Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Bạn đạo và hội nhóm Phật tử

Con thân mến,

Thầy đọc lại mấy lần bức thư của con và suy nghĩ từ hôm qua đến giờ. 

Thầy không biết rõ lắm về môi trường làm việc của con hiện giờ và cuộc sống của con như thế nào, có những điều gì đang gây chướng ngại cho con trong quá trình thực hành pháp ở môi trường ấy. Nếu như con kể rõ hơn, thầy sẽ có những lời khuyên hợp lý hơn cho con.

Thầy nhận thấy niềm hoan hỷ của con khi được chấp nhận làm việc ở một công ty ” yêu cầu bắt buộc giữ 5 giới và hành thiền định 6 tiếng/ngày”, có lẽ con nghĩ rằng làm việc ở môi trường như thế sẽ giúp con tu tập tốt hơn và là giải pháp cho các vấn đề tu tập của con hiện nay. 

Dưới đây là một số điều thầy đã từng nói với các học trò của thầy và đây đó trong các buổi thuyết pháp. Thầy cứ nói với con để con suy xét nhé, nếu thấy thích hợp thì con quyết định.

Có một số suy nghĩ mà các Phật tử hay khuyên bảo nhau như thế này: 

  1. Để tu tập tốt cần có một môi trường có các bạn đạo, môi trường làm việc có giữ giới, hành thiền.
  2. Phải gần gũi “thiện tri thức” là các bậc đàn anh, đàn chị đi trước lãnh đạo hội nhóm, hay khuyên nhủ, dạy dỗ mình
  3. Phải gần gũi chư tăng, hộ độ, cúng dường, nghe pháp, đảnh lễ càng nhiều càng tốt. Học mỗi vị một tý. 
  4. Phải đọc sách nhiều, nghiên cứu kinh điển, giáo lý, phải thực hành ở các khóa thiền theo các trường phái khác nhau, tốt nhất là sang các trường thiền ở Miến Điện, Thái Lan…

Không phủ nhận là một môi trường có những người hướng về cùng một hướng, cùng giữ giới, hành thiền…sẽ có tác dụng nâng đỡ, khích lệ, nhất là đối với những người mới bỡ ngỡ bước chân vào đạo. Thông thường mọi người có nhu cầu tâm lý đó, vì tu tập là sống theo một định hướng, 1 quy chuẩn sống mới, có lúc ngược lại với những người xung quanh, nên người Phật tử thường hay gặp chướng ngại do sự bài xích hoặc tác động để mình phải thuận theo “dòng đời” như cũ, nhất là từ chính gia đình và bạn bè, đồng nghiệp. Họ cảm thấy lạc lõng và cô đơn, nếu yếu ớt thì sẽ thường thỏa hiệp, “hy sinh” sự tu tập. Nên mọi người có nhu cầu hòa vào một “giới” Phật tử riêng để tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tinh thần, động lực để “chiến đấu” lại với sức ép của đời. Các nhóm bạn đạo này khuyến khích, rủ rê nhau làm những việc liên quan đến “đạo” như là làm phước, cúng dường, hộ độ chư tăng, tham gia lễ lạt, hành hương, tổ chức các nhóm phật tử, nhóm thiền, học giáo lý, nghe pháp… Nó có mặt tích cực, hỗ trợ mình trong 1 giai đoạn nào đấy, nhưng cũng có mặt tiêu cực đi kèm.

Thông thường người ta thích đám đông, vì đám đông làm người ta thêm can đảm và một điều rất quan trọng là thỏa mãn nhu cầu an toàn về mặt tâm lý. Đám đông cũng giúp người ta thoát khỏi cảm giác phải chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm với chính mình, trách nhiệm ra quyết định hành động, trách nhiệm phân định đúng-sai, nên làm hay không. Tâm si biểu hiện là sự mơ hồ không biết đúng sai, không biết cần phải làm gì, cảm giác đó rất khó chịu, vì vậy theo dòng xã hội, theo đám đông là một cách con người thường dùng để chạy trốn cảm giác đó. Tại sao người Phật tử mới hay tham gia nhóm hội, và dính vào đó luôn, vì tâm lý cho rằng số đông cùng làm thì sẽ không sai. Cảm giác có đồng đội, không còn phải “một mình chống lại mafia” ở nhà và ở chỗ làm nữa. Cảm giác cùng hội, cùng thuyền, hoan hỷ, vui vẻ, được khích lệ, chia sẻ và sách tấn…là những điều người ta tìm kiếm. Nhưng trong một đám đông thì luôn luôn đi kèm tệ nạn, và vấn đề là tệ nạn này gây hại kinh khủng, nhất là đối với những người tìm đạo – đi tìm một con đường giải quyết những vấn đề bên trong. 

Thứ nhất, trong một đám đông, trí tuệ sẽ tụt xuống thảm hại, và động cơ bất thiện được biện minh. Sự suy xét khách quan của cá nhân sẽ bị hạn chế. Con người bị mất đi sự độc lập trong suy nghĩ, mà đám đông sẽ suy nghĩ thay cho mình. Đôi khi chúng ta cũng có những suy nghĩ độc lập, không cùng hướng đám đông, nhưng sẽ nhanh chóng bị sự mất tự tin đánh bại. Một suy nghĩ lệch khỏi tư tưởng chung của đám đông (dòng tư tưởng ấy thường do những người lãnh đạo đám đông thao túng), sẽ bị đả phá kịch liệt. Sinh hoạt quen trong đám đông ấy thì sẽ thành 1 con robot lúc nào không biết, không còn suy nghĩ độc lập, khách quan và thói quen tự phản biện nữa. Tu tập để phát triển trí tuệ, chứ không phải để trở thành một kẻ nô lệ về tư tưởng như thế. Trong tạng kinh, tạng luật, Đức Phật nhiều lần tán thán hạnh độc cư và khiển trách những người ham tụ tập, ham hội chúng bởi vì nó gây hại rất lớn với con đường giải thoát, và làm băng hoại hội chúng thanh tịnh.

Thứ hai, trong một đám đông sẽ luôn có những kẻ cơ hội. Chúng sống ký sinh trong các đám đông. Đám đông là nơi để người ta thể hiện cái tôi, tìm cách thiết lập quyền lực của mình và chi phối lên mọi người, nhất là chi phối về tư tưởng. Nếu con đã từng tham gia các hội nhóm Phật tử thì sẽ thấy, luôn có những người “tinh tấn” đi dạy bảo người khác, tuyên truyền tư tưởng của mình, cách tu của mình, thầy của mình, trường phái của mình.. nhiệt tình lôi kéo, dụ dỗ. Một số không nhỏ là những kẻ đạo đức giả, rất giỏi đóng kịch và sử dụng truyền thông để tô vẽ hình ảnh, thường dùng chiêu bài là những lý tưởng cao đẹp nhất để tập hợp mọi người quanh mình, và với người Phật tử thì còn gì cao đẹp, đáng làm hơn là hộ độ Tam Bảo, là tu tập giải thoát, là Thánh quả, Niết Bàn… Một số còn lấy chư tăng làm chiêu bài, lợi dụng việc hộ độ chư tăng, làm phước, cúng dường…để kêu gọi, xà xẻo, lợi dụng tiền bạc và lòng tin của mọi người. Họ không biết (hoặc chẳng tin) là họ đang tạo nghiệp bất thiện rất nặng: ăn cắp của Tam bảo. 

Con người luôn có nhu cầu thể hiện cái tôi. Cái tôi hay ngã mạn thể hiện theo hai cách: 1 là đặt mình ở vị trí cao, chủ đạo, chi phối người khác; 2 là thái cực tự ti, a dua, hòa theo và đồng hóa mình với đám đông, lấy cái tôi của đám đông làm cái tôi của mình. Vì thế, trong đám đông luôn có những kẻ háo thắng nổi bật, cạnh tranh với nhau để chiếm vị trí chủ đạo, chi phối hành vi và tư tưởng của những người còn lại, và sẽ có một đám người tự nguyện bị chi phối, tìm kiếm sự an toàn giả tạo của kẻ đi theo. Đó là lý do xuất hiện nhiều hội nhóm Phật tử như vậy, cạnh tranh, nói xấu nhau, tìm cách lôi kéo, mở rộng nhóm của mình. Ở ngoài đời thì người ta dựa vào quyền lực hoặc tiền bạc hơn người để khẳng định cái tôi, đó là lẽ sống của họ, khi tiền và quyền không đủ nhiều hoặc không còn làm thỏa mãn nhu cầu khẳng định cái tôi nữa thì quay sang những thứ như tâm linh, vì nó làm cho người ta cảm thấy mình thành đạt hơn theo 1 hướng khác, “huyền bí” hơn và “hoành tráng” hơn. Khi còn nghèo thì kiếm thêm được 1 tỷ là đã cảm thấy thành công, hãnh diện; khi đã có hàng ngàn tỷ thì kiếm thêm trăm tỷ cũng không làm cho họ có được cảm giác thành công và thỏa mãn như trước kia, so sánh với các tỷ phú khác giàu hơn thì vẫn cảm thấy mình hèn mọn; nhưng quay sang làm một cao nhân đắc đạo, thu thập đệ tử và đám đông đi theo để truyền bá “đạo” của mình thì cảm giác cái tôi trở nên vĩ ngạn và quan trọng hơn nhiều. 

Chưa kể, nhiều vị sư, học và hành thì chưa đến nơi đến chốn, vội để mình cuốn vào danh lợi. Hội nhóm là nơi ưa thích để họ họat động, giao lưu, tìm đệ tử… vẽ vời ra nhiều tục sự khoác áo Phật sự như dịch kinh, in sách, hành hương tâm linh, thỉnh mời Thiền sư, Pháp sư hoằng pháp, các hoạt động từ thiện, hộ độ tăng chúng, lễ lạt và cả…dạy thiền (không phải tất cả các hoạt động ấy là tiêu cực và vô ích hoàn toàn, nhưng là môi trường tốt để tiêu cực tồn tại). Sự giao lưu, tiếp xúc qua lại quá gần gũi giữa Phật tử và chư Tăng không phải là điều hay ho. Nó có hại cho cả hai bên. Tăng đoàn thời xưa không cho phép việc đó, vị sư nào đi lại gần gũi với cư sỹ còn bị khiển trách. Một vị sư chỉ nên tiếp xúc với người cư sỹ trong hai thời: khi đi khất thực và khi thuyết pháp, dạy đạo. Sự gần gũi, tiếp xúc qua lại với người cư sỹ không làm khởi lên và khích lệ tâm xả ly dính mắc, sự độc cư, ít phận sự, sự thu thúc, đơn giản và biết đủ… mà thường là môi trường để khơi gợi các tâm tham dục, dính mắc, động loạn, tham danh, tham lợi, ngã mạn, ưa thích cung kính…  Người cư sỹ, khi tiếp xúc gần gũi và thường xuyên với các vị sư, nhất là các phàm tăng thiếu giới hạnh, thiếu thu thúc, thì lâu dần sẽ khởi lên tâm khinh lờn thay cho sự cung kính ban đầu, mất dần sự trân trọng và đức tin vào Tăng bảo, và nghi ngờ con đường mình đang đi. Bản thân họ đang tự làm mất phước của mình.

Một điều rất nguy hiểm nữa, là sự lẫn lộn về hiểu biết và kiến thức giáo lý, nhất là sự lẫn lộn về pháp hành. Do hiểu biết phiến diện, không đầy đủ về pháp học, pháp hành, người Phật tử lại càng thêm hoài nghi, mơ hồ khi tiếp xúc với quá nhiều luồng tư tưởng, kiến thức sách vở khác nhau mà các “thiện tri thức” cư sỹ và các vị sư cố gắng truyền bá. Các sư huynh, sư tỷ thì hăng say giáo dục, truyền đạo cho người mới đến; Phật tử mới thì ngưỡng mộ, khao khát hấp thu mọi điều được nhồi nhét: giáo lý, kiến thức, nghi lễ, niềm tin mới lạ. Giao lưu ở các hội nhóm như thế, kết quả là còn tin nghe bạn đạo hơn là tin thầy hướng dẫn của mình, hoặc ít nhất cũng chịu ảnh hưởng, và cuối cùng thực hành lung tung mà không biết. Chúng ta tu theo đám đông chứ không tu theo thầy. Những trường hợp này hầu như là vô vọng thực hành, có thầy giúp cũng không được vì ảnh hưởng của đám đông bạn đạo vẫn lớn hơn và thường xuyên hơn.

 Học đạo, thực hành pháp mà nương tựa vào những hội nhóm, môi trường chỉ khiến mình thêm lệ thuộc, bất thiện, thêm hồ nghi và giảm sút lòng tin như thế thì có đáng không, trong khi con đường giải thoát khổ là con đường của tự chính mình. Đức Phật dạy rằng: “Hãy lấy mình làm hòn đảo, hãy tự nương tựa vào chính mình. Chỉ có chính mình mới là nơi nương tựa tối thượng”. Đây chính là chỗ con chưa thông suốt, chưa xác định rõ ràng, và nếu không thông, nó sẽ dẫn đến những sai lầm tiếp theo làm chệch hướng toàn bộ con đường của con.

Khó khăn và chướng ngại có mặt trong cuộc sống tu tập của chúng ta là có lý của nó. Nó chính là “hòn đá mài dao”, lý do nó có mặt là để giúp mình rèn luyện bản thân, bổ sung những tố chất thiết yếu cho hành trình tâm linh. Sự cản trở, gây khó dễ của người xung quanh và môi trường sống rèn luyện cho chúng ta lòng tin và sự kiên định với con đường của mình, sự mạnh mẽ và độc lập trong suy nghĩ, dám nghĩ khác, sống khác. Giữ giới trong môi trường toàn người giữ giới thì dễ hơn nhưng sẽ không thể có được Balamật trì giới bằng những người kiên trì giữ giới trong môi trường những người không giới hạnh. 

Những điều tốt đẹp chỉ đến trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta xứng đáng với nó. Sự rèn luyện của con qua chướng ngại chính là thứ làm cho con xứng đáng với 1 cuộc sống bình an và ý nghĩa, cuộc sống trí tuệ và xa rời phiền não. Nếu con không nhìn ra và trân trọng cơ hội mà cuộc sống dành cho con ấy, mà chỉ tìm cách tránh né khó khăn, thu xếp một cuộc sống và công việc “thuận lợi” (theo hiểu biết hạn chế và cảm tính của mình), dựa vào người khác, dựa vào môi trường làm việc “tốt” để tu tập thì nhất định sẽ bế tắc và thất vọng. Mà nó chẳng “tốt” và “thuận lợi” như con tưởng đâu. Con không theo họ, giống họ, thì sẽ trở thành đích cho họ chỉ trích và “độ hóa”; còn con chấp nhận theo họ, tức là con đánh mất mình và cũng từ bỏ sự thực hành mà thầy đã dạy.

Nếu con còn giữ cách nghĩ để mình tiếp tục trở thành một sản phẩm do xã hội và người xung quanh uốn nắn, thì sẽ dựa vào môi trường để tu tập và tìm kiếm hội chúng để nương tựa. Nếu con xác định tu tập là tự mình định hình tương lai của chính mình, tự mình tìm hiểu và uốn nắn nhận thức và suy nghĩ của chính mình thì con không cần làm vậy. Thực ra, nếu có thể được một môi trường tốt hỗ trợ thì là tốt nhất, lý tưởng nhất là môi trường chư tăng giới đức, thanh tịnh trong rừng sâu, bên cạnh người thầy giỏi… Nhưng con phải thực tế, ở xã hội VN hiện nay, trong điều kiện hiện tại của con, không thể có một môi trường hoàn hảo như vậy, mà đa phần là môi trường độc hại. Đừng vội tin và đặt tương lai tu tập của mình vào mấy người mang danh “Phật tử”, “thiện tri thức”, hội nhóm này nọ…Khi con nhận ra và thất vọng thì đã muộn rồi, con sẽ mất đi rất nhiều thứ quý giá không bao giờ lấy lại được, đức tin và cơ hội thực hành theo con đường đúng không dễ mà có nếu không biết trân trọng.

Đừng vội vàng con ạ, bây giờ con mới bước chân vào tu tập, còn chưa thực sự hiểu cách tu, chưa thực sự rõ ràng. Việc quan trọng hàng đầu cần làm là tiếp tục thực hành để chánh niệm ăn sâu vào trong cuộc sống hàng ngày, thái độ đúng và suy nghĩ đúng lan tỏa dần trong cuộc sống của con. Hiểu biết đúng sẽ dần dần có mặt và vững chắc hơn theo từng bước chân con đi. Khi con có hiểu biết đúng, thái độ đúng, con sẽ thấy cuộc sống rất hoàn hảo, những gì con đang có, kể cả là thứ con thích hay không thích, đều là những chất liệu cần thiết và đúng lúc cho sự rèn luyện, trải nghiệm để hiểu biết của con. Con sẽ bớt lăn tăn chọn lựa, lấy cái này bỏ cái kia. Cuộc sống luôn có đủ cho con tu tập, chỉ là con chưa biết cách sử dụng nó, chưa hiểu được ý nghĩa của nó nên con cứ đặt tiền đề của tu tập là lấy cái này, bỏ cái kia. Mà tiêu chuẩn lấy-bỏ đó lại rất cảm tính và thực ra là ý tưởng vay mượn từ đủ mọi người, mọi nguồn không chính thống.  Khi chưa thấy rõ thì đừng vội vàng, vội vàng là con đang tự phá bỏ những điều kiện tốt của chính con và điều đó lại gây ra bao hệ lụy nhức đầu khác về sau. 

Hãy thực hành đúng hướng dẫn và bắt đầu lọc dần những tư tưởng và kiến thức đã cóp nhặt từ đủ mọi nguồn đi con ạ. Đừng vội thu nhận thêm gì nữa. Những gì thầy dạy con còn chưa hiểu hết và chưa thực hành hết. Hãy trình pháp thường xuyên và chi tiết hơn với thầy. Hãy đi từng bước vững chắc, có thầy hướng dẫn từng bước là điều may mắn của con. Hãy cố gắng tận dụng con ạ.

Thầy vừa đọc lại lần nữa thư con, và băn khoăn không hiểu câu con nói: “Con sẽ đi con đường của Thiền Định”, nghĩa là con đã xác định từ nay mình sẽ gắn bó với việc thực hành thiền, hay là con đã quyết định chuyển sang thực hành phương pháp thiền chỉ theo nhóm con mới xin gia nhập? Nếu là nghĩa thứ 2 thì coi như thầy chưa viết lá thư này nhé. Thầy luôn tôn trọng mọi quyết định của học trò và không bao giờ muốn giữ học trò phải theo thầy. Thầy yêu cầu học trò thực hành đúng hướng dẫn và không lẫn lộn pháp hành khác, không tiếp thu các thông tin, kiến thức từ các nguồn khác hay lăng xăng hội nhóm là để bảo vệ học trò và đảm bảo việc thực hành đúng, đỡ lãng phí thời gian, công sức cho cả hai bên. Bất cứ thiền sư nào cũng yêu cầu thiền sinh điều đó. Nếu học trò không hợp với phương pháp thầy dạy thì có thể rời đi, không sao cả. Chúng ta đều có quyền tự lựa chọn con đường, lựa chọn nhân duyên của mình. Dù bất cứ thế nào, thầy cũng luôn dành tấm lòng chân thành và tâm từ với con, và luôn thực lòng mong muốn con sống bình an, thực hành pháp đạt kết quả tốt đẹp con ạ.

Nếu con còn muốn tiếp tục thực hành theo thầy, thì hãy đọc và suy xét kỹ những điều thầy nói nhé. Có thể rất lâu sau này con mới hiểu và thấy rõ. Hãy viết thư trình pháp với thầy thường xuyên, hoặc lên núi gặp thầy khi cần. Hãy kiên nhẫn, thực hành đơn giản và đều đặn, đừng vội vàng con ạ. Con đường sẽ dần dần rõ ràng theo từng bước chân con đi, và mỗi ngày con sẽ hiểu biết thêm 1 chút những điều thầy dạy, sống bình an và tự tin hơn 1 chút. Đừng bao giờ bỏ cuộc là được, chỉ cần con thực hành đúng hướng thì không có gì là khó khăn cả.

Với tâm từ của thầy

P/S: Khi viết xong bức thư này, thầy cứ lưỡng lự mãi có nên gửi hay không. Sự thật thì thường khó nghe. Những điều thầy viết ra là dành cho những người khao khát đi tìm chân lý, như thầy khi xưa đơn côi mò mẫm tìm đường. Nó có thể không hợp khẩu vị với nhiều người, và nếu không phải là người đi tìm sự thật thì sẽ không hiểu, không trân trọng, mà có thể còn đánh giá sai lệch. Nó có thể có ích cho con hoặc không, hoặc có thể là gợi ý quý báu, đúng lúc cho một số người khác. Dù sao, nếu có thể mang lại chút xíu lợi ích nào cho mọi người, thầy cũng sẵn lòng làm, bất chấp mọi hiểu lầm và chỉ trích có thể mang lại. Khi xưa, thầy đã quá vất vả để tìm được định hướng cho con đường của mình, đã từng khao khát tìm kiếm và trân quý biết bao những lời chỉ dẫn và khai thị như thế này. Thầy gửi nó đi cũng như một sự tri ân Pháp, tri ân cuộc đời và để chuyển tải tâm từ cùng tấm lòng chân thành của thầy tới con và những người hữu duyên có thể đọc và trân trọng những lời khuyên nhủ này.

 



 

Discover more from Sư Tâm Pháp

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading

Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved