Con chào Thầy ạ,
Thầy ơi, Thầy vẫn khỏe chứ ạ? Dạo này tuy ko có khóa thiền để con đc học trực tiếp từ Thầy, nhưng bù lại con đc đọc thêm nhiều thư trình pháp trên website mà nhờ đó con tìm thấy đc giải thích cho các vấn đề mà con cũng đang vướng phải trong quá trình thực hành.
Nhưng phải nhờ tới các “cuộc khủng hoảng” trong c/sống mà con đang trải nghiệm hiện nay thì mới giúp con thấy được “chân tướng” mình lộ rõ: con chưa có khả năng xử lý hiệu quả các phản ứng của tâm. Như thế này Thầy ạ:
Chỉ nhờ lực trì ko nghe theo tâm xui khiến mà con gom góp đc qua mấy tháng thực hành mới giúp con ngăn đc việc thốt ra thành lời hay thể hiện phản ứng ra mặt, nhưng trong tâm thì vẫn cháy bừng bừng. Lúc đó con cố gắng để vừa theo mạch câu chuyện, vừa quay về q/sát phản ứng trên thân. K/quả là con thấy mệt hơn hẳn. Qua đó con cũng thấy rõ sự nguy hiểm khi để mình vướng vào các điều kiện có thể thúc đẩy cái tính sân bên trong con sanh khởi lên. Những phản ứng như vậy trước đây con ko hề thấy có với bạn.
Con băn khoăn liệu có phải do mình trước đây ko có khả năng nhận ra phiền não, hay là con đang trở nên khó tính hơn? Con tìm hiểu và cho rằng động cơ sâu xa là do tâm ngã mạn trong con. Khi con q/sát bản thân mình đc nhiều hơn theo chỉ dẫn của Thầy, con cũng hiểu rõ hơn về cái trend “personal development” mà rất nhiều người đang cổ vũ hiện nay: hời hợt và đầy chất thương mại. Như vậy từ tâm ngã mạn đã kích khởi tâm sân của con trước những thông tin đó. Chúng chằng chịt với nhau quá, và con phải mất rất nhiều t/g suy xét kỹ lưỡng sự việc để lần ngược lại.
Thưa Thầy, việc thực hành đang mang lại rất nhiều lợi ích cho con, nhưng rõ ràng con cũng đang bị rơi vào cái bẫy ngã mạn. Con nhớ lời Thầy dạy nên có thái độ “nó ko phải là mình”, nhưng con vẫn thấy hơi lo lắng với điều đó.
Như vậy con thấy việc niệm chết có vẻ có tác dụng vẫn khá nông với con. Thưa Thầy, phải chăng là do con chưa s/nghĩ đủ sâu sắc về nó? Và con cần dành thêm t/g cho niệm chết?
Con đã xác định với bản thân quá trình thực hành này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Và con có may mắn rất lớn khi được Thầy chỉ dẫn. Con đem hết lòng thành kính tri ân Thầy!
Con kính mong Thầy luôn mạnh khỏe và bình an!
Con vẫn viết nhật ký thiền hàng ngày và xin được gửi Thầy.
Kính xin Thầy hãy chỉ dẫn thêm giúp con với ạ!
________________________
Con thân mến,
Khi thực hành chánh niệm rồi tiếp xúc với cuộc sống thực tế con sẽ phát hiện nhiều góc khuất trong tâm, nhiều thứ xấu xí mà trước kia mình không biết hoặc cố tình không thấy. Đó là chuyện bình thường, nó chẳng có gì khác thường hay phải lo lắng, băn khoăn cả. Tiến trình đầu tiên là phải thấy được những góc khuất xấu xí đó. Thứ hai là học cách chấp nhận nó, không xua đuổi, không trốn tránh hay tìm cách thay đổi. Thứ ba mới là sửa chữa, uốn nắn các lối mòn suy nghĩ, định kiến, cách nhận thức…khi nó quá mức và ảnh hưởng đến cuộc sống và sự tu tập của mình. Thứ 4 là khi chánh niệm mạnh hơn và các loại phiền não này giảm đến mức độ vừa phải để quan sát, không còn làm nhiễu loạn tâm quá mức thì nghiêng nhiều hơn về phần quan sát, tìm hiểu và điều chỉnh thái độ đúng với chúng – để nó tự nhiên và chỉ quan sát một cách bình thản, không can thiệp, không tìm cách thay đổi, không tự đồng hóa mình với nó. Tự nó sẽ bị bào mòn dần đi trong quá trình ấy.
Bây giờ con mới bắt đầu thực hiện ở những bước thứ nhất, thứ hai và phần nào tập thực hành bước thứ ba. Sau này, khi chánh niệm của con đã khá tốt và ổn định, sâu sắc hơn, thì tâm sẽ được thanh lọc mạnh mẽ và triệt để hơn ở bước thứ 4. Khi ấy các loại phiền não tiềm ẩn trong vô thức sẽ bắt đầu trồi lên khi con hành thiền. Đó là dấu hiệu tốt, phiền não ra khỏi tâm tức là nó sẽ không còn bí mật chi phối cuộc sống của mình từ trong vô thức nữa. Con quỷ lộ ra ngoài ánh sáng sẽ bớt đáng sợ hơn con quỷ đang săn đuổi mình từ trong bóng tối.
Ở bước thanh lọc thứ 4, lúc hành thiền, sau khi đã tương đối tĩnh lặng và sự ghi nhận tự nhiên không còn cố sức nữa, những mảnh vỡ ký ức, cảm xúc hoặc suy nghĩ, có khi từ rất lâu trước kia, sẽ trồi lên từ sâu trong vô thức. Hoặc đôi khi là trong các giấc mơ của một giấc ngủ chánh niệm. Nó có thể là các loại phiền não từ xa xưa, các loại cảm xúc tưởng chừng đã quên, hoặc ở mức độ vi tế hơn là những đầu mẩu (bits and ends) hình ảnh, cảm xúc không đầu không đuôi, ngẫu nhiên, vụn vặt (nhưng không phải là các dòng suy nghĩ lan man hầu như lúc nào cũng có trong đầu, sự phân biệt này rất vi tế. Chỉ khi tâm đã tĩnh lặng và chánh niệm sâu sắc, không còn bị 5 loại chướng ngại (triền cái) chi phối nữa thì các mảnh vỡ trong vô thức này mới trồi lên để đi ra). Lúc đó thì hãy mặc kệ nó, cứ để nó trồi ra tự nhiên và đi mất. Đừng can thiệp. Luôn kiểm tra thái độ mình có đúng không, hãy chấp nhận nó hoàn toàn và đừng đồng hóa mình với phiền não cũ, không can thiệp, bình thản nhìn nó đi ra. Ra hết thì tâm lại tự động quay lại các cảm giác trên thân, hoặc tâm có thể biết cả hai – và tốt nhất là như thế: các cảm giác đang có trên thân, độc lập với các đầu mẩu trong tâm. Quá trình này lặp đi lặp lại, càng ngày tâm sẽ càng được thanh lọc, nhẹ nhàng và trong sáng hơn.
Ví dụ như một đoạn trình pháp của 1 bạn thiền sinh như sau: “Gần đây con hành Thiền hay có trải nghiệm chu kỳ lặp lại như vầy: khoảng 15 phút đầu rất thư giãn, thoải mái. Sau đó thì một vài chuyện không vui trong quá khứ sẽ xuất hiện và xen vào, phần lớn trong con sẽ bị chuyện quá khứ đó chi phối, phân tâm, một phần nhỏ thì vẫn quán sát cơ thể. Bất chợt khoảng 10 phút sau thì phần nhỏ quán sát đó nó kéo các phần kia trở về. Kiểu như thình lình con chợt nhận ra sao cơ thể mình lại gồng lên, và co rúm lại, sao mặt mình lại căng thẳng và nhíu mày… rồi thế là con lại quay lại thư giãn và rà soát gương mặt, thư giãn tay, chân, … rồi con xả Thiền. Những chuyện không vui trong năm trước, con cứ nghĩ là nó qua rồi, nhưng có vẻ như nó chỉ chìm xuống tầng đáy của tâm thức, nên thỉnh thoảng nó lại trồi lên lại. Khi đối diện với nó, hay các cảm xúc tiêu cực, con không nghĩ nó là tiêu cực, là xấu nữa, con cũng không xua nó đi, con nhớ lời Thầy dạy và con chỉ quan sát nó một cách độc lập.”
Nếu sau này con thấy mình như thế thì đừng hoảng, hãy làm quen với tiến trình đó. Có thể bây giờ thỉnh thoảng cũng bắt đầu manh nha diễn ra rồi. Đừng lo lắng, cứ tiếp tục thực hành. Bình thản với mọi thay đổi đang diễn ra. Nhưng nhớ là không đọc rồi tự áp dụng, cần trình pháp với thầy. Ngay cả khi ấy, thầy và bản thân trò cũng cần quan sát và thử nghiệm trong thực tế thực hành nhiều hơn nữa, dựa vào các feedbacks để đánh giá đúng hơn và có bước đi đúng tiếp theo. Thực hành tiếp thế nào cần thầy chỉ dạy và làm đúng hướng dẫn. Mọi người thường không tự đánh giá được pháp hành của mình đâu, và nếu đọc rồi áp dụng không đúng lúc, không đúng chỗ, không những không hiệu quả mà còn nguy hiểm. Pháp hành không phải chuyện đơn giản.
Việc niệm chết phải thực hành đều đặn, tự nhắc mình hàng ngày, hôm nay là ngày cuối cùng. Hãy làm như thật. Hoặc chỉ đi từ đây đến ngã tư kia mình sẽ chết, điều gì là quan trọng nhất bây giờ, mình muốn chết với cái tâm như thế nào, mấy phút sau cùng này sống thật ý nghĩa và trọn vẹn đi nào. Nếu được sống tiếp, mình muốn sống quãng đời còn lại của mình như thế nào, cái gì mới là điều mình thực sự muốn làm nhất trong đời. Con phải thực sự tin vào điều đó và làm như thật chứ đừng như đóng kịch. Cần rèn luyện nhiều để nó thành như thực con ạ.
Một điều nữa thầy nhận thấy ở con là hay tự đánh giá về mình quá mức. Hãy nhận diện ra góc khuất này và thực hiện bước thứ 2 và 3: chấp nhận sự có mặt của thói quen này để sẵn lòng nhìn nó và sửa chữa, uốn nắn, không tự đánh giá, phán xét mình nữa. Quan sát để hiểu mình khác với tự đánh giá phán xét bản thân. Một đằng là dùng chánh niệm, một đằng dùng suy nghĩ. Khi con nghĩ về cái áo chẳng hạn, hình ảnh về nó hoàn toàn khác với khi con nhìn cái áo thực sự trước mặt con.
Không mong cầu kết quả trong khi thực hành. Việc cần làm thì cần mẫn làm mỗi ngày. Đừng gây sự với cuộc đời – stop making trouble with your own life. Mọi thứ đang diễn ra đều ok, đều chấp nhận được hết và bình thản với nó. Chú ý nhận diện ra thói quen tự đánh giá về bản thân trong cuộc sống hàng ngày con nhé. Nhận diện ra những góc khuất và tập chấp nhận và quan sát nó, tôn trọng sự tồn tại của nó nên là trọng điểm tu tập của con hiện nay con ạ.
Nếu việc ghi nhật ký làm con mất thời gian và không thích nữa thì không cần ghi. Thỉnh thoảng tóm tắt lại việc thực hành để trình thầy cùng những vấn đề mình đang gặp phải thôi.
Nhớ đừng để bị ảnh hưởng từ bên ngoài trong thời gian dịch bệnh. Tận dụng cơ hội này cho tốt. Mùa dịch này là dịp rất quý để con quan sát chính mình và mọi người và sẽ thấy ra rất nhiều điều. Thấy ra sự thật là cuộc sống này dễ bị tổn thương ra sao, thấy bản chất không chắc chắn của cuộc đời, thấy sự yếu ớt và mất phương hướng của mọi người, thấy sự hoảng loạn và cách mọi người làm mồi cho phiền não như thế nào.. Dịch bệnh là cơ hội hiếm có để các góc khuất trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, các giá trị sống…lộ diện ra. Nó có thể gây ra khủng hoảng, và rồi mọi thứ sẽ phải trải qua quá trình tự điều chỉnh, một số thứ sẽ tan vỡ, một số thứ được làm mới… Cuộc sống sẽ không còn như cũ nữa. Quan sát bên trong sẽ giúp con mạnh mẽ hơn và tin tưởng hơn vào điểm tựa chính đáng ở bên trong mình. Đây là cơ hội để con độc cư, chánh niệm liên tục, nhận diện các góc khuất, tự điều chỉnh và trưởng thành. Đừng bỏ phí con nhé.
Tất cả mọi thứ trong cuộc sống của con đều là những phương tiện để sử dụng, để giúp con hiểu bản thân, để học hỏi, rèn luyện và trưởng thành. Hãy sử dụng cho khéo, cho hiệu quả. Mình có nhiều lắm, nhưng cứ bị cái “thích” hay “không thích” của bản thân làm nhiễu loạn và không sử dụng được đó thôi. Cây gỗ to thẳng thì để làm cột nhà, gỗ nhỏ làm bàn ghế, gỗ vụn hơn nữa thì làm củi đun, chẳng vứt đi cái gì cả. Người khéo tu là người biết sử dụng hiệu quả mọi phương tiện, chứ không phải là biến phương tiện thành mục đích để tham đắm, dính mắc hay đấu tranh, chống đối.
Hãy thể nghiệm và khám phá dần và học cách sử dụng cuộc sống của con cho khéo con nhé.
Thầy chúc con ngày mới bình an và chánh niệm thật nhiều
Với tâm từ của thầy