Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Định vị tương lai

 Kính bạch Thầy

Con xin trình pháp Thầy ạ. Chánh niệm về nghe và nhìn của con đang dần sắc nét hơn. Có buổi sáng con nằm thư giãn sau khi làm việc nhà, chỉ vài phút ngắn ngủi nhưng con thực sự thả lỏng, và rất tỉnh táo. Lúc đó từ bếp vọng vào tiếng “tách”, “tách”. Mỗi tiếng “tách” là một đợt sóng dội vào người con, như những con sóng biển vỗ vào bờ. Con cảm nhận sự lan tỏa ở toàn bộ cơ thể, đều đặn và rõ ràng.

 Có một buổi trưa, cách đây vài ngày, khi nằm thư giãn, con đã “thấy” tim mình đập. Hôm đó con đã có một buổi trưa bận rộn (về thân), nên dù đến giờ đi làm con vẫn quyết định sẽ nằm thư giãn khoảng mươi, mười lăm phút chi đó, cho bớt sự mệt mỏi. Vừa nằm xuống con bỗng nhận thấy tim đập mạnh, thình thịch thình thịch, phía sau ót hơi lắc lư chao đảo. Con nghĩ là do mình hoạt động nhiều quá nên mới vậy, nằm chút sẽ hết. Nhưng càng nằm thì cảm nhận tim đang đập càng rõ lên. Cùng với đó là một cảm giác… khó chịu đựng. Nó không đau đớn gì nhưng vì nó cứ liên tục nên mình cảm thấy không chịu nổi, chỉ muốn thoát ra, lúc đó con muốn ngồi bật dậy để chấm dứt cảm giác khó chịu đựng đó. Nhưng sự hiếu kỳ và ý muốn tìm hiểu đã ghìm con lại. Lúc đó con cảm nhận tim mình như một động cơ nổi rõ lên, sự chú ý tập trung hoàn toàn ở nó, cảm nhận rất rõ ràng sự chuyển động của tim bên trong lồng ngực, tim đang bơm máu ra, từng nhịp đôi, lên và xuống, bơm lên đầu, cảm giác tê rần ở sau đầu, bơm ra tay và chân, dòng máu đang chảy ở đâu đó, xen lẫn với hơi thở và các cảm giác trên thân, cảm giác ở ngón chân, cảm giác toàn thân một cục đang nằm… Con như người đang chứng kiến một cỗ máy đang hoạt động, bắt đầu thấy ra tập hợp những bộ phận của cỗ máy đó, có chỗ rõ, chỗ mờ, nhưng thực sự là rất thú vị. Cũng có hôm nằm thư giãn, con cảm nhận được một dòng chảy bên trong đang chảy từ tay lên cổ, nhưng không rõ lắm, cũng không kéo dài lâu như lần này.

Và một điều này nữa, thật khó lý giải nhưng đến chiều, khi con nhớ lại trải nghiệm lúc trưa, con thấy rất buồn (lẽ ra con phải vui vì đã khám phá thêm về bản thân mình chứ?), có gì đó như tan vỡ trong con. Hình như là do con bắt đầu nhận ra: nó cũng chỉ là một cỗ máy, một cỗ máy mà thôi…

Và cũng giống như khi con mới trải nghiệm cảm giác râm ran, tâm con trở nên hứng thú với trải nghiệm mới mẻ này, nó hay hướng sự chú ý đến nơi đó. Sự lặp lại cũng khá dễ dàng, chỉ cần con định tĩnh một chút, lắng lại, hướng sự chú ý, con sẽ cảm nhận được tim đang hoạt động, lồng ngực đang chuyển động, cảm giác tê rần ở hai bên đầu sau mỗi nhịp đập… Có buổi chiều con đi mua hàng, trong lúc đang ngồi chờ tính tiền, mọi người đi qua đi lại và nói cười ồn ã, con chủ ý cảm nhận nhịp đập của tim. Những chuyển động xung quanh mờ đi, tâm con hoàn toàn quay vào bên trong.  Lúc đó con thấy rất vui sướng, vui vì bây giờ mình có thể bắt đầu tập chánh niệm bất chấp hoàn cảnh xung quanh, mình có thể làm điều đó mà không ai biết.

Con thấy mình đang dịch chuyển từng ngày, từng ngày, trong sự ngạc nhiên của chính mình. Đó là một động lực rất lớn và ngày càng mạnh mẽ hơn, thưa Thầy. Con giống như đang nhặt từng miếng nhỏ của bức tranh lớn, hôm nay là “nghe”, hôm sau là “nhìn”, hôm nay là “tim”, hôm sau sẽ đến cái khác nữa, cảm giác say mê hứng thú vô cùng…

Con xin thành kính đảnh lễ Thầy.

 Con  TTh. 

 

______________________________

 

Con thân mến,

 

Hiểu rõ về bản thân mình và cuộc đời đôi lúc khiến chúng ta rất buồn. Sự vỡ mộng bao giờ cũng đi kèm cảm giác buồn chống chếnh và mất phương hướng. Buồn nhưng chẳng trách được ai. Hóa ra cuộc đời này không hay ho như mình nghĩ, hóa ra từ trước đến nay mình sống ảo đến thế ư, hóa ra mình đã dành phần lớn cuộc sống để làm nhiều thứ vô ích thế ư… Vỡ mộng thì mới trưởng thành con ạ. Vỡ mộng thì đớn đau. Sự thật thì bao giờ cũng khó coi. Những gì mình tự hào, mặc nhiên cho rằng nó là của mình, giá trị của mình, hóa ra lại chẳng thuộc về mình, hóa ra chỉ là những ảo tưởng do suy nghĩ đẻ ra, hóa ra cái thân này chỉ là 1 cỗ máy, nó độc lập với mình, mình chăm chút, sửa sang làm đẹp cho nó, hóa ra nó chỉ là 1 cỗ máy. Nỗi buồn và sự chống chếnh ấy cứ như một người mẹ hết lòng với con, thương con, dõi theo từng bước con đi, đến khi nó lớn chẳng bao giờ về thăm mẹ, cứ như ko có mẹ trên đời.

 

Con người ta rất sợ cảm giác này con ạ, và họ dành phần lớn cuộc đời để trốn tránh nó, để củng cố cái ảo tưởng về cái tôi của mình, và sẽ phản ứng quá khích nếu có bất cứ cái gì đe dọa đến ảo tưởng ấy. Người tu tập là người có thật nhiều trí tuệ và dũng cảm, tôn trọng sự thật hết lòng, thì mới đủ sức nhìn thấy và sống với sự thật. Nó vỡ mộng, nó buồn, nó vô nghĩa và lạc lõng, nhưng nó cũng thú vị phải không con. Ít nhất nó cũng là việc đáng làm hơn vô số việc danh lợi, cơm áo gạo tiền con đang phải làm hàng ngày kia. Hãy cố gắng lên và mạnh mẽ lên. Sự thật chỉ dành cho những người mạnh mẽ.

 

Đừng cố lặp lại những kinh nghiệm hay ho cũ. Con có thể sử dụng cách làm mà mình thấy thích hợp trong thời điểm này để quay lại tìm hiểu bản thân mình, nhưng đừng coi nó là cứu cánh, đừng nghĩ rằng à, mình đã tìm ra thuốc chữa cho các loại bệnh đây rồi và từ nay về sau mình sẽ chỉ sử dụng cách này thôi. Một cách mình thấy hữu dụng bây giờ, có thể vô dụng ngày mai hoặc thậm chí vào ngày kia lại thành có hại. Hãy luôn là người khám phá những vùng đất chưa biết và đừng chỉ dựa dẫm hoàn toàn vào công cụ cũ, đừng dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết quá khứ con ạ.

 

Con đang vận động hàng ngày, các hiểu biết và giá trị của con cũng đang vận động hàng ngày. Nó chưa bao giờ hoàn thiện, chưa bao giờ đủ, chưa bao giờ đúng cả. Vì vậy, đừng dính chấp và đứng lại ở những hiểu biết hay những điều thú vị tạm thời mà con đang phát hiện ra con nhé. Giống câu chuyện thầy hay kể trong các bài pháp ấy:

 

“Một hôm Ma vương đi qua 1 khu rừng vắng với đoàn tùy tùng, tùy tùng chỉ một vị sư với vẻ mặt hân hoan sáng ngời đang ngồi thiền dưới gốc cây và hỏi:

“Thưa ông chủ, ông sư kia tìm thấy cái gì mà vui sướng thế?”.

Ma vương liếc mắt nhìn qua và nói:

 –“À, hắn vừa mới tìm thấy một mẩu của sự thật”,

 và thản nhiên đi tiếp.

 

Tùy tùng Ma vương ngạc nhiên lắm, thưa rằng:

“Thế ông chủ không lo lắng gì sao khi có người tìm thấy 1 mẩu sự thật như vậy?”.

 Ma vương cười:

“Sao mà phải lo, hắn ta sẽ bám chặt lấy cái mẩu bé xíu ấy chẳng chịu buông ra đâu mà”.

 

Đấy, điều hạn chế và làm người tu tập kẹt lại nhiều nhất không phải là những khó khăn bên ngoài, mà chính là những cái bám chấp vào cái đúng (cái đúng của mình, một mẩu đúng chứ ko phải cái đúng toàn vẹn. Chưa kể những cái “đúng” nguy hiểm do mình tự nghĩ ra hay tâm đắc từ sách vở nữa). Thế nên trọng tâm tu tập là phát hiện ra những cái sai của mình chứ không phải cố gắng làm cái đúng, càng không phải là ôm giữ cái đúng ấy mà tâm đắc, mà cho đó là chân lý.

 

Mọi thứ đang vận động, vì vậy hãy để nó vận động, và cả chúng ta với tất cả những giá trị, những thứ mình tự cho là bản thân, là cuộc sống của mình, là ý nghĩa và niềm vui, lẽ sống của mình cũng đang vận động không ngừng. Chúng ta sợ cảm giác lạc đường, mất phương hướng và sợ cảm giác sống không mục đích, nên thường cố sống cố chết bám lấy 1 điểm tựa, một điểm “cố định” để định vị mọi giá trị của mình và định vị cuộc sống của mình. Nhưng không ý thức được rằng chính điểm định vị ấy cũng đang không ngừng di động, chúng ta thấy mình vẫn nằm yên trên giường, nhưng đâu có biết vị trí của mình và cả trái đất trong vũ trụ đã cách xa chỗ cũ hàng tỷ km sau một đêm. Chúng ta chỉ đứng yên trong không gian hẹp mình nhìn thấy, cũng như chúng ta thấy cuộc đời cố định và dễ hiểu trong hiểu biết định khuôn hẹp của bây giờ. Vì vậy chúng ta cứ thấy mình suốt ngày lên kế hoạch: kế hoạch cho bữa trưa, cho cả ngày, cho vài năm tới hay cho cả cuộc đời…và việc thường làm nhất là đi chữa cháy, đau khổ vá víu các kế hoạch đang không ngừng phá sản. Chúng ta lấy quá khứ với những hiểu biết thiếu sót để định vị cho tương lai, nhưng khi tương lai thật sự đến, nó lại đi theo một quỹ đạo hoàn toàn khác cơ, thế mới khổ, thế mới buồn, mới đau…

 

Một người đi tìm chân lý như một người đang đi một mình trong hư không, không có định vị, những điểm mình đánh dấu trên đường đi qua đã không ngừng bỏ lại đằng sau, khi ngoái lại nhìn mới thấy chẳng thể định vị con đường trước mặt dựa vào những mốc sau lưng. Chúng ta chỉ có 1 phương hướng, phương hướng ấy Đức Phật và những bậc thầy đáng kính đã từng đi qua và chỉ cho chúng ta. Chúng ta phải tự xác định từng bước chân của mình, có bước đúng, có bước sai, nhưng tổng thể đều không lệch quá nhiều với phương hướng mơ hồ ấy. Và chúng ta phải tự làm quen và vượt qua nỗi sợ cô đơn, nỗi sợ sự mơ hồ, sự không rõ ràng và sự vận động không ngừng của những thứ mình vốn vẫn coi là cố định. Sức mạnh giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ ấy là sức mạnh của đức tin, và sức mạnh giúp chúng ta tiến bước là sức mạnh của lòng kiên nhẫn. Đó là những điều làm cho con đường của chúng ta ngày càng rõ ràng hơn theo mỗi bước chân tiến lên phía trước của mình. 

 

“Các bậc thánh sở dĩ là bậc thánh bởi vì các ngài làm những việc khó làm, nhẫn những điều khó nhẫn, và vẫn cần mẫn bước đi từng bước trong khi lòng luôn thúc giục bảo dừng.”

 

“Bậc thánh đi không dấu vết, như chim giữa hư không, dấu chân thật khó tìm.”

 

Thật may mắn nếu chúng ta có thể tham vấn và được truyền cảm hứng và niềm tin từ những người đi trước, những người sống với pháp. “Điều tốt nhất là hãy học pháp từ một người sống với pháp”. Hãy sử dụng hiệu quả mọi thứ trong cuộc sống của mình để tu tập và trưởng thành con nhé. Con đã có đủ mọi thứ cần thiết cho hành trình rồi, những nguồn lực con có ngày hôm nay là đủ cho nhiệm vụ của ngày hôm nay, việc còn lại của con chỉ là bước đi thôi con ạ.

 

Hãy cố gắng lên và giữ vững lòng tin.

 

Với tâm từ của thầy.

 

P/S: đọc lại thư gửi con thầy mới nhận thấy là hình như mình lạc đề. Đôi khi thầy viết thư như trút ra những hiểu biết của mình trên trang giấy chứ ko chỉ là viết trả lời con. Thầy nghĩ nó có thể có ích và sách tấn cho mọi người, nên thầy sẽ chia sẻ bức thư này của thầy. Nếu con ko sợ “lộ bí mật” và ko ngại chia sẻ thì thầy xin phép gộp cùng bức thư của con cho rõ nghĩa. Những kinh nghiệm và cảm xúc tu tập của con rất hay và rất thực con ạ. Thầy đợi trải lời của con.



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved