quá hả con?”, ngay khi đọc tới đó mà con tự gật đầu lia lịa, như sắp khóc đến nơi. Rồi con đọc tiếp, đọc đến đoạn thầy chỉ ra cho người học trò đó về việc … hướng sự chú ý chứ không phải cố cảm nhận. Đọc tới đây thôi mà con như bừng tỉnh, có gì đó như được kích hoạt trong con. Con có cảm giác như mình vừa được cứu sống. Con đóng ngay máy tính lại, không đọc tiếp nữa, chỉ chừng ấy đối với con cũng đủ để thực hành rồi. Con lấy đạo cụ ra ngồi thiền, và thử thực hành câu nói “chỉ cần hướng sự chú ý, ko cần cố cảm nhận”. Thời thiền đó là một thời thiền vô cùng thoải mái và dễ chịu với con. Kể từ lúc ấy, con bắt đầu thay đổi sự thực hành của mình “chỉ cần chú ý, ko cần cố cảm nhận” cả trong khi thực hành chính thức và trong cuộc sống hàng ngày. Sự căng thẳng của con dần dần cũng biến mất và tâm càng sẵn sàng để thực hành trong mọi nơi, mọi lúc hơn. Cho đến một hôm, khi ngồi thiền, con thấy mình như chẳng phải làm gì khi ngồi thiền nữa, chỉ cứ ngồi đó thôi. Bình thường con phải tự nhắc thầm mình “Rà soát, cảm nhận, thả lỏng” nhưng lần này, con thấy mình chưa nhắc, chỉ mới nhắm mắt vào là sự chú ý đã đưa đến nơi có cảm giác đang hiện ra rõ nhất. Khi sự chú ý đưa đến nơi đó, con cũng chưa nhắc mình thả lỏng, mà đã thấy vùng đó tự thả lỏng, sau khi vùng đó đã thả lỏng, con thấy tự động những cảm giác xung quanh vùng đó lại được cảm nhận rõ nét hơn. Qua thêm kinh nghiệm này, con hiểu hơn một chút về việc Thầy luôn nhắc học trò “thiền là sự nghỉ ngơi trong tỉnh thức”.
Hiện tại trong những thời thiền của mình, con sử dụng câu “Thoải mái – Thư giãn – Biết mình” nhiều hơn để kiểm tra trạng thái thân, tâm của mình, còn câu “Rà soát, cảm nhận, thả lỏng” con ít dùng hơn, chỉ dùng vào những lúc nhiều suy nghĩ quá, vì những công việc rà soát, cảm nhận, thả lỏng con thấy nó gần như đã trở thành tự động đối với tâm. Con cũng tranh thủ khoảng thời gian này do không bị gò bó vào thời gian biểu của công việc hay đi học nên con không đặt chuông trước khi ngồi thiền nữa. Con tự bảo với mình trước khi ngồi thiền là “bây giờ nghỉ ngơi, khi nào thấy hết mệt thì đứng lên”. Đây cũng là một thay đổi giúp giảm bớt cho con sự căng thẳng, tránh rơi vào tình trạng ép mình như Thầy dặn. Con luôn nhắc mình cảnh giác với tâm, “quan sát, quan sát, quan sát” tất cả những cử chỉ, hành động của mình vì chỉ một khi lơ là là con không còn biết được mình đang cảm thấy thế nào, tại sao lại đang làm việc đang làm nữa, hoặc bắt đầu từ khi nào mà mình dẫn đến sự mệt mỏi này. Con cũng nhận ra tâm vẫn hay có suy nghĩ “hôm nay chánh niệm nhiều rồi, giờ sẽ thưởng cho mình được ra ngoài đi chơi hoặc ăn kem hoặc xem phim…”.
Những sự kiện diễn ra khiến con thấy rằng, có rất nhiều điều con nghe từ Thầy, con đọc của Thầy, con hiểu trên lý thuyết nhưng chỉ tới khi biết cách áp dụng đúng thì mới thấy được những lợi ích của nó. Khi đã thấy được lợi ích rồi thì mới có thể tin và nhiệt tâm thực hành. Thực ra, đây cũng là một điều nữa Thầy đã nói với thiền sinh nhưng đến bây giờ con cũng mới hiểu thêm đôi chút.
Con định đợi đến cứ sau một tháng thì mới viết thư trình Pháp với Thầy vì con cũng hơi tự ti, sợ gửi nhiều thư quá và cũng sợ rằng mình đang chủ quan với những gì mình trải nghiệm. Nhưng con nghĩ lại rằng, chẳng nhẽ mình chỉ viết thư cho Thầy mỗi khi có vấn đề cần kêu ca thôi sao. Nên con quyết định, hôm nay con vẫn phải viết ngay cho Thầy để cảm ơn Thầy vì Thầy đã dạy cho con cách thực hành Pháp, chỉ dẫn con để con thấy những sai lầm của mình, giúp con trong những khoảnh khắc nào đó được cảm nhận những trạng thái tâm bình an và đơn giản. Và con cũng cảm thấy biết ơn đến Ban biên tập đã luôn cập nhật những lời dạy của Thầy lên website để hỗ trợ mọi người thực hành.
Mặc dù con đã có những kinh nghiệm tốt đẹp nhưng trong tương lai, con nghĩ mình vẫn sẽ phải tiếp tục gửi cho Thầy những lá thư về những trở ngại, phiền não và yếu kém của mình. Con kính mong Thầy sẽ luôn có sức khỏe và sự bình an để tiếp tục chỉ dẫn chúng con trên con đường tìm hiểu bản thân đầy gian nan này ạ!
Con,
PA
———-
Thầy:
Bài học quý ở đây là: thực sự thực hành + nghe pháp để đối chiếu.
Chúng ta chưa bao giờ hiểu đúng cả.
Chúng ta chưa bao giờ thực hành đúng cả.
Chúng ta chỉ đang tiệm cận dần đến cái đúng.
Vì vậy đừng chủ quan. Đừng coi nhẹ những hướng dẫn cơ bản. Thỉnh thoảng cần nghe lại và tìm ra lối thoát cho vấn đề của mình trong đó.