Kính thưa Thầy,
Những ngày qua con có nhiều thời gian hơn để thực hành, hiếm khi nào mà sự thu thúc, độc cư lại được hợp thức hóa như vậy, thật là thuận lợi. Con có dịp xem xét lại quá trình thực hành của mình từ đầu đến nay, ghi lại những điểm căn bản trong từng lá thư của Thầy, và tiếp tục thực hành những bài tập đó. Con thấy những điều đó là quá đủ (thậm chí hơi nhiều) với con trong hiện tại rồi, vì ngay cả những điều đơn giản đó con vẫn chưa làm cho tròn trịa, liên tục. Đó là:
– Thường xuyên thư giãn khuôn mặt, vài phút một lần
– Chỉ làm 1 việc trong 1 lúc
– Chánh ngữ
– Chỉ thuần túy ghi nhận cảm giác, không dùng suy nghĩ quá nhiều
– Tìm điểm tốt ngay trong hoàn cảnh bất lợi
So với những ngày đầu, con đang có 1 bất lợi hơn là… con có chút ít tiến bộ. Điều đó làm con nảy sinh sự dính mắc và tâm tham, dù không nhiều. Chẳng hạn như, dạo gần đây con ít cảm nhận được cảm giác râm ran mạnh và thường xuyên như mới đầu. Có lúc con hơi chùng lòng, nghĩ hay là mình đang bị lui sụt? Nhưng con nghĩ lại lời Thầy dặn làm động lực cho mình: chỉ cần cảm nhận hoàn toàn mọi thứ đang có mặt ở hiện tại, là được.
Con lờ mờ nhận ra rằng mình luôn không tiếp xúc với thực tại nguyên chất. Kể cả những lúc con không quên mình, tưởng mình đang quan sát, nó vẫn là loại “dữ liệu thứ cấp” lần thứ n. Con liên tưởng đến bạn làm CNTT cùng phòng, hôm trước có kể với con: em mới thấy 1 cái lỗi này rất độc đáo, lần đầu tiên em gặp, là anh D chồng quá nhiều folder vào nhau, chắc phải đến mấy chục cái folder bị bỏ chồng vào nhau, đến lúc mở file thì máy báo: bộ nhớ không thể đọc được file. Con hỏi, vậy em làm sao? Em đó nói, có 1 cái phần mềm, nó giúp mình lôi cái file đó ra ngoài, sau đó mới mở được. Chà, con thấy thật thú vị. “Cái máy tính” của con cũng vậy, toàn là file nén, nén không biết bao nhiêu lớp. Phần mềm Theravada con đã cài về rồi, nhưng loay hoay chưa biết dùng.
Sự ráp nối các dữ liệu tạo nên quá nhiều thứ không cần thiết. Những file nén đó con mang đi khắp nơi, như những tảng đá buộc vào lưng, con biết đó, thấy đó, muốn gỡ ra vất đi ngay, nhưng nó bám chặt quá…
Dạo gần đây con chứng kiến nhiều phận người đã và đang đi đến hồi kết: một đứa cháu làm công an hy sinh khi làm nhiệm vụ, ở tuổi ngoài 20; một đồng nghiệp bị ung thư đang trải qua những ngày cuối cùng trong đau đớn vô tận, thậm chí van xin người thân cho được chết, và cả ba mẹ con nữa, đều đã 80 và đều đang sống những ngày cuối đời trong vô minh, phiền não… càng ngày con càng thấy sự vô nghĩa, khổ đau trong mọi thứ, con người ngày càng sống vô nghĩa và điên rồ, như những con rối tội nghiệp, điều đó làm động lực rất lớn cho con. Càng ngày con càng thấy những khi hành thiền là những giây phút ý nghĩa nhất, ít lãng phí nhất trong ngày với mình.
Con nghĩ rằng mình đang trải qua một giai đoạn khó khăn, khi mọi ảo tưởng đang dần tan vỡ, tan vỡ một cách thực sự. Đôi lúc con cảm thấy bị choáng ngợp và sợ hãi. Con biết mình chưa đủ trí tuệ để chấp nhận – thực sự chấp nhận – là cuộc sống này rất không chắc chắn. Có lúc con thấy mình bình thản đến mức lạnh lùng, có lúc lại thấy mình quá nhạy cảm và yếu ớt. Mọi chuẩn mực bên trong con đang trong quá trình được thiết lập lại, và con biết mình cần phải kiên nhẫn gấp nhiều lần hơn nữa. Bây giờ con đo mức độ ý nghĩa của thời gian trôi qua bằng thời gian thực hành; đo tốt- xấu bằng cách cảm nhận sự bình an trong tâm; đo hạnh phúc bằng giá trị của mình chứ không phải chuẩn mực xã hội về con dâu tốt – vợ hiền – mẹ đảm. Và cố gắng quy đổi mọi thứ về câu hỏi: việc này phục vụ như thế nào cho sự tu tập của mình?
Con không biết trình gì với Thầy về những thời thiền của mình nữa, đôi lúc cũng có những cảm giác khác lạ, nhưng nhanh chóng con lại hoài nghi: có thật không, hay mình lại tưởng nữa? Nên thôi ạ… con chỉ xin trình Thầy là, con vẫn duy trì sự thực hành của mình, không dễ duôi. Hết ạ. Con chúc Thầy ngày mới chánh niệm và bình an.
Con Th Th.
_______________________________________________
Con thân mến,
Chánh niệm hay thiền chỉ là phương tiện, mặc dù là phương tiện quan trọng nhất để mình sử dụng, nhưng cũng chỉ là phương tiện.
Việc rèn rũa phương tiện ấy, lúc đầu thì thấy háo hức với sự tiến bộ và những cái mới lạ đi kèm, nhưng nếu trưởng thành hơn và hiểu đúng bản chất của nó là phương tiện thì chúng ta lại chú ý hơn đến việc sử dụng phương tiện ấy làm sao cho khéo léo và hiệu quả để đạt tới mục đích là hiểu biết sâu sắc về bản thân mình, bên cạnh việc tiếp tục rèn luyện nó trở nên sắc bén hơn.
Mọi thứ khác lạ con thấy trong thiền cũng chỉ là những hiện tượng, bản thân nó không quá quan trọng, con chỉ đang rèn luyện chánh niệm – là sự quan sát như thật, với thái độ đúng, những gì đang diễn ra trong thân tâm mình hiện tại. Có những cái con nhìn thấy mà không biết nó là thật hay ảo, cũng chẳng quan trọng, bởi vì nó ko phải là mục đích của mình. Dù thật hay ảo thì nó cũng chỉ thoáng qua, và nó không phải là thứ giải quyết vấn đề lớn nhất của mình là hiểu bản thân để thoát ra khỏi phiền não. Với thái độ đúng, với tầm nhìn đúng và rộng như vậy thì con không thể đi lạc, không thể rẽ nhánh mất thời gian với những thứ thoáng qua như vậy.
Sự quan sát đúng đắn, như thật sẽ làm con nhìn cuộc sống và bản thân mình theo một chiều sâu hoàn toàn khác. Con sẽ thấy tất cả mọi thứ như đang thì thầm mách bảo và show cho con những sự thật mà trước nay con không hề thấy. Điều đó mới thật thú vị. Mỗi ngày mình cứ như được mở mắt, nó dần dần làm đảo lộn mọi suy nghĩ đúng sai của mình trước đây, nó cho thấy những hệ giá trị khác mà mình đang khám phá và thể nghiệm. Những ảo tưởng và kỳ vọng tan vỡ, kèm theo những thất vọng và hoang mang, đó là tiền đề để thiết lập những cách nhìn mới và tiêu chuẩn mới. Và những cách nhìn này sẽ còn tiếp tục thay đổi theo quá trình con tu tập, sau giai đoạn cải tổ với nhiều đổ vỡ và xáo trộn ban đầu, nó sẽ định hình tương đối ổn định hơn để đi vào thay đổi chiều sâu trong những định hình sơ khai ấy.
Hãy hiểu quá trình và chấp nhận nó, để yên cho nó diễn ra. Việc của mình, như con nói, chỉ là kiên nhẫn tiếp tục để cho quá trình phá cũ – lập mới diễn ra thuận lợi. Mọi thứ mới mẻ con hiểu ra cũng là để những hiểu biết mới mẻ hơn nữa phủ định, vì vậy đừng dính mắc vào những hiểu biết và thay đổi đó. Tự nhắc mình: à, rồi nó cũng sẽ thay đổi. Nó chưa phải là cái đúng chung kết. Như thế con sẽ thấy tầm nhìn thoáng và thoát hơn.
Việc của con cần làm là thực hành những điều cơ bản thầy đã dạy. Đừng coi thường cái cơ bản, nó là thứ theo mình suốt quá trình tu tập. Những hiểu biết từ nó sinh ra sẽ lại mất đi để nhường chỗ cho hiểu biết mới. Nhưng những thực hành cơ bản thì dù mức hiểu biết nào cũng vẫn cần, nó cung cấp động lực cho cả tiến trình trưởng thành. Vì thế, rất đơn giản, làm việc cần làm, làm cho đúng, cho mượt mà, những việc còn lại không cần quan tâm quá nhiều và đừng mắc kẹt vào đó. Thời gian và sự thực hành sẽ tự vận chuyển quá trình.
Hãy tiếp tục và tận dụng tốt quãng thời gian mà mọi người gọi là “khó khăn” hiện nay con nhé. Thầy tin con sẽ sử dụng tốt cuộc sống của mình.
Với tâm từ của thầy