Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Đừng vội vàng

Con thân mến,

Để hiểu và rèn luyện chánh niệm đối với người mới bắt đầu là điều rất khó, vì đó là thứ mà mọi người chưa bao giờ có. Chính vì vậy, cách dẫn nhập để cho thiền sinh hiểu và trải nghiệm được chánh niệm trong cuộc sống thực là điều quan trọng hàng đầu. Một cách dẫn nhập không khéo léo sẽ làm cho thiền sinh hiểu nhầm và thực hành sai, biến chánh niệm trở thành sự tập trung, hay sự ép buộc…mà người ta cứ đặt cho một cái tên chung là thiền. Và dù có dẫn nhập đúng, nhưng quá trình uốn nắn, điều chỉnh sau đó không liên tục và đúng tinh thần của phương tiện thì cũng kẹt vào ngay phương tiện dẫn nhập. Từ cái sai ban đầu này, tất cả những cố gắng sau đó đều chỉ là để củng cố thêm cái sai mà thôi. Chính vì vậy có nhiều thiền sinh thực hành tinh tấn nhiều năm, những vẫn không thực sự biết thế nào là chánh niệm, họ trở nên chấp nặng hơn, và phiền não không hề ít đi, thậm chí cuộc sống tinh thần còn tệ hơn trước khi học thiền.

Dẫn nhập có nhiều cách, đại diện cho nhiều phương pháp thiền khác nhau. Có thiền sư dẫn nhập qua sự phồng xẹp ở bụng (thiền sư Mahasi), có vị theo hơi thở cố ý thô rõ (thiền sư Sulun); có nơi theo 4 oai nghi (thiền sư Achan Neb) hay bám sát cảm giác (thiền sư U Ba Khin). Nhiều người chỉ trích ngài Mahasi rằng trong kinh điển Đức Phật không dạy phồng xẹp, hay chỉ trích ngài Sulun rằng Đức Phật không dạy thở phì phò như thế… bởi vì họ chỉ y cứ giáo điều theo sách vở mà không hiểu ý nghĩa của phương tiện dẫn nhập. Cách dẫn nhập theo phương pháp thầy dạy bắt đầu từ rà soát và thư giãn, giúp cho thiền sinh dần dần trải nghiệm được chánh niệm một cách tự nhiên mà chính họ cũng không biết. Cái họ trải nghiệm thực sự không giống cái “chánh niệm” họ hiểu qua sách vở hay người khác nói. Giống như người đã được nếm vị ngọt của đường trong ly nước chanh, nhưng vẫn không biết tên cái chất ngọt ngọt đó là đường, nhưng trên thực tế họ đã được nếm. Còn những gì được đọc, nghe chỉ là sự mô tả từ người khác, có người mô tả sát với thực, có người không, hoặc mô tả từ những góc nhìn khác nhau tùy thuộc vào con đường dẫn nhập; người nghe thường tưởng tượng vị ngọt qua sự mô tả đó, bàn luận về nó và theo đuổi nó trong khi thực hành.

Con thực hành 1 thời gian và con đã thấy rồi đó, như con tả: “Trước kia, khi thiền con hay bị căng thẳng vì con cứ ” giao việc” cho tâm là phải ngồi trong bao lâu, phải theo dõi hơi thở thế nào…giờ con chỉ tập thư giãn, hay biết một cách tự nhiên mọi thứ diễn ra trong mình”. Đó chính là những trải nghiệm chánh niệm một cách tự nhiên và chân thực nhất. Tất nhiên cách tiếp cận này sẽ đôi khi làm cho thiền sinh mơ hồ, vì họ cứ nghĩ chánh niệm là phải biết hoặc tập trung vào một cái gì đó thật “rõ ràng”, “liên tục”. Như con nói: “Khi thiền, con ý thức  không dính mắc vào đối tượng nào. Con luôn nhớ Thầy dạy: rà soát- cảm nhận- thả lỏng. Tuy nhiên, các cảm giác trong con còn mờ nhạt. Đôi lúc, con hoang mang không biết phải quan sát như thế nào”. Rõ ràng, liên tục sẽ đến sau, đừng vội. Bây giờ mới chỉ là làm quen.

Mọi người thường đánh đồng chánh niệm với sự tập trung, nên khi thấy cảm giác mờ nhạt là hoang mang. Tập trung thường tạo cảm giác mạnh và rõ nét hơn, và thường là phải đặt trên một đối tượng cụ thể, ít thay đổi, chứ khó tập trung được trên những đối tượng thường xuyên thay đổi như các cảm giác trong thân, cảm xúc và hoạt động suy nghĩ trong tâm. Về bản chất, tập trung không phải là chánh niệm – một sự hay biết tự nhiên, không áp đặt. Tập trung bắt đối tượng, giữ nó lại, phóng to nó lên nhìn cho kỹ, trong khi đó các đối tượng khác vẫn đang trôi chảy theo dòng không ngừng nghỉ, và vì thế bị bỏ qua. Tập trung một cách cố ý, cưỡng ép cũng giống như chạy xe máy số 1, phóng giật cục, dễ đâm va, mau hết xăng và không bao giờ đi được nhanh mặc dù động cơ gầm rú rất ghê gớm.

Sự mờ nhạt đó là do chánh niệm chưa đủ mạnh, chưa liên tục, sự tỉnh giác chưa đủ cao, giống như đeo kính chưa đúng số, hoặc do thị lực chưa được cải thiện, chứ không phải vật thể mình nhìn nó mờ nhạt. Chánh niệm càng mạnh mẽ và liên tục thì mọi thứ càng trở nên rõ ràng, nhưng mà thực sự mục đích của chánh niệm không phải chỉ là để thấy rõ ràng đối tượng quan sát, mà để nhìn xuyên qua những tính chất đang thay đổi ấy để thấy bản chất đằng sau của chúng (bản chất vô thường chẳng hạn…). Khi những bản chất này ngày càng trở nên rõ nét hơn mọi thứ khác, hơn bản thân tính chất của chính đối tượng, thì là lúc tuệ giác bắt đầu sinh ra (như ngôn ngữ sách vở vẫn nói: hành giả nhận biết liên tục thực tại chân đế của đề mục như các tính chất nóng, lạnh, cứng, mềm, sự chuyển động… và thông qua sự quan sát liên tục ấy để nhận rõ đặc tướng phổ quát của tất các các pháp là vô thường, khổ, vô ngã. Thầy vốn không hay dùng các thuật ngữ hàn lâm đó).

Thầy nói kỹ lưỡng như vậy là để con hiểu rõ việc mình đang làm, tránh khỏi cái bẫy vội vàng, hướng tới mục đích sai theo kiến thức sách vở. Thực hành thật ra rất đơn giản. Vì quá đơn giản nên ít người đủ lòng tin và kiên trì, theo họ một thứ cao siêu như “tu tập, thiền định” phải là một thứ gì ghê gớm, phức tạp lắm cơ – phức tạp ngang với tầm cao họ đặt cho nó. Lúc đầu phải nên là đơn giản, kiên nhẫn và cần thời gian, cần điều chỉnh liên tục với sự hướng dẫn sát sao của người thầy để đúng đường. Việc đặt nền móng, hoặc việc chỉnh đặt bánh xe đúng đường ray để đi không trật hướng có khi chiếm đến 80% khối lượng công việc và thời gian của hành trình. Một khi đã “on track”, những việc tiếp theo sẽ đơn giản và dễ dàng hơn nhiều, cứ việc vặn tay ga càng mạnh càng tốt. Mới ngồi lên xe thì chớ dại mà vội vàng vặn lung tung.

Hãy bám sát hướng dẫn, nghe pháp thường xuyên và thực hành đều đặn mỗi ngày, trong mọi việc mình làm, mọi phút mình đang sống; trình pháp đều đặn và kỹ càng với thầy. Như vậy con sẽ thấy mọi thứ tự điều chỉnh theo đúng pháp chứ cũng không cần mình phải vật lộn nhiều với nó. Con sẽ thấy mình không thích những việc vô bổ, mất thời gian vô ích, con sẽ thấy mình ngày càng sống đơn giản và ít nhu cầu, ít chạy theo vui thú như trước nữa, chánh niệm sẽ dần dần kích hoạt sự tự chế trong con. Con sống thuận pháp dần một cách tự nhiên như vậy đấy, và nếu có sự chủ động rèn luyện chống thói quen dễ duôi của mình nữa thì nó càng hỗ trợ cho chánh niệm phát triển.

Con hãy đọc kỹ bài “Vượt qua dễ duôi” mà các admin mới đăng lên trang sutamphap.com ấy nhé. Nó rất quan trọng. Nó là sự tổng kết từ những kinh nghiệm của hơn 20 năm tu hành của thầy, chắt lọc từ những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển, và cô đọng từ những điều mà các vị thầy đáng kính của thầy đã thân truyền cho thầy. Những khó khăn lớn nhất trong sự tu tập là đến từ chính sự dễ duôi, và vượt qua dễ duôi chính là bí quyết lớn nhất để tu tập thành công. 8 biện pháp vượt qua dễ duôi thầy tổng kết lại trong đó cần phải thực hành hàng ngày, suốt những năm tháng còn lại trong cuộc đời tu tập. Khi thực hành đều đặn, con sẽ thấy mình có một nội lực tu tập cực kỳ mạnh mẽ, và hình như mọi khó khăn chướng ngại cứ dần dần biến mất, bởi chúng đã bị đoạn trừ từ trong trứng nước mất rồi.

Thầy tóm lược lại 8 sự thực hành vượt qua dễ duôi như sau:

  1. Điều đầu tiên rất hiệu quả và dễ làm nhất là tránh xa các tác nhân kích hoạt sự dễ duôi, cũng là những điều cơ bản Đức Phật dạy: thu thúc giác quan, biết đủ với những thứ tối thiểu, ít nhu cầu, sống đơn giản, tránh xa những người dễ duôi và hay rủ rê.
  1. Gần gũi bậc thiện trí, tiếp xúc thường xuyên với những thứ nhắc nhở mình tinh tấn.
  1. Luyện thói quen trì hoãn, làm chậm mọi việc, dừng lại 1 chút trước khi làm bất cứ việc gì, không bao giờ làm và quyết định khi cảm xúc đang ở đỉnh cao.
  1. Rèn luyện khả năng tự chế, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
  1. Tự kỷ luật, có chế độ thưởng phạt và nghiêm túc làm theo. Kiểm điểm và ghi chép lại.
  1. Thay thế ý định dễ duôi bằng việc làm ngay 1 việc tích cực. Tập thói quen năng động, sử dụng tối đa thời gian, không bao giờ ngồi không. 
  1. Niệm chết, quán xét về vô thường và sự khổ, sự không chắc chắn trong mọi việc. Thấy rõ sự nguy hiểm và các hậu quả của dễ duôi, ở bây giờ và trong tương lai.
  1. Thường mường tượng đến mục đích và cuộc sống mình đang hướng đến trong tương lai một cách chân thực nhất, chi tiết nhất để tự nhắc nhở và tạo động lực cho bản thân.

Con hãy in 8 cách thực hành này ra, tốt nhất là in nguyên cả bản đầy đủ, và dán chỗ nào đó mắt hay nhìn đến như ở mặt bàn làm việc, hình nền điện thoại, hàng ngày đều phải đọc ít nhất 1 lần, làm 1 bảng biểu ở bên cạnh để đánh dấu xem ngày hôm nay đã làm được những điều nào trong đó, thiếu là phải bổ sung ngay. Đừng có tin vào trí nhớ và sự tự giác của bản thân mình con ạ.

Đừng chê việc này là thừa thãi hay nhiêu khê, việc đọc và học thuộc, tự kiểm điểm và đánh dấu theo dõi có tác dụng rất lớn. Đây là cách các vị thầy thường dạy cho đệ tử. Không những có tác dụng tâm lý, nhắc mình tinh tấn, vào nếp, mà còn có tác dụng in sâu vào vô thức, nhắc nhở mình thực hiện từ chính trong vô thức. Vô thức có sức mạnh cực kỳ to lớn, chi phối hầu hết cuộc sống của chúng ta; các loại phiền não có sức mạnh lớn như thế và là luồng nghiệp lèo lái cuộc đời bởi vì chúng ẩn mình trong vô thức. Việc đưa những luồng định hướng tâm đúng đắn vào vô thức để tạo động cơ và nội lực tu tập là một nghệ thuật tu tập đỉnh cao. Thông thường được thực hiện thông qua một quá trình luyện tập kiên nhẫn và lâu dài.

Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, như như lý tác ý. Với người có như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, các pháp bất thiện chưa sanh không sanh khởi, và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn diệt.”

Đức Phật, Anguttara Nikaya

Về khó khăn mà con trình bày là thấy tâm mình bất thiện nhiều quá, trước hết con hãy học cách chấp nhận sự thật ấy. Dũng cảm chấp nhận và tôn trọng sự thật là bước quan trọng đầu tiên. Nhưng đừng cảm thấy ngợp vì điều đó, nó là cái quả của những năm sống u mê và nuôi lớn bất thiện, coi như món nợ của quá khứ, điều quan trọng là đừng để món nợ ấy sinh thêm lãi nữa. Những điều thầy dạy trong các bài pháp và con đang làm như giữ giới, hành thiền, thực hành vượt qua dễ duôi, quán tưởng…chính là để ngăn chặn bất thiện sinh sôi và thay thế dần bằng việc thiện. Việc đại thiện hàng đầu là tu tập, nó đang sinh lời rất nhanh và đến một ngày sẽ xóa sạch món nợ quá khứ. Thấy rõ và chấp nhận sự thật để thêm động lực tu tập chứ không phải để nó hù dọa mình đến mất ý chí con ạ. Hãy cố gắng làm ngay những việc mình có thể làm và tạm gác lại một bên những việc còn tồn tại chưa thể giải quyết. Giải pháp cho chúng sẽ đến dần khi con tiếp tục tinh tấn làm việc cần làm.

Hãy tập trung vào việc tu tập của bản thân, đừng vội đi can ngăn, khuyên bảo hay rủ rê người khác theo mình. Mỗi người có một tiêu chuẩn sống riêng và họ được tự do làm điều đó, những sai lầm và trả giá đôi khi là cần thiết để tỉnh ngộ. Bản thân con còn chưa tỉnh cơn mê kia mà. Cũng đừng tự dằn vặt bản thân khi có những suy nghĩ xấu trong tâm, tâm không thuộc về con, nó không phải là của con, nó chỉ đang cố gắng lừa con theo nó mà thôi. Hãy luôn biết nó đang như thế nào, hãy nhìn nó một cách bình thản và không tin theo, không làm theo là được. Bám chặt vào những gì thầy dạy để làm theo, những việc còn lại không thuộc trách nhiệm của con. Đối với người nữ, phiền não và bất thiện phát sinh từ cái tai, cái miệng là nhiều lắm đấy con ạ. Hãy truy ngược lại xem các ý nghĩ bất thiện ấy bắt nguồn từ nhân gì, đôi khi chỉ là từ một câu chuyện gẫu mình đã từng nghe từ bao giở bao giờ mà chính con cũng đã quên. Hãy thu thúc hơn nữa, giữ giới thật nghiêm chỉnh.

Nếu con muốn dành thêm thời gian và sức lực cho việc tu tập thì hãy dứt khoát cắt bớt những việc vô ích đi, nhất là những việc mình miễn cưỡng làm vì muốn làm vừa lòng người khác hay để bảo vệ hình ảnh của bản thân. Nhớ nguyên tắc: “Bất cứ cái gì vô ích, cái đó là có hại”. Tất cả cuộc sống này cần phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất, triệt để nhất cho sự phát triển của bản thân để hướng tới mục đích thoát khổ, sống 1 cuộc đời bình an và trí tuệ. Lấy đó làm thước đo cho mọi hành động và dự định của mình.

Thực hành đều đặn, ghi chép nghiêm túc và trình pháp thường xuyên. Thầy gần như đã quên con rồi nếu không xem lại các email cũ. Sợi dây kết nối duy nhất giữa thầy và con là sự thực hành pháp của bản thân con. Hãy trân trọng và sử dụng cho tốt phước báu đó và cố gắng lên con ạ.

Với tâm từ của thầy.

 



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved