Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thiền & cuộc sống
Phương trình hạnh phúc 2

 

Sự Thật Tuyệt Đối Và Không Có Gì Ngoài Sự Thật

Bây giờ ta hãy quay trở lại với bảy điểm mù. Bạn có còn nhớ chàng thợ săn đã phản ứng như thế nào trước chuyển động của tán cây không? Bạn hãy so sánh điều đó với khung cảnh tương đối quen thuộc dưới đây nhé.

Khi bạn bước chân vào văn phòng và đặt đồ dùng cá nhân của mình xuống bàn, bạn tình cờ làm một chiếc bút chì rơi khỏi bàn và lăn trên sàn nhà. Điều này, tự thân nó, thật là nhỏ bé. Tuy nhiên, bộ não của bạn có thể sẽ nảy sinh ra một cuộc đối thoại như sau:

Mình mất cái bút chì rồi. Mình chẳng thể tìm thấy nó ở đâu cả (bộ lọc).

Mình rất thích cái bút chì ấy (cảm xúc). Mình không thể sống thiếu nó được (dự đoán).

Đấy là cái bút chì may mắn của mình (quy chụp). Chúng mình đã có với nhau rất nhiều những cuộc họp thành công (ký ức).

Mất đi cái bút chì ấy mình sẽ thất bại mất thôi. Mấy đứa con ở nhà sẽ chết đói mất (phóng đại).

Có kẻ nào đã ăn cắp nó (giả định). Hẳn là Emily rồi (giả định).

Con mụ này thật xấu xa (quy chụp).

Nếu mình để cho điều này xảy ra, mình sẽ là tấm thảm chùi chân của cả cái văn phòng này mất (giả định). Hôm nay là cái bút chì, ngày mai sẽ là công việc của mình thì sao (phóng đại).

Và khi bạn ngồi xuống để lên kế hoạch cho công cuộc trả thù, thì Emily đi qua chỗ bạn và nói rằng, “Này, anh vừa mới làm rơi cái bút chì.”

Tất cả chúng ta đều từng trải qua những tình huống như vậy. Bạn có bao giờ nhận thấy rằng mình từng phản ứng quá đà trước lời nhận xét của một người bạn, để rồi nhận ra rằng anh ấy không có ý như là điều bạn nghe được? Bạn đã bao giờ dự đoán về một tương lai đầy thảm họa mà không hề có cơ sở sự thật nào trong đó hay chưa?

Trong câu chuyện kể trên, đó chỉ là một cái bút chì thôi, đúng không? Nhưng những suy nghĩ trong đầu bạn lại khiến nó trở thành số phận bất hạnh của bạn. Nếu như những suy nghĩ của chúng ta có thể biến một sự kiện nhỏ xíu như con kiến ấy trở thành một bi kịch nghiêm trọng, thì có lẽ ta cần phải đưa ra câu hỏi hiển nhiên, mà hiếm khi được thực hiện, như sau:

Có bao nhiêu ý nghĩ trong đầu tôi là sự thật?

Không có nơi nào tốt hơn để trả lời câu hỏi này ngoài nơi nguyện hoàn toàn tìm kiếm sự thật: tòa án. Nhưng lần này ta sẽ không cho phép bộ não của bạn ở trong khu vực an toàn của nó và hành động như một vị luật sư bảo thủ hay bi quan nữa. Thay vào đó bộ não của bạn sẽ đóng vai người bị tình nghi. Còn bạn, sẽ đóng vai bồi thẩm đoàn có trách nhiệm tìm ra sự thật. Định nghĩa về sự thật trong phòng xử án, hãy nhớ rằng, là “sự thật, toàn bộ sự thật, và không có gì ngoài sự thật.”

Dựa theo định nghĩa này, tôi dám nói rằng không có một cuộc đối thoại bất tận nào trong đầu bạn “hoàn toàn” là thật cả. Vâng – không hề! “Đây là một nhận xét táo bạo, Mo ơi. Phải chứng minh đi chứ,” hẳn bạn sẽ nói vậy. Và tôi làm ngay đây.

Trước hết, tôi muốn mời một chuyên gia lên tòa để giải thích chi tiết về bảy điểm mù này.

Sự Chọn Lọc Một Cách Có Chủ Ý

Bức tranh mà ta nhìn thấy về thế giới luôn không hoàn thiện bởi vì bộ não của chúng ta bỏ sót các phần của sự thật nhằm tập trung vào những gì mà nó xem là cần ưu tiên. Những điều mà chúng ta nhận thấy chủ yếu là một sự chọn lọc có chủ ý, khiến cho ta chỉ tiếp cận được với một phần rất nhỏ của sự thật.

Thế giới này ném thông tin vào bạn vào mỗi giây mỗi ngày. Thông qua các giác quan của mình, bạn có được cái khả năng quan sát mọi biến số. Nhiệt độ ở trong phòng, cường độ ánh sáng, âm thanh dội đến từ xa, sự chuyển động của một con ruồi, những lời lẽ của một người bạn, và hàng triệu những kích thích khác. Hầu hết những thông tin này không liên quan tới mọi quyết định mà bạn buộc phải đưa ra ở bất kỳ thời điểm nào. Và năng lực trí óc của bạn, mặc dù vô song so với siêu máy tính lớn nhất mà chúng ta có thể tạo ra, vẫn chịu sự hạn chế nhất định. Kết quả là, bộ não của bạn tận dụng những nguồn lực của nó một cách thận trọng bằng việc lọc bỏ các chi tiết không liên quan tới hoàn cảnh hiện tại. Điều này cho phép nó tập trung vào những dữ liệu quan trọng cần thiết để đưa ra quyết định.

Khi bạn cố gắng sang đường, thị lực của bạn đưa ra các thông tin về những chiếc xe đang di chuyển cùng với vận tốc và hướng đi của chúng. Bộ não của bạn tính toán quãng đường mà bạn cần phải đi qua. Với một sự hiểu biết mang tính bản năng về lượng giác và động lực học, nó đánh giá về mọi điểm va chạm có thể xảy ra. Bộ não sẽ hướng dẫn đôi mắt của bạn tập trung và kiểm tra những chiếc đèn đỏ hay biển báo giao thông và tăng cường thính giác của bạn để phát hiện ra tiếng còi xe của bất kỳ người tài xế nào đang muốn cảnh báo bạn. Nó điều phối các cử động cơ bắp của bạn để nhìn sang trái rồi sang phải để phòng ngừa thêm – và rồi bạn quyết định bắt đầu bước sang đường.

Chúng ta thực hiện toàn bộ điều này trong một giây ngắn ngủi. Nhưng nếu như bạn cố gắng lập trình một hoạt động như vậy cho một con robot, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng đây là một việc rất khó khăn. Việc tránh những trở ngại đòi hỏi một sự tính toán không gian rất phức tạp cùng với sự điều khiển các cơ bắp ở trình độ cao. Điều này đòi hỏi rất nhiều năng lực xử lý. Và bởi vì ngay cả một lỗi nhỏ cũng có giá là cả mạng sống của bạn, bộ não của bạn đón nhận nhiệm vụ này vô cùng nghiêm túc và dành cho nó sự tập trung tuyệt đối. Vậy thì nó đã làm gì? Nó tiến hành sàng lọc.

Trong khi bạn sang đường, bạn không hề để ý tới các mùi hương xung quanh mình. Bạn chỉ nghe thấy tiếng còi xe nhưng lại không để ý đến những loại âm thanh khác, chẳng hạn như là tiếng chim hót trên tán cây nơi góc phố hay tiếng khóc của đứa bé ở phía sau mình. Nếu như chiếc xe đang đi tới với một vận tốc đủ nhanh để thu hút toàn bộ sự chú ý của bạn, thì ngay cả việc một cô nàng xinh đẹp với chiếc váy ngắn cũn cỡn hay là Brad Pitt xuất hiện ở phía bên kia đường cũng chẳng làm bạn bận tâm. Vâng, sự sàng lọc này có hiệu quả như vậy đấy.

 

Daniel Simons và Christopher Chabris đã tạo ra Thí nghiệm nhận thức chọn lọc (Selective Awareness Test) để chứng minh cách thức hoạt động của sự sàng lọc này. Họ yêu cầu những người tham gi thí nghiệm theo dõi một đoạn phim ngắn quay hai đội ngũ mặc áo phông màu trắng hoặc đen chuyền tay nhau quả bóng rổ. Những người tham gia được giao nhiệm vụ đếm số lần quả bóng được chyền trong đội áo trắng, mà rõ ràng không phải là một nhiệm vụ khó khăn gì. Tuy nhiên, bộ não của con người lại đón nhận nhiệm vụ này vô cùng nghiêm túc, và chúng tập trung vào đó như là bị quỷ ám vậy. Bạn hãy thử tự tiến hành thí nghiệm này trước khi đọc thêm; bạn có thể đơn giản tìm kiếm “thí nghiệm nhận thức chọn lọc” trên YouTube ấy.

Hầu hết những người tham gia đều nêu lên con số chính xác của số lần chuyền bóng. Nhưng khi được hỏi về con khỉ đột (Vâng, có một người đàn ông đã mặc bộ đồ khỉ đột và đi qua màn hình và vẫy tay trong phân nửa thời gian của cuốn phim), thì hơn một nửa số người phản ứng lại rằng “Con khỉ đột nào cơ?[1]”

Bạn cũng từng trải qua sự sàng lọc này khi đi vào rạp chiếu phim. Đầu tiên bạn sẽ chú ý đến những chiếc ghế còn trống, những người có mặt trong rạp, mùi bỏng ngô, và ánh đèn chói mắt nơi của thoát hiểm. Tuy nhiên, một khi bộ phim bắt đầu thu hút bạn, bạn sẽ loại bỏ tất cả những thứ không liên quan này và hoàn toàn đắm chìm vào bộ phim. Bạn trở nên không quan tâm đến môi trường xung quanh, và nếu bộ phim đủ hay, bạn còn chẳng chú ý tới thời gian nữa kìa.

Bộ lọc được sử dụng nhằm giảm thiểu sự đau đớn hoặc phản ứng cảm xúc của chúng ta khi mà những gì ta đối mặt vượt quá khả năng ứng phó của mình. Những đau đớn tột bực bị bỏ qua trong trường hợp bị gãy xương là một ví dụ, nhằm giúp cho bộ não tập trung vào việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong trường hợp mất đi người thân yêu, bước đầu tiên trong quá trình xử lý đau khổ vô cùng phổ biến là việc ta bắt đầu cự tuyệt, mà tự nó là một cơ chế được vận dụng bởi bộ não nhằm kiểm soát đau khổ bằng cách lọc bỏ sự kiện này và gạt bỏ sự mất mát như thể nó chưa từng xảy ra.

 

Khi ta đẩy sự sàng lọc này đến mức cực đoan, khả năng tập trung của ta sẽ chống lại chúng ta. Đôi khi ta bị ám ảnh về một việc khiến ta không hạnh phúc, và ta loại bỏ bất kỳ dấu hiệu tích cực nào có thể thay đổi lối suy nghĩ của mình. Khi làm như vậy, ta cho phép có thêm nhiều tín hiệu phù hợp với bộ lọc của mình và khẳng định lý do của ta trước việc trở nên đau khổ. Khi bạn loại bỏ sự thật, thì các đầu vào của bạn đối với Phương trình Hạnh phúc sẽ bị bóp méo. Bạn khổ sở, không phải bởi vì cuộc đời không mang đến cho bạn những điều mà bạn mong muốn mà bởi vì bạn thất bại trong việc nhận biết rằng cuộc đời thực ra đã mang những gì đến cho bạn.

Nếu như bạn làm phép toán ở đây và nhận ra thực chất bạn đã loại bỏ những gì, thì kết quả sẽ làm bạn phải ngạc nhiên đấy. Ở bất kỳ thời điểm nào những gì mà bạn loại bỏ đều nhiều hơn hẳn so với những gì mà bạn chấp nhận. Bạn hãy thử làm điều này xem. Bạn hãy đặt cuốn sách này xuống trong một phút và nhìn ra xung quanh. Hãy chú ý đến rất nhiều những chi tiết phức tạp mà bạn bỏ lỡ – loại bỏ – trong khi tập trung vào việc đọc những trang sách này. Bạn hãy đếm những điều mà bạn bắt đầu nhận ra, các màu sắc, các hương vị, những âm thanh mà bạn bỏ sót cho đến khi bạn hoàn toàn loại bỏ được bộ lọc của mình. Bây giờ bạn hãy đếm thật nhanh có bao nhiêu sự thật được thể hiện trong đó và bạn sẽ nhận ra điều đó là vì bộ lọc:

Hãy nhớ rằng: Câu chuyện mà bộ óc của bạn nói với bạn luôn luôn không hoàn chỉnh.

Giả Định

Để đưa ra quyết định, bộ não của chúng ta cần đến một loạt thông tin rõ ràng và dễ hiểu. Sau khi lọc ra phần lớn sự thật, bộ não sau đó sẽ đi đến việc giả định bất kỳ thông tin nào có vẻ như bị thiếu sót. Việc đọc một từ sai chính tả chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho cái khả năng này.

 

Sự giả định bóp méo sự thật ngay cả ở mức độ thể chất của nhận thức thị giác. Cụm từ mà tôi sử dụng ở đây, điểm mù, thường được sử dụng khi mà một người không thể nhìn thấy được một thứ gì đó quan trọng. Nhưng về mặt giải phẫu, điểm mù là một phần trong phạm vi thị giác mà bạn không thể nhìn thấy được bởi vì võng mạc của bạn thiếu những tế bào cần thiết tại nơi mà nó liên kết với dây thần kinh thị giác. Vì không có tế bào nhận biết ánh sáng, một phần của phạm vi tầm nhìn không được ghi nhận; bạn sẽ thấy đây là điểm đen không phải do khả năng thiết lập các giả định của não bạn. Bộ não tự ý thêm vào điểm mù dựa trên những thông tin và chi tiết về môi trường xung quanh được ghi nhận từ con mắt khác khi có thể, vì thế mà điểm mù được thay thế với một hình ảnh có tính tương tự. Dù bức tranh đưa ra có vẻ như thật hoàn hảo, thì nó hoàn toàn không thật, bởi vì một phần nào đó đã được sáng tạo ra bởi bộ não của bạn.

Việc cố gắng giả định những gì còn thiếu là hoàn toàn vô hại, có lẽ vậy, nhưng việc cố gắng thay đổi những gì bạn thực sự nhìn thấy nhằm ăn khớp với kỳ vọng của bản thân bộ não thì lại đi quá xa. Một thí nghiệm nổi tiếng của Edward Adelson đến từ MIT đã mô phỏng cái cách mà bộ não của chúng ta làm điều này dựa trên việc sử dụng hình ảnh một bàn cờ. Theo bạn ô (A) hay ô (B) có màu tối hơn? Câu trả lời thật hiển nhiên, đúng không? Ô (A) rõ ràng là tối màu hơn ô (B).

 

Nhưng đó là một câu trả lời sai! Bạn hãy nhìn vào cùng một bức hình đó nhưng ô vuông được nhắc đến bị làm mờ đi (bạn có thể tự làm điều này bằng cách che đi một phần bức hình). Vậy thì bây giờ ô vuông nào tối màu hơn đây? Khi bức hình được nhìn theo cách này bạn sẽ thấy được sự thật. Bóng của hình trụ làm tối đi ô vuông màu trắng (B) đủ để khớp với màu thực tế của ô vuông có đầy đủ ánh sáng (A). Nhưng dựa trên sự quen thuộc của chúng ta đối với bàn cờ, bộ não của ta lại giả định về màu mà ô vuông (B) “nên” là và sử dụng điều này như là kết quả của sự quan sát, trên thực tế, mà bạn có được.

 

Điều thú vị nhất về sự đánh lừa của bộ não này là dù cho bây giờ bạn đã biết sự thật – rằng cả hai ô vuông đều có cùng một màu – nếu như bạn nhìn lại một lần nữa vào tấm hình đầu tiên thì bộ não bướng bỉnh của bạn vẫn cứ đưa ra hình ảnh “giả định” không chân thực. Bạn cứ thử mà xem!

Bây giờ bạn hãy đem khái niệm về thị giác này áp dụng vào các ý nghĩ chung, và bạn sẽ nhận ra rằng chúng ta luôn đưa ra giả thuyết trong suốt cả ngày. Ta giả định rằng một người đàn ông sẽ mạnh mẽ hơn một người đàn bà, rằng tóc bạc thì khôn ngoan hơn, rằng sự giàu có đồng nghĩa với thành công, rằng màu da… Đừng bắt tôi phải nói ra hết tất cả những điều này. Chúng ta là nạn nhân của những giả định thiên lệch như thế này trong mọi thời điểm.

Và trong vòng tròn xã hội hiện đại, sự giả định này được nhân lên và bóp méo nhận thức của chúng ta về thực tế. Đây là một thế giới mà mối đe dọa về một con hổ không còn tồn tại nữa, mà là ở trong hình hài của những đồng nghiệp xấu tính, những người tình bội bạc, và những khủng hoảng kinh tế. Những sự kiện như vậy quá đỗi phức tạp đến mức nó vượt quá khả năng của một người trong việc nắm bắt các chi tiết vô tận và rối rắm để có thể thấu hiểu được chúng. Khi mà chúng ta điền vào chỗ trống của những kịch bản phức tạp ấy, các sự kiện biến đổi thành những câu chuyện được thêm thắt và biên tập phần lớn khỏi sự thật. Nếu như thực tế hiện lên trong đầu bạn là “Sếp của tôi không đạt được chỉ tiêu của quý vừa rồi,” thì bạn có thể sẽ giả định rằng cô ấy đang phải chịu sức ép và do đó cô ấy sẽ lo sợ rằng kết quả công việc của bạn sẽ khiến cô ấy bị thay thế. Điều này có thể sẽ dẫn bạn tới việc giả định rằng cô ấy sẽ để ý đến bạn, và vì thế mà bạn sẽ giả định, dù không có cơ sở nào hết cả, rằng cô ấy sẽ cố gắng khiến bạn thất bại. Kết luận là, bạn sẽ cho rằng sếp là kẻ thù của mình và hành xử tương tự.

Như một sự lựa chọn, nếu bạn giữ một thái độ lạc quan, bạn sẽ nhìn nhận cùng một thực tế, “Sếp của tôi không đạt được chỉ tiêu của quý vừa rồi,” và xây dựng nên một câu chuyện hoàn toàn khác. Bạn có thể giả định rằng nhóm của bạn cần phải đạt chỉ tiêu trong quý này, và vì thế mà bạn sẽ cho rằng sếp mình sẽ làm mọi điều mà cô ấy có thể để khiến bạn thành công. Tóm lại, bạn sẽ giả định rằng sếp là đồng minh của bạn và hành xử tương ứng.

Hai viễn cảnh, và cả hai đều không đúng sự thật. Chúng đều chỉ là hệ quả của những giả định cần phải được xác minh khi có thêm nhiều bằng chứng.

Hàng chục những tình huống tương tự như vậy vẫn xảy ra hàng ngày. Để có thể theo được chúng, bộ não của chúng ta đưa ra ngày càng nhiều và ngày càng chóng vánh những giả định – và rồi tiếp tục chú ý tới những điều khác. Điều này thường dẫn đến kết quả là những câu chuyện chứa đựng nhiều giả thiết hơn là thực tế.

Thật không may, bởi vì bộ não hay làm trầm trọng hóa vấn đề của chúng ta được thiết kế để ưu tiên cho sự tồn tại của ta, nó thường tạo ra những câu chuyện bi quan chỉ tổ khiến cho bạn cảm thấy buồn phiền và lo lắng. Nhưng hãy nhớ rằng, những câu chuyện ấy là không thật, bởi vì:

Hãy nhớ rằng: Một giả định thì chẳng là gì ngoài một câu chuyện được bịa ra bởi bộ não. Và nó hoàn toàn không có thật!

Dự Đoán

Bộ não của chúng ta đưa ra những giả định để lấp đầy các khoảng trống. Và khoảng trống lớn nhất ở đây là gì? Tương lai. Ta chẳng hề biết gì về những điều sắp tới. Tương lai rất có thể sẽ diễn ra theo hàng triệu cách khác nhau. Chẳng có gì về nó là có thể chắc chắn được cả, nhưng điều này sẽ không ngăn đầu óc của chúng ta dừng lại. Chúng cứ không biết xấu hổ mà lấp đầy khoảng trống.

Bộ não của chúng ta có thể liên kết hai hoặc nhiều hơn các điểm dữ kiện từ trong quá khứ và hiện tại để đưa ra một dạng xu hướng, và rồi lập kế hoạch giả định về viễn cảnh tương lai chỉ dựa trên phép ngoại suy. Ví dụ, nếu như người yêu của cô bạn thân nhất của bạn phản bội cô ấy, và cái anh chàng đẹp trai trong bộ phim truyền hình nọ phản bội người yêu của anh ta, thì bộ não của bạn có thể sẽ liên kết hai điểm này lại với nhau để đưa ra một xu thế có thế vẻ khả thi: rằng toàn bộ đàn ông đều là lũ phản bội. Rồi sau đó nó sẽ ngoại suy ra rằng bạn trai của bạn cũng sẽ sớm phản bội bạn thôi. Bộ máy dự đoán của bạn sau đó sẽ bắt đầu sáng tạo ra một câu chuyện: bạn nhớ về hồi tuần trước anh người yêu của bạn vừa mới nói “Xin chào” với cô nàng hàng xóm, cái kẻ mà từng tán tỉnh anh ta một lần vào năm ngoái. Đúng là phản bội rồi! Bạn có thể thấy rõ điều này sẽ dẫn tới đâu. Bạn xem sự dự đoán của mình là thật mà chẳng nghi ngờ gì, và bạn đoán mò về cái kết của câu chuyện. Câu chuyện này có chính xác hay không? Chẳng đúng tí nào cả – nhưng ít ra thì câu chuyện ấy cũng hoàn chỉnh. Và đó là khi mà nó càng trở nên thú vị.

 

Khi bạn đoán rằng người yêu sẽ lùa dối bạn, bạn bắt đầu hành xử như thể anh ta vốn đã là như vậy, và rồi anh ta có thể sẽ làm như vậy thật. Nếu điều này xảy ra, bạn sẽ nói rằng, “Thấy chưa? Tôi đã bảo là chuyện này sẽ xảy ra rồi mà. Tôi thắng rồi nhé, điều tôi dự đoán đã thành sự thật rồi!” Nhưng liệu đây là một dự đoán hay là một căn nguyên? Và đã bao lần nỗi sợ về tương lai của chúng ta góp phần tạo nên cái thực tế mà chúng ta sợ hãi? Ta chẳng thể nào biết được.

Tôi chỉ biết rằng:

Việc dự đoán một điều gì đó sẽ diễn ra thường sẽ tạo cơ hội cho điều đó xảy ra.

Chúng ta ngoại suy, dự báo, và tiên đoán vào mọi lúc, và vì dự báo của ta làm thay đổi hành vi của ta, nó thường đưa tới cho ta những điều mà ta từng tiên đoán. Điều này càng xảy ra thường xuyên, thì ta càng bắt đầu tin rằng dự đoán của ta chính là sự thật. Bộ não thông minh của bạn không còn xem những sự dự đoán như là một viễn cảnh tương lai khả thi mà có thể xảy ra hoặc không xảy ra nữa. Thay vì vậy, nó xem viễn cảnh tương lai như là một thực tế cần phải được xem xét trong sự đánh giá của bạn về những sự kiện hiện tại – và hi vọng của bạn về hạnh phúc bị quăng ra ngoài cửa sổ.

Nhưng sự thật lại là thế này:

Những tiên đoán của bạn không gì hơn là việc bộ não của bạn suy luận ra những khả năng về tương lai. Chúng chưa hề xảy ra. Chúng không phải là sự thật!

Ký Ức

Bộ não của chúng ta sau đó nhìn lại để pha trộn nhận thức của chúng về những sự kiện hiện tại với ký ức của mình trong quá khứ. Ví dụ như, ở trong công việc, ta cho rằng một việc gì đó sẽ không mang lại kết quả chỉ bởi vì ta ta đã thực hiện điều đó trước đây và thất bại. Những định kiến như vậy sẽ bỏ qua cái khả năng rằng hoàn cảnh của nỗ lực trước đó có thể không hề giống với hiện tại. Việc làm lu mờ hiện tại với ký ức về những khó khăn trong quá khứ dẫn tới những quyết định mà sẽ không hoàn toàn dựa trên thực tế về tình cảnh hiện tại.

Tất cả chúng ta đều thực hiện việc pha trộn này. Trong cuộc sống cá nhân, chúng ta thường tạo ra những ấn tượng về một người mà ta mới gặp lần đầu từ ký ức về một ai đó có bề ngoài tương tự. Ta pha trộn ký ức của mình với thực tế hiện tại để tạo ra một cái nhìn được gia tố thêm bởi những sắc màu trong quá khứ.

Nếu như bạn pha một xô nước tinh khiết với một giọt mực, thì chất lỏng thu được, dù màu sắc có nhạt nhòa đến nhường nào, cũng không còn là nước tinh khiết nữa. Ký ức của chúng ta cũng giống như là giọt mực vậy. Pha chúng vào thực tế hiện tại sẽ tạo ra một câu chuyện sinh động hơn, quen thuộc hơn, và giàu màu sắc hơn, nhưng lại là một câu chuyện không còn phản ánh chân thực sự thật nữa. Và đó là khi mà mọi việc chuyển xấu.

Nếu như bạn trộn lẫn một chất bị nhiễm bẩn mà không thể thấy rõ được – ví dụ như là virus chẳng hạn – vào một xô nước, thì nguy hiểm mà bạn phải đối mặt là có thể ngăn lại được. Nhưng nếu như bạn đổ xô nước đó vào nguồn nước chính, thì chắn chắn từng giọt nước trong nguồn nước đó đều sẽ bị ô nhiễm. Và, thật không may làm sao, đó là điều mà chúng ta thực hiện khi trộn lẫn những ký ức với thực tế hiện tại.

Chúng ta nhìn nhận kỷ niệm như là sự lưu trữ về những sự kiện trong quá khứ – về những điều đã xảy ra. Nhưng thực ra, kỷ niệm không là gì khác ngoài sự miêu tả về những điều mà ta cho là đã xảy ra. Và bởi vì những gì ta nghĩ luôn bị bóp méo bởi những điểm mù trong đầu mình, vì thế chúng thường không đúng. Chúng ta gia tố thêm cho những câu chuyện trong quá khứ, dù chúng có không chính xác, với thực tế thuần túy của những sự kiện trong hiện tại, để tạo ra một sự pha trộn đầy nguy hiểm và xem đó như là sự thật.

Có thể bạn và bạn gái lần đầu tiên đi tới một nơi chốn đẹp đẽ nào đó nhưng cuối cùng lại thành ra cãi nhau, vì vậy bạn sẽ ghi nhớ về chốn ấy như là một nơi đáng buồn. Và lần tới bạn đến đó, quan niệm của bạn về nơi này bị lây nhiễm bởi cái kỷ niệm kia và nhận định của bạn về nó là một định kiến về sự buồn bã. Đó chính là xô nước bị nhiễm bẩn của bạn. Và rồi sự việc trở nên tệ hơn. Bạn ghi lại trải nghiệm mới – như là một kỷ niệm buồn bã mới sẵn sàng được tái sử dụng trong câu chuyện tiếp theo. Hệ số sai lầm này của bạn được nhân lên với mỗi một sự lặp lại của cái vòng luẩn quẩn pha trộn giữa quá khứ với hiện tại ấy. Cái vòng lặp bất tận này tăng lên sự méo mó trong nhận thức của bạn và đẩy bạn ngày càng xa khỏi sự thật.

Đừng làm vấy bẩn sự nhận thức của bạn về những thực tế hiện tại.

Hãy nhớ rằng: Ký ức của bạn không có gì khác hơn một bản ghi về những gì mà bạn cho rằng đã diễn ra. Thường thì chúng không phải là sự thật!

Quy Chụp

Ký ức bóp méo sự thật với một loạt các sự kiện trong quá khứ. Sự quy chụp cũng đến từ quá khứ, nhưng lại mạnh mẽ hơn hẳn. Chúng đơn giản tồn tại dưới dạng một cái nhãn mà không hề gắn liền với ký ức về một sự kiện cụ thể. Bộ não của chúng ta đánh giá và dán nhãn cho mọi thứ, rồi nó biến kết quả của những phân tích như vậy thành những dòng mã ngắn bằng cách xóa bỏ đi bối cảnh và chi tiết. Chúng sử dụng những cái nhãn này để có thể đưa ra những quyết định nhanh chóng, nhưng khi làm vậy thứ mà chúng đánh đổi là sự chính xác.

Một người đàn ông Trung Đông với một bộ râu dài màu đen có thể ngay lập tức bị quy chụp là một kẻ khủng bố. Một ngày mưa xám xịt có thể bị quy chụp là sự đau khổ, một chiếc xe hơi hào nhoáng có thể bị quy chụp là vua tốc độ. Những cái nhãn như vậy là kết quả của những sự liên hệ được lặp đi lặp lại. Nếu như một người có vẻ bề ngoài tương tự với những gì mà bạn thường hay nhìn thấy trên các bản tin mà gắn liền với việc lặp đi lặp lại từ khủng bố, thì bộ não của bạn sẽ thoải mái liên kết hai điều này lại với nhau. Điều đó cho phép bộ não của bạn có thể hoạt động nhanh hơn nhiều. Nó không cần phải thực hiện lại toàn bộ quá trình phân tích và liên hệ nữa; thay vì vậy, với một sự tiếp cận nhanh chóng tới cơ sở dữ liệu, nó có thể đưa ra một quyết định chớp nhoáng dựa trên cái nhãn mác đã có sẵn.

Có thể lần tới khi ở chốn đông người bạn nên để mắt nhìn và để ý xem bạn đã đưa ra bao nhiêu đánh giá dưới dạng quy chụp. Cô ta thật thấp. Anh ta thật đáng sợ. Thứ đó quá chói. Cái kia quá đắt. Đúng là một cuộc mặc cả. Tất cả những điều này đều quy kết một việc gì đó hay một người nào đó vào một loại nào đó – khen ngợi hoặc chê bai – và chúng ngăn bạn khỏi việc nhìn kỹ hơn để quan sát sự thật trần trụi.

Việc quy kết là hoàn toàn bản năng và ngay cả loài khỉ cũng có thuộc tính này. Trong một thí nghiệm nổi tiếng, nhiều con khỉ được đưa vào một chiếc chuồng lớn với những nải chuối được treo trên đỉnh của một chiếc thang. Khi một con khỉ phát hiện ra nải chuối và bắt đầu trèo lên thang, các chuyên gia nghiên cứu sẽ phun nước lạnh vào người nó. Và rồi anh ta cũng phun nước lên người những con khỉ khác nữa. Con khỉ ở trên thang bò xuống, trong khi những con khác thì ngồi trên sàn, ướt, lạnh, và chẳng lấy làm vui vẻ gì. Tuy vậy, ngay sau đó sự hấp dẫn của nải chuối đã lấn át một con trong số đó và nó lại bắt đầu trèo lên thang. Và một lần nữa vị chuyên viên nghiên cứu này lại phun nước lạnh lên người lũ khỉ. Lũ khỉ không mất nhiều thời gian để nhận ra bài học; khi một con khỉ dũng cảm cố gắng tiếp cận với cái thang, những con khác sẽ nhanh chóng lôi nó xuống đánh cho nó một trận nhằm ngăn cản việc cả lũ bị phun nước. Lũ khỉ đã liên hệ hành động leo thang với một trải nghiệm khó chịu và tạo nên một cái nhãn mác. Ngay cả khi việc phun nước đã ngừng lại, chúng vẫn tránh việc chạm tới những nải chuối, bởi vì đối với chúng mà nói, sự liên hệ rất rõ ràng: cái thang = nước lạnh. Chúng đã bỏ lỡ những nải chuối bởi vì các nhãn mác vốn dĩ che đậy một phần thú vị của thực tại.

Sự quy chụp ngăn trở những phân tích xa hơn, mà khiến chúng ta bỏ lỡ hoàn cảnh. Khi việc leo thang có thể dẫn đến nước lạnh, thì việc tránh xa chiếc thang là hoàn toàn hợp lý, nhưng khi hoàn cảnh thay đổi, thì sự quy chụp này chỉ khiến cho lũ khỉ phải chịu đựng cơn đói không cần thiết.

Và chúng ta còn bỏ lỡ rất nhiều điều trong thực tế nữa bởi vì bối cảnh của các nhãn mác sẽ khác nhau tùy theo các nền văn hóa, độ tuổi, và cả triệu biến số khác. Ví dụ như, ở phương Tây, một người phụ nữ mảnh mai với làn da rám nắng có thể được xem là giàu có và sẽ được dán những cái nhãn tương tự như vậy. Những đặc điểm này có vẻ như chỉ ra rằng cô ấy có thời gian rảnh để mà quan tâm đến vóc dáng của mình và dành thời gian để sinh hoạt dưới ánh mặt trời. Ngược lại, nhiều nơi ở châu Phi, phụ nữ giàu có thường có cơ thể đầy đặn và làn da sáng màu hơn; bởi vì những đặc điểm ấy cho thấy họ có nhiều lương thực và không cần phải lao động dưới ánh mặt trời. Một người phụ nữ châu Phi gầy gò, da đen sẽ bị đánh giá là một kẻ nghèo.

Bất kỳ thứ gì ngăn cản khả năng của chúng ta trong việc tiếp cận với sự thực thì cũng sẽ ngăn cản khả năng của chúng ta trong việc giải phương trình hạnh phúc. Khi mà ta quy chụp, ta xóa bỏ những khả năng đa dạng của việc các sự kiện có thể thực sự diễn ra như thế nào thành một sự xấp xỉ tốt nhất – một sự đánh giá chóng vánh mà có thể không phản ánh đúng sự thật. Và bất kỳ khi nào ta sử dụng những đầu vào thiếu chính xác cho Phương Trình Hạnh Phúc của mình, ta sẽ thất bại trong việc giải nó và sẽ rơi vào tình trạng khổ sở. Bên cạnh đó, việc quy chụp còn lấy đi cả niềm vui được sống cuộc đời một cách trọn vẹn bởi vì ta diễn giải cuộc đời chỉ với một màu sắc và cái tên, trong khi, trên thực tế, thế giới này là một tập hợp vô tận của những sắc màu. Khi mà ta quy chụp, ta bỏ lỡ sự giàu có mà cuộc đời mang đến cho ta.

Tôi có thể hiểu rõ về sự quy chụp bởi vì đó luôn là điểm mù mà Ali chán ghét nhất. Trong bài viết luận xin vào trường đại học của mình thằng bé viết về việc làm thế nào mà, khi là một vị thành niên với một mái tóc cuốn lọn dài vô cùng sành điệu, thằng bé vẫn chịu cảnh giày vò khi đi lại giữa phương Đông và phương Tây. Ở phương Tây, thằng bé bị đánh giá bởi cái tên, chủng tộc, và tôn giáo của mình, trong khi ở phương Đông thằng bé lại bị đánh giá bởi quan điểm văn hóa không được chấp nhận của mình. Thằng bé viết rằng, “Làm thế nào mà mọi người lại có thể biết được sự thật về việc tôi là ai, nếu họ chỉ nhìn vào mái tóc và chủng tộc của tôi?” Dù vậy, sự quy chụp chưa bao giờ làm thay đổi thằng bé. Khi mười bốn tuổi, ông bố của cô bé mà thằng bé rất thích vào khi ấy cấm thằng bé chơi với con gái ông ta bởi vì nguồn gốc phương Đông của thằng bé. Vốn dĩ là người chân thật, thằng bé dừng hẳn việc gọi điện và nhắn tin cho cô bé kia hơn mười tám tháng trời, cho tới khi khiến cho cha cô bé nhận ra rằng ông ta đã quy chụp Ali ra sao. Rốt cuộc người cha thay đổi quan điểm và cho phép hai đứa được quen nhau. Ali vẫn luôn sống thật với chính mình bất kể thằng bé bị phán xét ra sao. Khi thằng bé ra đi, giáo viên văn học của thằng bé đã viết về nó như thế này: “chàng trai không bao giờ hối tiếc về việc tuân theo nhịp điệu của riêng mình.” Còn tôi thì nhớ về thằng bé như là một chàng trai đã dạy cho tôi biết nhìn nhận sự thật theo nhiều cách khác nhau, một trong số đó là:

Hãy nhớ rằng: Khi bỏ đi bối cảnh, sự quy chụp thường che lấp sự thật.

Cảm Xúc

Cảm xúc khiến cho chúng ta trở thành con người, nhưng khi ta trộn lẫn chúng với logic, chúng có thể làm lệch lạc sự đánh giá của ta. Trong khi hầu hết quyết định của chúng ta (một cách lý tưởng) đều được chi phối bởi logic, hầu như hành động của chúng ta thực ra đều bị chi phối bởi cảm xúc. Chúng ta làm việc chăm chỉ bởi vì tham vọng, tình yêu, và ham muốn. Chúng ta trốn tránh bởi vì sợ hãi hoặc e thẹn. Ngay cả những chính trị gia và các vị giám đốc điều hành có vẻ như là lạnh lùng đều có động cơ hành động là những cảm xúc như kiêu hãnh, lo lắng, và sợ hãi. Các cảm xúc của chúng ta luôn hiện hữu bởi vì chúng đại diện cho một phần thiết yếu trong cơ chế sinh tồn của chúng ta.

Nếu như con hổ khiến giống loài chúng ta sợ hãi trong thời thượng cổ có thực sự xuất hiện, thì một cảm xúc cực đoan – hoảng hốt – sẽ xâm chiếm lấy bạn. Bộ não của bạn ngay lập tức sẽ chuyển sang trạng thái cảnh giác, nhận ra rằng không có thời gian dành cho việc suy nghĩ vẩn vơ. Nó sẽ tạm dừng quy trình suy nghĩ thông thường của bạn lại và tập trung toàn bộ nguồn lực cơ thể bạn vào tình huống hiện tại. Chất adrenaline sẽ được bơm đầy trong cơ thể bạn – và đó là khi mà điều kỳ diệu xảy ra. Phóng to bức tranh lên ta sẽ thấy, bạn chạy ra khỏi nguy hiểm hoặc đột ngột lao vào con hổ để giết chết nó với một cú đâm đầy tự tin. Để có thể mở khóa những siêu năng lực như thế, cảm xúc cần phải làm chủ.

Ngày nay, dù không còn sự đe dọa về mặt thân thể nữa, bộ não hiện đại của chúng ta vẫn không cho phép chúng ta được nghỉ ngơi. Nó khiến ta phải bận rộn bằng cách gắn cảm xúc quanh các mối đe dọa tưởng tượng. Những sự kiện không xuất hiện trong tâm trí tổ tiên thời tiền sử của chúng ta giờ đây lại trở thành trung tâm của sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nếu như bạn hỏi người tiền sử rằng “thu nhập” của anh ta đến từ đâu, thì có lẽ anh ta sẽ trả lời đầy bối rối rằng, “Ngày mai, chúng tôi đi săn.” Và nếu như không săn được thứ gì thì sao? “Thì chúng tôi sẽ đi săn vào ngày kế tiếp.” Và điều gì sẽ xảy ra nếu như anh già đi và không còn săn bắn được nữa? “Bộ lạc sẽ đi săn.” Thế còn bảo hiểm y tế, ngân quỹ dành cho việc học của con cái, và kế hoạch hưu trí thì sao? “Cái gì cơ???”

So sánh lối sống hiện đại của chúng ta với quá khứ và bạn sẽ hiểu được rằng tại sao cuộc sống lại trở nên căng thẳng đến vậy. Dù có khắc nghiệt hơn, nhưng cuộc sống khi đó lại đơn giản hơn nhiều; đó là bởi vì cảm xúc của tổ tiên chúng ta hài hòa hơn với qui chuẩn của thế giới động vật. Loài linh dương, cũng giống như chúng ta, có thể trải nghiệm cảm xúc sợ hãi. Khi một con hổ trở thành một mối đe dọa sắp xảy ra, con linh dương sẽ nhanh chóng chuyển từ trạng thái bình thản sang hoảng loạn. Tim nó sẽ đập nhanh hơn và một phản ứng kỳ tích sẽ xảy ra: nó chạy nhanh như gió. Trong suốt cuộc rượt đuổi con linh dương sẽ chạy theo đường zic zac và nhảy vào hoặc ra khỏi các miệng hố, bỏ xa con hổ hùng mạnh. Một vài phút sau đó, nó thoát ra khỏi nguy hiểm, và rồi, cũng hoàn toàn đột ngột, nó quay trở lại với trạng thái bình thản lúc ban đầu và dừng lại để gặm cỏ như thể chẳng có gì xảy ra trước đó. Mặt khác, con hổ không hề lần lữa nếu con mồi của nó trốn thoát. Nó không tự buộc tội mình vì quá chậm trong lần ngoặt trái cuối cùng ấy, và nó sẽ không cảm thấy xấu hổ trước những con hổ khác. Một khi con mồi trốn thoát, con hổ cũng sẽ quay trở lại trạng thái bình thản của nó và lặng lẽ ngồi xuống, chẳng buồn bận tâm đến mấy con ruồi đang vo ve trước mặt. Thật mới ấn tượng làm sao!

Chúng ta những con người hiện đại thì hành xử khác hẳn. Chúng ta thường rơi vào một vài loại cảm xúc và, thường là, một số – đôi khi thật mâu thuẫn – trong cùng một thời điểm. Nhiều cảm xúc khiến ta ở trong tình trạng không hạnh phúc. Và chúng ta duy trì chúng – đôi khi là suốt cuộc đời – mặc dù ta thường chẳng mấy khi thừa nhận sức ảnh hưởng của chúng.

Cơn lũ cảm xúc của nhân loại làm dấy lên câu hỏi rằng liệu chúng ta có sáng suốt như là ta vẫn nghĩ hay không. Trong các đối thoại của Plato, Phaerus nói về lý do mà một mã phu cần kiềm chế cảm xúc giận dữ của lũ ngựa. Hình ảnh này phản ánh định hướng của phương Tây đối với sự không tin tưởng vào cảm xúc của chúng ta, góp phần xây dựng nên một nền văn hóa tôn thờ lý chí. Chúng ta được đào tạo, đặc biệt là trong các mối quan hệ công việc, cách ưu tiên cho logic, kìm nén cảm xúc của mình, và che giấu chúng khi chúng phát sinh. Điều mỉa mai nằm ở chỗ các cảm xúc của chúng ta vẫn hoàn toàn làm chủ chúng ta. Thực tế của việc che đậy chính là chúng ta thực hiện quyết định của mình dựa trên cảm xúc đầu tiên, và rồi sau đó ta mới thu thập thêm các dữ liệu nhằm củng cố cho cái quyết định kia. Nếu như mà bạn thực sự muốn mua một cái TV mới, thì bạn sẽ quyết định chỉ trong vòng vài giây rằng đó là một cuộc mua bán có lợi, và rồi bạn bắt đầu tìm kiếm lý do để biện hộ cho điều đó. Khi mà bạn nhìn vào mặt tốt đẹp của cuộc mua bán này, bạn sẽ có khuynh hướng xem nhẹ những điểm trừ và do đó cuối cùng bạn sẽ về nhà với chiếc TV trong tay. Điều ngược lại cũng đúng nữa. Nếu như bạn tham gia vào một đảng phái chính trị nào đó, bạn sẽ quyết định việc không ưa nổi bài phát biểu của ứng cử viên đến từ đảng đối lập thậm chí ngay cả trước khi bà ấy thực sự bước lên sân khấu. Vì vậy, khi mà bà ấy bước lên bục diễn thuyết, bạn sẽ thu thập chứng cứ rằng tại sao đó lại là một bài phát biểu tồi. Khi mà bạn cân nhắc tới tất cả những điều này, bạn sẽ nhận ra rằng con ngựa của Plato hoàn toàn nắm quyền kiểm soát. Có lẽ đã đến lúc nhìn nhận sự thật đơn giản này để bạn có thể buộc lũ ngựa đưa bạn tới bất cứ nơi nào mình muốn.

Hãy nhớ rằng: Chúng ta không hề có lý như là mình vẫn nghĩ. Quan điểm của chúng ta về sự thật thường bị bóp méo bởi những cảm xúc phi lý của chúng ta.

Nguồn: tamlyhoctoipham.com



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved