Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Chỉ tồn tại trong suy nghĩ

Con thân mến,

Thiền là sự nghỉ ngơi trong tỉnh thức, nghỉ ngơi thật sự cả thân lẫn tâm, con không làm điều gì khác ngoài quan sát, vì vậy không nên ép mình hay đặt một mục tiêu nào cần đạt đến hết. Như con nói, nhiều khi chỉ đơn giản đang ngồi và enjoy với việc ngồi, đó là lúc con không ép mình và khi đó mới là lúc hành thiền đúng nhất đấy con ạ. Nó rất đơn giản, các loại suy nghĩ và tâm tham của chúng ta làm cho việc hành thiền trở nên phức tạp và khó khăn. Hãy đơn giản và tự nhiên. Làm những việc đơn giản như thầy dạy, như ngủ dậy thì biết mình ngay, không hành động khi cảm xúc ở đỉnh cao, chậm lại 1 nhịp khi làm bất cứ việc gì…và làm đều đặn con ạ.

Đừng vội vàng và đừng quá nóng vội vươn tới mục tiêu. Tại sao chúng ta phải vội vàng làm gì? Tại sao làm việc này cứ phải nghĩ đến việc tiếp theo? Hãy để thời gian phục vụ chúng ta. Chúng ta không phục vụ thời gian.

 Tiếp tục rèn luyện thái độ đúng: “không phản ứng gì cả”. Thầy thấy con đã bắt đầu làm được điều đó hơn trước rồi đó. Nhiều khi chỉ cần không phản ứng thì mọi việc sẽ tự giải quyết. Làm được việc “không phản ứng” đó cần phải có trí tuệ – mới đầu phải luyện tập, rồi sau là trí tuệ tự hiểu không cần phản ứng. Hãy rèn luyện và ngộ ra dần dần những chân lý đó khi con quan sát nhé. Rất nhiều điều thầy dạy cần phải đến một tầm mức trí tuệ nhất định nào đó thì mới hiểu được, chánh niệm hơn con sẽ lại hiểu lời dạy với những chiều sâu khác nữa. Đừng ham nhiều, những chân lý đơn giản đó mà hiểu được tận cùng cần đến cả một đời tu tập; nó lợi ích và quá đủ cho cả 1 đời người.

Tiếp tục dùng chánh niệm để khám phá bản thân, khám phá con đường của mình. Nó vốn rất đơn giản và thú vị. Người thầy chỉ chỉ lối và khuyến khích, con đường phải tự mình bước đi con ạ. Những gì cần điều chỉnh, thầy đã điều chỉnh dựa trên trình pháp cụ thể của con. Ở đây Thầy chỉ dặn dò con một số điều ghi nhớ để thường xuyên đọc lại và tự đối chiếu trong suốt quá trình thực hành sau này. Nhiều điều thầy đã nói, nhưng cứ gom cả vào đây để con ghi nhớ và đọc lại thường xuyên.

Hãy tiếp tục thực hành đều đặn, thoải mái, không đặt mục tiêu lớn lao gì cả, đừng làm việc gì khiến mình không thoải mái hay ép mình hết. Cái gì rõ nhất, chánh niệm sẽ tự hay biết, không cần phải chọn sẵn cho nó – không “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cứ như thế, chánh niệm sẽ ngày càng ăn sâu, và sự bình an, thanh thản ngày càng có mặt nhiều hơn trong cuộc sống của con.

Hãy ngày càng sống đơn giản và chuyên nhất hơn với sự thực hành. Đức Phật dạy thiền sinh phải tập biết đủ, ít nhu cầu, ít ham muốn, trong khi xã hội ngày nay thì cổ xúy cho tham muốn và nhu cầu cao. Sống đơn giản và ít nhu cầu làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, đỡ hẳn những vấn đề nhức đầu làm hao tổn thời gian và tâm sức. Sự đơn giản làm cho cuộc sống chúng ta trở nên rõ ràng và tập trung được vào việc quan trọng nhất. Nhiều nhu cầu luôn làm chệch hướng và cuối cùng sẽ thấy mình chẳng làm được cái gì thực sự quan trọng và ý nghĩa cả. Đó là 1 cách sống lãng phí và sẽ vô cùng tiếc nuối về sau.

Thu thúc lục căn (6 giác quan) rất quan trọng, vì mình nạp quá nhiều thông tin vào đầu, phần lớn là vô ích và có hại, những thứ đó lại kích hoạt tham sân si trong tâm nữa, rồi lại phải vật vã tìm cách vượt qua. Vậy thì tốt nhất là ngay từ đầu không cho địch xâm nhập vào nhà để phá từ trong ra. Không nghe, nhìn, nghĩ, hóng … những điều vô ích, không liên quan đến mình, tập trung vào việc của mình trong hiện tại. Nó sẽ bớt cho con ít nhất 50% phiền não. Muốn dọn rác trong tâm, phải đậy nắp thùng rác trước đã.

Nhớ luôn kiểm tra và thư giãn khuôn mặt và cơ thể.  Ưu tiên hàng đầu của con bây giờ nên là luôn thư giãn mặt và toàn thân trong mọi lúc, lúc lái xe, lúc nói chuyện, khi làm việc…thư giãn luôn đi kèm với cảm nhận, tức chánh niệm. Thư giãn sâu thì cảm nhận sâu, chánh niệm liền mạch hơn. Cứ vài phút lại kiểm tra và thả lỏng mặt 1 lần, rà quét nhanh qua toàn thân xem dáng đứng, dáng ngồi, mồm mép đang nói ra sao, tướng ăn thế nào…cứ như soi mình trong gương ấy. Cách này giúp con quay lại thực tại ngay lập tức. Đôi khi con thấy tự xấu hổ vì hình ảnh xấu xí mà cái gương chánh niệm cho con thấy – tâm tàm quý và lòng tự trọng khiến con phải tự điều chỉnh. Nhất là khi nói và khi ăn, con phải chú ý thật nhiều, vì “bệnh từ đường miệng mà vào, họa từ đường miệng và ra”. Chánh niệm sẽ tự nói cho con biết nói đến đâu là đủ, ăn đến đâu là vừa.

Nhớ tập “mỗi lúc chỉ làm 1 việc” để rèn luyện chánh niệm – làm với sự chú ý 100%. Thà chậm 1 tý, nhưng làm việc nào hiệu quả việc ấy còn hơn làm vài việc cùng 1 lúc nhưng đều hỏng, thời gian sửa sai còn nhiều hơn thời gian tiết kiệm được.

Nên thực hành 1 cách tự nhiên, có chánh niệm con sẽ cảm nhận được tiếng mách bảo của thân tâm mình và điều chỉnh theo nó. Có lúc tự nhiên rất muốn ngồi thiền hoặc tĩnh lặng 1 mình, giữa đám bạn bè lại muốn quay vào bên trong, lúc hành thiền đều đặn, lúc khác lại chẳng muốn ép mình theo khuôn, theo lịch nữa… Tinh tấn không phải là ép theo khuôn, theo giờ. Mà dễ duôi cũng không phải là lúc nào thích làm gì thì làm.

Hãy xác định chánh niệm là việc quan trọng nhất, chiến lược nhất cho cả cuộc đời. Những việc khác chỉ là những việc cần hoàn thành để duy trì cuộc sống, làm cho tròn trách nhiệm. Xác định đúng như thế, mọi thứ bỗng đơn giản hơn rất nhiều. Nếu xác định chánh niệm là chính, công việc là phụ, con sẽ thấy hóa ra thời gian để hoàn thành công việc không nhiều và không quá nặng nề đến thế. Chúng ta thấy mình bận rộn chủ yếu là vì không dứt được các suy nghĩ, kế hoạch và lo lắng trong đầu, chưa xong việc này đã nghĩ đến việc tiếp theo. Thực sự chú ý vào cái gì đang có mặt hiện tại, chứ không phải cái có mặt trong suy nghĩ, con sẽ thấy mình có rất nhiều thời gian, công việc không chiếm phần quá nhiều trong cuộc sống.

 Luôn nhắc mình: những vấn đề này chỉ tồn tại trong suy nghĩ, chúng không có mặt trong thực tế, rồi quay lại với hiện tại ngay: mình đang đứng, ngồi, nói chuyện…như thế nào, đang cảm nhận những cảm giác gì trong thân, đang nhìn hay nghe cái gì, khuôn mặt đang căng hay giãn… Những cái con cảm nhận đó mới là thực tế đang có mặt. Những cái chỉ tồn tại trong suy nghĩ hoàn toàn không có thật. Phải phân biệt rạch ròi và thấy rõ hai thứ đó. Sống với thực tế đang có mặt càng nhiều, con sẽ càng bình an và trí tuệ, càng bớt phiền não.

Khi quay lại hiện tại bằng cách kiểm tra khuôn mặt, thân mình và các cảm giác đang có, thì suy nghĩ sẽ không được tiếp thêm năng lượng, nó sẽ tự mất đi. Lúc đầu thì sự quay về đó không mạnh mẽ, quán tính của suy nghĩ vẫn mạnh hơn, nên đôi khi con cảm thấy hơi giật cục, mất tự nhiên như kiểu gạt bỏ suy nghĩ. Khi thực hành quen rồi, sự quay về tự nhiên và nhanh chóng hơn, thì con mới có thể làm được việc quay về thân và suy nghĩ tự suy yếu và mất đi. Không sao cả, cứ tiếp tục thực hành, nó sẽ phát triển tự nhiên như thế. Điều quan trọng là con nhắc mình quay về thực tại bất cứ khi nào nhớ ra, mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống, chứ không phải chỉ khi ngồi thiền con nhé. Kiên nhẫn là bí quyết. Một việc lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi ngày mới trở thành thói quen. Lập thói quen quay lại thực tại để thay thế dần thói quen sống bằng suy nghĩ.

Con hãy làm giống như thầy kể trong buổi thuyết pháp vừa qua, luôn tự nhắc mình rằng: cái này chỉ tồn tại trong suy nghĩ. Các phiền não và lo lắng của con cũng thế – chúng chỉ có ở ba nơi: quá khứ, tương lai và trong tưởng tượng. Thực tế trước mắt con không có những điều đó. Thực tế chỉ có những gì con đang cảm nhận. Cách giải quyết các khó khăn, thắc mắc đúng đắn nhất là tiếp tục thực hành đúng hướng dẫn, và chính sự thực hành ấy, chính thực tế con đang quan sát và cảm nhận ấy sẽ mách bảo cho con câu trả lời chính xác nhất. Dấu hiệu của câu trả lời đúng là: tự nhiên những vấn đề ấy biến mất khỏi tâm con, từ lúc nào con cũng chẳng biết nữa.

Đại bàng là vua của không trung, nhưng quạ là loài duy nhất dám tấn công đại bàng. Chúng bám chặt vào lưng và mổ vào cổ đại bàng. Con biết đại bàng làm gì không? Nó chẳng phản ứng gì hết, chẳng phí công vật lộn, nó chỉ bay lên thật cao, cao tít trên tầm bay của tất cả loài chim. Quạ không chịu nổi gió và không khí loãng ở độ cao lớn, phải tự nhả ra và rơi xuống. Tu tập ai chẳng nại ra đủ thứ khó khăn. Nhưng con chẳng cần phản ứng hay cố tìm cách giải quyết mọi khó khăn, cứ tiếp tục tiến lên, rồi đến lúc chúng sẽ phải tự nhả ra và rơi rụng khỏi cuộc sống của con.

Chúng ta thường sống bằng suy nghĩ, quá nhiều và quá lâu, nên lẫn lộn giữa suy nghĩ và thực tế. Mọi thứ phiền não, như việc lo lắng người khác nghĩ về mình thế nào, hay đang làm việc này lại lo đến việc kia, hay áp lực ở hoàn cảnh mới…đều chỉ là các suy nghĩ. Câu chuyện đó chỉ tồn tại trong suy nghĩ. Khi nhắc mình như thế con sẽ dễ buông ra để quay lại thực tại: ngay bây giờ mình đang cảm nhận cảm giác gì, đang đứng, ngồi thế nào, đang làm việc gì. Việc mình cần làm trong thực tế thì đơn giản hơn trong suy nghĩ rất nhiều. Hãy nhớ lại câu chuyện mài vỏ lon của thầy hồi bé , chỉ chú ý vào thực tế là tay mình đang mài, nó rất đơn giản, chuyên nhất, rất thú vị và không hề thấy áp lực. Nếu vừa mài vừa nhìn đứa khác, hay để ý đến lời chúng nói, thái độ của chúng, băn khoăn lon mài xong có đẹp bằng của nó không, ai mài xong trước…thì sẽ không đủ kiên nhẫn để mài hết đâu con ạ. Nghĩ quá nhiều thì càng nghĩ càng thấy khó làm và rồi bỏ cuộc.

Chỉ chuyên nhất làm việc của mình, bản thân điều đó sẽ tự giải quyết hết mọi chuyện còn lại.

Suy nghĩ không bao giờ có điểm dừng và chúng ta không thể chấm dứt suy nghĩ và các sản phẩm có hại của nó bằng suy nghĩ thêm. Chúng ta chấm dứt nó một cách dứt khoát và triệt để bằng cách nhận ra nó chỉ là suy nghĩ, và quay lại ngay hiện tại. Suy nghĩ và phiền não không bao giờ tồn tại được trong hiện tại. Đó là cách chúng ta thoát khỏi các phiền não và đau khổ, và chánh niệm chỉ đơn giản là quay lại hiện tại đang có bây giờ thôi con ạ. Hãy tập thói quen đó để thay thế thói quen sống bằng suy nghĩ, tập kiên nhẫn và lâu dài, đó là con đường duy nhất thoát khỏi phiền não. Hãy tin tưởng và thực hành đơn giản, kiên nhẫn như thế con nhé. Nhất định phiền não sẽ không còn đất sống nữa khi con hoàn toàn cảm nhận hiện tại.

Con đừng cố gắng chánh niệm và đừng tạo áp lực phải chánh niệm cho mình. Con chỉ đơn giản phát hiện những lúc mình mất chánh niệm, mất hiện tại là được. Và phát hiện ra mình đang sống bằng suy nghĩ như thế nào, để quay lại hiện tại ngay lập tức. Thế là đủ. Vừa không chán, vừa không áp lực mà lại nhẹ nhàng và thấy chánh niệm trở lại dễ dàng hơn con ạ.

Nhớ xem mình có thái độ đúng hay không trong mọi việc: không mong cầu nó phải hết ngay hay kéo dài, không chống đối sân giận, không tìm cách thay đổi hiện trạng. Bản thân thái độ đúng đó đã là một điều cực kỳ tích cực, có tác dụng hơn vạn lý lẽ. Khi có thái độ đúng con mới có tâm từ, trí tuệ và sự bình an đi kèm. Tâm từ đôi khi chẳng cần phải thể hiện bằng hành động, nó chỉ là 1 trạng thái tâm, một sự thấu hiểu và thông cảm, không phản ứng, thế là đủ. Và sức mạnh của nó rất lớn con ạ. Chánh niệm và thái độ đúng luôn có sức mạnh thầm lặng rất lớn, mang đến những sự thay đổi ở những điều tưởng chừng không thể thay đổi. Hãy đặt lòng tin vào chánh niệm.

Hãy sống với sự quan sát với thái độ đúng mọi nơi, mọi việc con làm. Nó sẽ cho con thấy những sự thật của cuộc sống, những nhận thức làm thay đổi cuộc đời con. Hãy cố gắng lên con nhé.

Thầy chúc con ngày mới thật bình an và chánh niệm

Với tâm từ của thầy

 

 

 



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved