Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Giai đoạn tu tập khó khăn

Thầy ơi,

Con muốn viết thư chia sẻ với Thầy về quá trình tu tập gần đây của con với Thầy. Có những cái con phân vân xin Thầy lắng nghe và chỉ bảo cho con.

Suốt hơn 1 tháng qua do yêu cầu công việc, con di chuyển khá nhiều từ nơi này sang nơi khác. Không cố định ở 1 nơi, môi trường xung quanh thay đổi liên tục và ở cạnh người khác nhiều, con cố gắng tận dụng những lúc có thể để thực hành, lúc ngồi chờ, lúc mới thức dậy, lúc ăn uống, đi lại. Không ở nhà ở nơi quen thuộc nên phải tranh thủ tìm chỗ để thực hành, ngoài đồng ruộng sáng sớm lúc chưa bắt tay vô việc, lúc đi bộ đi ăn. Con cố gắng không quên, không quên thực hành Pháp. Con rất sợ bị cuốn trôi bởi thế gian. Cũng không còn ham thích sự xa hoa gì nữa, đôi khi người đi cùng với con cũng phát chán vì thấy con chẳng thích “làm” gì cả, cứ đi qua đi lại một chỗ hay ngồi im.

Sau một giai đoạn khó khăn bị phản ứng lúc mới tu, qua một giai đoạn rất êm xuôi thuận duyên, gần đây thì con lại nhận rất nhiều chỉ trích manh mẽ vì những điểm sau đây. Con nhận ra đó cũng là những nét tính cách từ nhỏ mà mình ko để ý bây giờ nó ngày càng mạnh hơn:

 -Con thường ra quyết định nhanh và đột ngột, thay đổi bất ngờ và liên tục. Người khác feedback khi làm với con cảm thấy quyết định ko phải là A hay B mà là A A B B C D rồi cuối cùng đột ngột chọn E. Và khi chọn là lúc ko ai can thiệp được nữa. Con cũng thấy đúng vậy, các quyết định thay đổi rộng và rất khó lường

 -Con thường nói Không ngay lập tức mà ko giải thích kể cả khi người khác hỏi lý do. Con chỉ bảo ko có lý do gì đặc biệt chỉ là Không thôi. Điều này gây phản ứng với người thân nhất với con rất mạnh, người khác bảo là ai từ chối cũng đưa ra lý do hợp lý hoặc nói không từ từ, tại sao lại có người nói Không mà chẳng đưa lý do tỉnh bơ như vậy.

 -Con hay chọn lựa vì lợi ích của chính mình trên hết. Con nhận đc nhận xét mình ích kỷ. Hồi nhỏ con cũng bị như thế nhiều. Con cũng thấy người ta nói đúng, vậy mà con vẫn ưu tiên chọn cái tốt nhất cho mình, tất nhiên nó ảnh hưởng tới điều người khác mong đợi. 

-Con có phải là một người cực đoan không nhỉ? Với con thì con thấy bình thường nhưng ít người chịu chấp nhận sự bình thường đó. Con cũng không cảm thấy nó có gì gây hại cho ai cả. Người thân của con luôn sợ con lập dị, và nói cảm thấy xấu hổ khi đi cùng với con, lúc nào cũng chậm chập, hậu đậu, ngờ nghệch. Con chẳng cần nhanh, nhưng việc mình không “care” đến người khác cảm thấy như thế nào làm cho người thân nói rằng họ cảm thấy rất tổn thương khi ở bên cạnh con, không bao giờ được con say yes dễ dàng.

Con nghe bài “xử lý khủng hoảng” con hiểu mình sẽ còn sống chung với phiền não trong mình và những người xung quanh dài lâu. Mình chỉ có thể học cách chấp nhận những gì không thể thay đổi và thay đổi những gì có thể thay đổi được, nhưng con chưa có đủ trí tuệ để phân biệt được cái gì là chấp nhận và cái gì là thay đổi.

Rất nhiều lúc con cảm thấy rất tách biệt khỏi tất cả mọi người, rất đơn độc thưa Thầy.

Có lúc tưởng tượng hôm nay là ngày cuối của cuộc đời, con chẳng gần gặp cha mẹ, chẳng cần gặp người yêu, con chỉ không thể sống thiếu Pháp. Đó là điểm nương tựa sâu thẳm trong con.

Con mong Thầy nhiều sức khoẻ và có tâm từ chỉ dẫn cho con trong giai đoạn này.

Con 


Con thân mến!

Thầy rất hiểu con bây giờ, con cũng giống như thầy ngày xưa.

Tu là đi ngược dòng đời con ạ. Đã ngược dòng thì tất nhiên là không giống người và sẽ bị nhiều người chỉ trích. Đó là 1 phần của cuộc sống. Dont take it seriously!

Con đã tìm hiểu khá kỹ về tính cách của mình và tính cách ấy càng tu càng mạnh, chứng tỏ nó không phải là cái gì xấu cần loại bỏ. Nó là cái thuận tự nhiên nhất với con (mặc dù với mọi người, với công việc thì đó là “xấu”. But who care? Con phải chấp nhận chính mình).

Bất cứ quyết định nào cũng phải cân nhắc đến lợi ích của mình đầu tiên. Đó là cách sống của người trí tuệ. Đó cũng là điều Đức Phật dạy. Ngài nói chỉ có người biết được lợi ích của mình mới chuyên tâm làm lợi mình. Đức Phật cũng nói nguyên tắc để mình quyết định mọi việc: chỉ việc nào lợi mình, không hại người mới nên làm. Còn bất cứ việc nào hại mình thì dù lợi người bao nhiêu cũng không làm. Hại cả cho mình và người  lại càng không.

Cân nhắc đầu tiên bao giờ cũng là có lợi cho mình hay không. Người bình thường không có thước đo ấy, nên họ hay lấy ánh mắt của người khác để quyết định. Họ sợ dư luận, sợ làm người thân của mình buồn, sợ mang tiếng ích kỷ, vì vậy họ gánh quá nhiều áp lực và phiền não, ép mình làm nhiều việc mà thực sự không muốn làm. Họ không sống cho bản thân mình, và đến một ngày nhìn lại, họ cũng không biết mình sống cho cái gì nữa. Lúc đó mới thật là đáng sợ!

Người có trí tuệ hiểu rằng: Bất cứ việc gì vô ích, việc đó là có hại. Người tu hành cần cắt bớt những việc vô ích, dù rằng việc đó được người khác ngợi ca, làm người thân mình “tạm thời” hài lòng (bởi rất nhanh thôi họ sẽ lại muốn mình làm việc khác nữa theo ý họ) … nhưng nếu là vô ích thì nhất định không làm. Những việc số đông người ca ngợi thường là những việc họ chẳng bao giờ làm, nhưng lại muốn người khác làm.

Hơn nữa, khái niệm “có lợi” của mình khác người đời. Nó rộng hơn và sâu sắc hơn nhiều. Cân nhắc đến mọi ảnh hưởng của việc đó đến mình, đến tâm mình, đến những rắc rối và nhân quả tiếp theo có thể có sau này, đến thời gian, sức khỏe, năng lượng của mình, đến những cơ hội của mình, đến mục đích cuộc đời mình đang hướng tới… rất nhiều thứ mà người bình thường không nghĩ đến. Càng hiểu rõ tâm mình, chúng ta càng thấy rõ tác hại của những việc vô ích và càng cương quyết không làm việc vô ích. Cách nghĩ của người khác ngày càng ít quan trọng hơn đối với mình. 

Nên nhớ: con không có trách nhiệm đáp ứng mong muốn của người khác về mình. Mọi người phải tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Họ thất vọng về mình thì đó cũng là vấn đề của họ, không phải vấn đề của con. Con không có trách nhiệm gì trong chuyện đó. Nhưng chớ nên giải thích kiểu đó với mọi người, họ sẽ bị tổn thương và cho là mình lập dị hoặc ích kỷ. Họ không hiểu được điều đó. 

Người trí có suy nghĩ riêng và rất độc lập trong việc nhìn nhận vấn đề. Độc lập là thứ mà hầu hết mọi người khác không thích. Họ đều muốn, từ trong vô thức, người khác phụ thuộc vào mình. Con người đều tìm kiếm những mối quan hệ lệ thuộc lẫn nhau(co-dependent). Họ nghĩ càng không thể thiếu được nhau thì mối quan hệ đó càng sâu sắc và bền lâu. Vì vậy, họ sợ và cảm thấy bị tổn thương khi người thân không “cần” mình nữa. Họ thấy họ không có vai trò, không có ảnh hưởng gì trong cuộc đời mình… và theo họ như thế nghĩa là mối quan hệ không có ý nghĩa tồn tại nữa. Hãy hiểu cho họ con ạ. Mình ngày càng độc lập hơn, càng tránh xa mô thức co-dependent (lệ thuộc lẫn nhau) trong các mối quan hệ, để bảo vệ mình khỏi phiền não, khỏi cộng nghiệp, hướng tới sự tự do đích thực, nhưng hãy chú ý xem các biểu hiện của mình làm tổn thương người khác như thế nào. Cách sống và con đường của mình chắc chắn không thay đổi, nhưng con không cần phải thể hiện điều đó cho người khác thấy. Không cần phải cố để làm cho người khác hiểu mình. Cũng không cần phải phản ứng khi họ coi con là đối tác trong mối quan hệ co-dependent mà họ đang cố thiết lập và củng cố. Chỉ đơn giản lắng nghe và mỉm cười, không khuyến khích hay đáp ứng, nhưng nhất định không cả nể. Trong trường hợp cần thiết, hãy nói rõ giới hạn với họ, xác định khung quan hệ rõ ràng, ngăn chặn từ đầu mọi xu hướng phát triển mà mình không mong muốn. Có thể họ sẽ buồn hay bất mãn, nhưng chẳng sao, chẳng là gì cả so với những rắc rối nhức đầu sau này. Càng trì hoãn thì sẽ càng khó nói “không”, và như vậy sự tổn thương sau này gây ra cho cả hai bên càng lớn khi đến lúc con buộc phải nói “không”. 

Hãy điều chỉnh các phản ứng, thái độ, lời nói của mình “mềm” hơn trong phạm vi có thể. Đừng cố giải thích, đừng cố để cho người khác hiểu mình và tôn trọng cá tính đó của mình. Càng làm vậy càng rắc rối. Chúng ta thường cố gắng làm cho người thân hiểu và chấp nhận mình, nhưng đôi khi càng làm thế, họ lại càng cảm thấy bị tổn thương. Họ không hiểu thì làm sao họ  chấp nhận được. Hãy cho họ thời gian, hãy kiên nhẫn với họ, hiểu và thông cảm với sự phản ứng của họ. Tôn trọng sự phản ứng ấy, đừng bắt họ phải thay đổi, phải hiểu mình… dần dần họ sẽ phải học cách chấp nhận mình. Có thể họ sẽ không hết bất mãn và ý định thay đổi mình, nhưng chỉ cần bớt gây rắc rối  cho mình là được. Nhưng mà như thế mối quan hệ sẽ không thể “sâu sắc và gần gũi ” như xưa nữa. Biết làm sao được bây giờ, chúng ta không thể có cả 2 thứ cùng 1 lúc. 

Vì vậy, người tu tập có lúc cảm thấy khó hoà hợp với người đời (trong 1 giai đoạn nào đó khi chúng ta chưa thực sự trưởng thành). Người tu hành luôn tránh đưa các mối quan hệ trở thành thân thiết, sâu sắc, hay gần gũi, chia sẻ… vì điều đó là không thể. Một mối quan hệ thực sự tốt đẹp và bền vững đòi hỏi cả hai người đều phải thật sự tự do và độc lập. Những mối quan hệ ấy thật hiếm. Luôn luôn có một bên không muốn bên kia rời xa khỏi vòng ảnh hưởng của mình, luôn muốn mình phải là một phần trong cuộc sống của người kia và ngược lại. Hãy dành thời gian cho người ta tự điều chỉnh bản thân, làm quen lại với mối quan hệ trong một khuôn khổ mới. Quá trình ấy luôn đi kèm xung đột. Nếu con đủ kiên nhẫn hãy tiếp tục. Nhưng dù sao chỉ đến khi nào người kia cũng có được sự độc lập như mình thì khi đó mới thực sự là mối quan hệ bền vững, tốt đẹp.

Việc con thường ra quyết định nhanh và đột ngột, hãy tự quan sát xem tại sao mình ra những quyết định đó. Với người không tu tập đó là sự bộp chộp, bất an. Nhưng với người chánh niệm như con, không phải như thế. Do bản thân con biết rõ mình muốn gì, biết rõ những việc đang làm là việc mình thực sự không muốn, thấy rõ sự vô nghĩa của nó, thấy rõ sự miễn cưỡng của mình… nhưng cố gắng làm vì kiếm sống, vì mọi người, vì kiên nhẫn… đến lúc bộc phát ra là không muốn làm nữa, không chịu nổi sự vô nghĩa nên mình mới làm 1 quyết định đột ngột khác hẳn như vậy  ..Đó là từ vô thức mình không muốn dính líu vào những thứ vô nghĩa nữa, mình không muốn tiếp tục làm những việc này nữa. “Cố” sống khác với cách sống  mình thực sự mong muốn sẽ làm con luôn bất mãn và dẫn đến bùng nổ.

Con xem lại mà xem, hầu hết các quyết định của con lúc ấy không phải là lựa chọn giữa có hay không, cách này hay cách kia nữa, mà là vứt bỏ hẳn. Không bước tới, không dừng lại mà muốn bước ra. Pháp hành của con đang trong giai đoạn khó khăn. Không phải là không tiến bộ, ngược lại tiến bộ rất nhiều và quan trọng, nhưng đang rất khó khăn, vì con bắt đầu nhận ra bản chất khổ, sự vô nghĩa của cuộc sống. Nó làm thay đổi tận gốc rễ cách nhìn của con, quan niệm về hạnh phúc, về ý nghĩa sống… mọi thứ đang thay đổi mạnh mẽ, vì con đang sống gần với sự thật hơn. Giai đoạn này rất vật vã, kéo dài hàng năm trời. Con cần thật nhiều kiên nhẫn, đức tin và tinh tấn để vượt qua. Đôi khi sự phản ứng lại với cái khổ, cái vô nghĩa và sự vô thường, làm cho con hành xử bộc phát. Đôi khi con cảm thấy mọi thứ dù “tốt” cũng vô nghĩa. Có lúc con muốn chạy trốn, muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại, công việc hiện tại, mối quan hệ hiện tại… Đó là vì từ vô thức, tâm con tìm đối tượng để trút sự bất mãn. Nghĩ rằng vấn đề đó nằm ở công việc, hoàn cảnh hay người nào đó, mà không biết đó chỉ là phản ứng của tâm. Tâm chưa đủ trí tuệ để chấp nhận được bản chất cuộc sống là khổ, là vô nghĩa. Nó nghĩ rằng hoàn cảnh, hoặc người bên cạnh mình là nguyên nhân làm mình khổ, bế tắc và vô nghĩa thế này. Nhiều người trong giai đoạn này bỏ việc, phá bỏ các mối quan hệ lâu nay, thay đổi chỗ ở… đó là biểu hiện của sự bất mãn và chạy trốn khỏi bế tắc, nhất là khi không có một người thầy hướng dẫn đúng đắn. Cảm giác khổ khó nói, cảm giác vô nghĩa và bế tắc. Mà không thể nói với ai, chia sẻ với ai để vơi bớt được. 

Hãy kiên nhẫn và giữ vững đức tin, hãy tiếp tục tinh tấn thực hành. Chúng ta không thể tránh né mà chỉ có thể đi xuyên qua khó khăn thôi con ạ! Đây là cái khổ dẫn đến dứt khổ. Hãy nhận thức rõ tình trạng hiện tại của mình. Hiểu rõ rằng những phản ứng đó là do đâu. Quan sát mình và tự nhắc mình kham nhẫn. Hiểu rằng đây là một giai đoạn tu tập, giai đoạn quan trọng chuyển đổi cách nhìn. Hiểu rằng trí tuệ đang ươm mầm trong đau khổ, đây là việc sớm muộn gì cũng đến, nhất định phải trải qua để vươn lên tầm mức cao hơn . Hiểu và suy xét như vậy để tâm mình dễ chấp nhận hơn, tự nguyện quan sát hơn thay vì chạy trốn hay đổ lỗi. 

Đừng chú ý quá nhiều đến người khác con ạ.  Hãy tìm hiểu cách thức tâm mình phản ứng. Con sẽ thấy  mình đặc biệt khó tính và hay đánh giá người khác trong giai đoạn này. Cách nhìn trở nên tiêu cực hơn nhiều, hay nhìn thấy khía cạnh xấu, bất toại nguyện của mọi thứ. Hay nhìn thấy cái xấu và khiếm khuyết của mọi người hơn là mặt tích cực. Tâm mất cân bằng như vậy đấy. Hãy hiểu cho mình, biết mình đang trải qua cái gì. Kham nhẫn, nếu khó chịu quá thì đừng làm gì cả, chỉ đơn giản ngồi chờ cho cơn bão đi qua. Khi thấy stress quá thì hãy dành thêm thời gian cho mình. Thời gian này con sẽ rất muốn ở 1 mình. Hãy gần thiên nhiên nếu có thể được. Đôi lúc dành vài ngày độc cư nơi thanh vắng. 

Tinh tấn lên con ạ. Thư giãn thường xuyên. Đừng tự ép mình. Chẳng có cái gì là của mình cả. Tất cả đều là các pháp diễn ra đúng theo quy luật tự nhiên. Kể cả đau khổ, sinh ra và có mặt là có nguyên nhân của nó. Hãy tôn trọng nó, để cho nó sống hết thời gian sống của nó. Nhìn mọi thứ bằng con mắt vô ngã, vô thường như vậy nhiều hơn. Con sẽ dễ chấp nhận mọi thứ và ít phản ứng, ít can thiệp hơn vào quá trình trưởng thành của mình. 

Hãy cố gắng lên con. Trí tuệ không đến 1 cách dễ dàng. Cần phải trầy da, tróc vẩy mới trưởng thành được con ạ, chính vì vậy sự trưởng thành mới có giá trị. Cách nhìn của mình đang trải qua sự lột xác, đảo lộn khác rất nhiều với các giá trị và cách sống của mình từ trước đến nay. Hãy kham nhẫn đi qua giai đoạn sóng gió này để bước trên 1 chặng đường vững vàng hơn sau này con ạ. Hãy ghi lại những gì mình cảm nhận nếu có thể. Nó giúp con bớt stress hơn và nhìn nhận khách quan hơn. Hãy gửi những ghi chép đó cho thầy. 

Thả lỏng nhiều hơn nữa con nhé! Luôn làm cho mình thoải mái nhất có thể (nhưng không “thoải mái” kiểu dễ duôi quên mình mà mọi người vẫn gắn với từ ấy). Thầy mong con có thật nhiều đức tin và nghị lực để sớm trưởng thành. Trí tuệ và sự bình an đích thực đang chờ đón con theo mỗi bước chân vất vả trên con đường gập ghềnh con đang cố gắng bước đi. 

Hãy cố gắng lên con.

Với tâm từ của thầy!



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved