Rừng thiền Núi Sương
Misty Mountain Forest Meditation Hermitage
 
Thư thầy trò
Sống thuận pháp

Con xin kính lễ sư,

Đầu thư con xin được hỏi thăm sức khoẻ của sư và thiền sư. Con mong sư và thiền sư luôn được an vui và khoẻ mạnh .

Vừa rồi con có sắp xếp tham gia khoá thiền Tứ Niệm Xứ 7 ngày tại Hà Nội do thiền sư Revata hướng dẫn. Sau khi rời khoá thiền vì có những thắc mắc về pháp hành nhưng con không biết hỏi ai, con xin mạo muội gởi email hỏi sư. Con mong sư với tâm từ sẽ trả lời câu hỏi cho con… Con xin cám ơn sư rất nhiều!

1. Khi ở khoá thiền mọi người giữ yên lặng thánh thiện, mọi việc ăn ở của thiền sinh được phục vụ rất chu đáo. Dù trong quá trình hành thiền có những trở ngại như đau, phóng tâm, hôn trầm nhưng nhìn chung con đạt được nhiều an lạc. Khi vừa rời khỏi khoá thiền về Sài Gòn, con vấp ngay một ông tài xế taxi phục vụ kém lại vòi vĩnh thêm tiền. Lúc đó con vẫn bình tâm cho thêm tiền nhưng sau đó tâm sân nổi lên rất to. Con không ngờ mình sân đến vậy thưa sư, đến nỗi đi ngủ rồi còn nghĩ đến chuyện đó và còn định sáng mai sẽ gọi điện thoại đến công ty taxi than phiền về tài xế đó. Sáng hôm sau thì cơn sân xẹp dần rồi hết, con không làm gì cả. Vấn đề ở đây con gặp là con thấy con dễ nổi sân hơn, ví như con đang còn cái đà im lặng để chánh niệm thì về nhà con phải nói năng bình thường như trước- thế là nói hơi nhiều cũng sân. Hay gặp những chuyện thường ngày con dễ nổi sân hơn, cảnh sống gia đình chung có nhiều người và các em bé nhiều ồn ào, bề bộn, tâm cứ so sánh với những phút giây an lạc ở trường thiền. Con biết thái độ của mình như vậy là không đúng nhưng nó cứ đến như vậy một cách tự nhiên, con không cản được. Từ từ con cũng trở lại thích nghi hơn nhưng vẫn không giống như lúc trước.

Con mong sư cho con lời khuyên ạ. Con nghĩ mình tu tập thì tâm mình phải an lạc hơn lúc trước chứ không phải dễ nổi sân hơn như thế này.

2. Vấn đề sống độc cư: ý nghĩ sống riêng một mình thôi thúc trong con những lúc con ở trường thiền. Sống riêng sẽ dễ tu tập hơn, điều đó con đã từng nghe nói. Sống riêng đòi hỏi sự tự lập nhiều hơn, dũng cảm và lo toan nhiều hơn. Có thể sẽ mệt mỏi hơn, hoặc buồn chán nhưng chắc tâm sẽ bình an hơn, con nghĩ vậy. Cái tâm con nó không kham nhẫn đủ có đúng không thưa sư? Vì bất mãn với hiện tại sống chung trong gia đình nên nó mơ tưởng đến cái đang không có? Như ai đó có nói: tu ở rừng dễ hơn hay tu ở chợ dễ hơn? Con chưa đủ sức để mua một căn chung cư để tách ra sống riêng bây giờ… Cha mẹ con đã già nhưng vẫn muốn sống chung với anh và chị dâu cùng các cháu, muốn có tiếng cười tiếng khóc trẻ nhỏ dù cái giá đổi lại phải là thân già đi đưa rước các cháu đi học hay chăm lo bữa ăn cho các cháu… Khi con từ trường thiền trở về mẹ con hỏi ” con đi có nhớ nhà kg?”, con nói” không nhớ, có gì đâu mà nhớ”. Mà thật sự là vậy, con không nhớ nhà lúc hành thiền, chỉ nhớ đến những gì con còn dính mắc lúc hành thiền ở đó như một ca bệnh nhân khó ở nhà đang chờ chẳng hạn… Mẹ im lặng một chút rồi nói ” con cũng không nhớ mẹ à?”, con im lặng vì biết nếu nói thật có thể mẹ sẽ buồn. Vậy đó, cái dính mắc vẫn còn rất sâu nặng thưa sư. Con thừa nhận con chưa từ bỏ được dính mắc với mẹ con. Tiền mua nhà riêng là một việc nhưng dính mắc với cha mẹ già là điều lớn hơn. Từ từ con muốn cha mẹ được biết về chánh pháp và làm các thiện pháp. Con hướng dẫn mẹ không sát sanh khi đi chợ mua thức ăn, dẫn mẹ lên chùa Viên Không đảnh lễ ngài Hộ Pháp, tạo cơ hội bố thí cúng dường các thiện pháp… Con cứ bị các mâu thuẫn như vậy giằng qua giằng lại trong tâm như vậy đó sư ạ… Có lần con bày tỏ ý định ra riêng thì mẹ bảo “con sống như vậy rồi già bệnh tật ai lo?”, con phải trả lời mẹ con ra sao thưa sư?

Cuối thư con xin cám ơn sư lần nữa vì đã bỏ thời gian đọc email dài này của con. Con mong sẽ nhận được hồi âm của sư!


 

Con thân mến!

Sư đã đọc kỹ thư của con, những vấn đề của con là vấn đề chung của nhiều thiền sinh Việt Nam, và sư viết bức thư này cũng là để trả lời cho các câu hỏi và vấn đề tương tự như của con mà rất nhiều người đã và đang hỏi sư.

Tu tập không chỉ là ngồi thiền. Đây là một điều người tu tập, dù là tại gia hay xuất gia cần phải hiểu thật thấu đáo. Có người cũng đồng ý rằng còn có những sự thực hành khác cùng với thiền trong quá trình tu như là giữ giới, các loại quán tưởng, tích lũy kiến thức pháp học… nhưng vẫn cho rằng sự thực hành đó là phụ, để hỗ trợ cho thiền mà thôi. Nên nhớ, trong toàn bộ kinh điển Pali không có một chữ nào mang nghĩa “thiền” như trong thuật ngữ Phật học của Việt Nam. Chữ “thiền” là vay mượn của Trung Quốc, dịch âm là thiền-na từ chữ Jhana trong tiếng Sankrit (kinh điển Trung Quốc được

dịch từ Sankrit chứ không phải Pali, Sankrit là ngôn ngữ của các giáo sỹ bà la môn ngoại đạo. Đức Phật không thuyết pháp bằng ngôn ngữ Sankrit vì trong đó có quá nhiều khái niệm của Bà la môn, và cách xa ngôn ngữ bình dân của đa số quần chúng). Qua nhiều lần chuyển ngữ và qua nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau (Bà la môn, Đạo giáo, Khổng giáo, tín ngưỡng dân gian), chữ thiền ngày nay đã là một khái niệm rất xa lạ. Ngôn ngữ Pali Đức Phật sử dụng để dạy đạo chỉ có từ bhavana, nghĩa là tu tập, hoặc jhanati, nghĩa là thiêu đốt phiền não.

Chính sự chú trọng quá mức vào thiền, như một “con đường duy nhất” nhất định phải đi này, làm cho cách hiểu, và do đó, sự thực hành Pháp của chúng ta bị lệch lạc, hạn hẹp và mất cân bằng nghiêm trọng. Sự lệch lạc đó thể hiện ngay ở chỗ là chúng ta không mang được Pháp vào cuộc sống thực tế của mình. Có sự phân cách sâu sắc giữa cuộc sống thực tế và những lúc hành thiền ở các khóa thiền tích cực, nơi mà chúng ta vẫn cho rằng “ở đó mới thực sự là tu”. Sự phân cách đó mang đến nhiều hệ lụy, như là sự bất mãn khi quay trở lại cuộc sống hàng ngày, sự mong ngóng, không sống trong hiện tại và suy nghĩ rằng phải thu xếp 1 cuộc sống như ở thiền viện, một môi trường như ở khóa thiền tích cực…thì mới là tu. Và vô hình chung, trong tâm chúng ta đặt ra mục tiêu là phải thu xếp cuộc sống của mình được như môi trường “lý tưởng” trong thiền viện thì lúc đó mới thực sự tu, khi đó mới bắt đầu “tu”. Thời gian ngoài cuộc sống là phí hoài, vô nghĩa và mòn mỏi, và nội tâm đầy xung đột, dằn vặt giữa 1 cuộc sống thực tế đầy bất mãn hàng ngày mình vẫn phải sống, mà chưa đủ sức để dứt bỏ, và nỗi khao khát, khắc khoải về một cuộc sống tu tập lý tưởng kia.

Cuộc sống như vậy không phải là một cuộc sống thuận Pháp.

Một hệ lụy khác, như con cũng đã thấy, là sự dính mắc vào các trạng thái an lạc tạm thời, sự an lạc bị lệ thuộc nặng nề vào các điều kiện hỗ trợ bên ngoài như môi trường thanh tịnh, yên lặng, nội quy, cộng đồng tu, thầy hướng dẫn, các nhu cầu ăn, ở… là những điều kiện khác xa và hầu như không thể có được trong cuộc sống thực tế ngoài đời. Sự dính mắc vào an lạc và so sánh với cuộc sống phiền não ở nhà làm trầm trọng thêm sự bất mãn và định hướng lệch lạc về sự tu tập của người thiền sinh nghiệp dư. Biết thế, nhưng không tránh được, không thoát được. Đó là vấn đề lớn của con và nhiều người Phật tử-thiền sinh khác.

Thứ nhất, nói về thiền. Cả thiền chỉ mà con đang thực hành cũng như thiền quán Vipassana đều được bao hàm trong kinh Tứ Niệm Xứ, có thể gọi chung là thiền chánh niệm. Chánh niệm là một chi phần trong 8 chi phần của Bát Chánh đạo. Bát Chánh đạo bao hàm Tứ Niệm xứ, chứ Tứ Niệm xứ không thể bao hàm Bát Chánh đạo, giống như cái bát to (trong miền nam gọi là cái tô?) có thể đựng cái chén bên trong, chứ cái chén không thể chứa được cái tô.

Phần mở đầu bài kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật nói rằng: Này các Tỳ Khưu, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh…(Ekayano ayam, bhikkhave, maggo sattanam visuddhiya…). Trong nhiều bài kinh khác (phẩm Bát Chánh đạo, Tương ưng bộ kinh), Đức Phật cũng nói Bát Chánh đạo là con đường độc nhất đến Niết Bàn (Ekayanamagga). Như vậy, ở đây có sự mâu thuẫn. Không thể nào nói cả hai con đường đều là độc nhất. Một số vị trưởng lão cho rằng chữ Ekayano trong kinh Tứ Niệm xứ mang nghĩa là “trực tiếp” chứ không phải là “độc nhất”, hàm ý rằng thực hành Tứ Niệm xứ là phương tiện, là pháp hành trực tiếp dẫn đến Niết Bàn, thẳng đến Niết Bàn, bởi vì thiền Tứ Niệm Xứ là một phần trong con đường độc nhất là Bát Chánh đạo, nhưng nó là nhân trực tiếp dẫn đến các tuệ giác giác ngộ. Bát Chánh đạo như thanh kiếm xé rách màn vô minh, thì Tứ Niệm xứ giống như phần mũi nhọn của thanh kiếm ấy.

Có niệm đặt trên 1 đề mục nào đó, nhưng không có chánh kiến, thì niệm đó không phải là Chánh niệm, và tất nhiên cũng không dẫn đến Chánh định. Chỉ thực hành một chi phần trong Bát Chánh đạo thì tất nhiên là không đủ, cả 8 chi phần đều phải thực hành. Tám chi phần này chia ra làm 3 nhóm: nhóm giới (Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng), nhóm định (Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh Định) và nhóm tuệ (Chánh kiến, Chánh tư duy). Mặc dù là thực hành theo lộ trình giới-định-tuệ, nhưng không có nghĩa là phải thực hành viên mãn Giới rồi mới thực hành Định, viên mãn Định rồi mới đến Tuệ, mà phải thực hành đồng bộ, giai đoạn nào chú trọng thực hành phần nào là do pháp hành quyết định. Các chi phần trong Bát Chánh đạo chỉ cùng đạt đến viên mãn ở giai đoạn chứng ngộ đạo quả mà thôi.

Thực hành Bát Chánh đạo là sống thuận pháp.

Thực hành cụ thể các chi phần của Bát Chánh đạo như thế nào, điều chỉnh ra sao cho phù hợp với căn tánh, lúc nào thích hợp để chú trọng phần nào, sử dụng những phương tiện nào, cảnh báo khó khăn và vượt qua khó khăn ra sao…đều cần dựa trên sự quan sát và khuyên dạy của vị thầy dạy pháp hành cho mình.

Có một vị thầy truyền dạy pháp hành là điều vô cùng quan trọng, là điều quan trọng nhất trong cuộc đời tu tập. Đức Phật dạy rằng thiện tri thức chiếm đến 100% sự thành công của cuộc đời Phạm hạnh (cuộc đời tu tập để thanh tịnh như các vị Phạm thiên). Đáng tiếc, việc đầu tiên và quan trọng nhất này hầu hết các thiền sinh nghiệp dư còn chưa làm được thì đã vội vàng đi học thiền chỗ này, chỗ kia. Con có thể nói vị thầy con học ở khóa thiền đó chính là thầy dạy pháp hành cho con. Nhưng một vị thầy hướng dẫn thiền trong 1 khóa thiền tích cực chưa phải là 1 vị thầy tế độ cho mình, để mình nương tựa cả cuộc đời tu, vì:

-Như đã nói ở trên, sự thực hành rất đa dạng và nhiều mặt, chứ không phải chỉ giới hạn trong việc hành thiền.

-Việc thọ giáo với 1 vị thầy có những đòi hỏi nghiêm khắc cần tuân thủ, những bổn phận của người đệ tử với vị thầy, của vị thầy với đệ tử, đòi hỏi sự học hỏi và thân cận lâu dài, sự hiểu biết và gắn bó giữa thầy trò, lòng tin và sự chân thành…Sự dạy dỗ, trao truyền từ thầy đến trò trải suốt nhiều năm tháng chung sống, từ những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày đến những pháp thâm sâu trong thiền tập.

Một vị thầy chúng ta gặp trong một số ngày ngắn ngủi, hướng dẫn cho một số đông thiền sinh, đến tên tuổi của thiền sinh có khi còn chưa biết hết, thì chưa thể coi là vị thầy tế độ của mình.

Việc tìm đến nương tựa một vị thầy trên đường tu tập là việc đầu tiên khi bước chân vào thực hành. Tu tập không phải đơn giản như học một loại kiến thức nào đó, tu mà không có thầy thì chẳng khác gì đi lạc giữa rừng rậm trong đêm. Có nhiều người phải mất nhiều năm tìm kiếm, với lòng chân thành và nhiệt tâm, mới tìm được vị thầy của mình và được thầy chấp nhận. Cách đây 20 năm, thông tin và internet chưa phát triển, xã hội còn chưa mở cửa, chẳng biết phương hướng ở đâu mà tìm, chẳng có khái niệm thế nào là một vị thầy thích hợp cần tìm. Ngày nay thì lại quá nhiều thông tin, quá nhiều vị thầy, quá sẵn có đến mức loạn và hoang mang, chẳng biết thế nào mới đúng. Vậy phải làm sao để tìm được người thầy của mình đây? Như thế nào mới là một người thầy để mình tìm đến nương tựa?

Một vị thầy trong đạo không phải như một thầy giáo bình thường ở ngoài đời. Thầy là người có khả năng hướng dẫn và khuyến khích trò đi trên con đường giải thoát. Vị thầy ấy phải là người đã tự mình thực hành và chứng ngộ được Niết Bàn, là người đã đi qua và hiểu rõ con đường đi đến Niết Bàn, tức là đã đắc 1 trong 4 tầng đạo quả. Một bậc thánh như vậy mới được gọi là thiện tri thức mà Đức Phật thường khuyên dạy chúng ta nên thân cận học hỏi (phàm Tăng không được gọi là thiện tri thức), đã là Tăng Bảo-1 trong 3 ngôi cao quý để quy y, xứng đáng được cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.

Người thầy vừa là người để chúng ta kính ngưỡng, là lý tưởng để chúng ta phấn đấu, vừa là nguồn cảm hứng và sách tấn cho chúng ta trên suốt quãng đường đi tìm chân lý, là nguồn phước cho chúng ta gieo tạo. Thầy vừa là người cha, vừa là người đi trước, người đồng hành, là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn cuộc sống trong cuộc hành trình khó khăn, là người gần gũi, đầy lòng từ bi, che chở, hiểu chúng ta đến tận chân tơ kẽ tóc, là người luôn hướng chúng ta đến đường chánh, giúp chúng ta thấy ra sai lầm để sửa chữa, khuyến khích nâng đỡ chúng ta những lúc khó khăn, vấp ngã. Thầy là người chúng ta gắn bó, gần gũi còn hơn cả bà con ruột thịt, là người luôn có trong tâm tưởng của chúng ta trong suốt cuộc đời.

Làm thế nào để tìm được vị thầy của mình và được chấp nhận?

Vị Thầy khả kính của sư, Thiền sư Sayadaw U Jotika, nói: “Khi người học trò đã sẵn sàng, vị thầy sẽ xuất hiện”. Câu ấy thật chí lý.

Động lực nào dẫn ta đến gặp được người thầy của mình? Lòng chân thành. Sự chân thành, nhiệt tâm hết lòng tìm kiếm chân lý, hết lòng tìm kiếm người thầy. Trên con đường tìm kiếm đó, có thể có những lúc mình gặp nhầm người, có lúc mình đã thực hành sai đường, có lúc gặp được một vị thầy mình kính ngưỡng nhưng lại không đủ duyên, không đủ phước để được thân cận… nhưng đức tin vào Tam Bảo, nhiệt tâm và lòng chân thành không vì thế mà đi xuống, chỉ làm cho ta thêm quyết tâm. Có như vậy, chúng ta mới đủ xứng đáng để gặp được vị thầy của mình, lúc đó chúng ta mới “sẵn sàng” để gặp thầy.

Làm thế nào để biết đây là người thầy xứng đáng để mình nương tựa? Chúng ta phải quan sát, đừng chỉ nghe lời người khác tán dương hay chỉ trích, chỉ những người thiếu trí tuệ mới dựa vào lời khen chê của thế gian để đánh giá một con người. Quan sát lời nói và việc làm, quan sát sự thực hành, phong cách sống và tu tập, cách hành xử với những người xung quanh…Chúng ta không đủ trí tuệ để biết được ai Thánh, ai phàm, nhưng gần gũi thân cận, chúng ta có thể cảm nhận được sự cao thượng hay thấp hèn trong nhân cách 1 con người, cảm nhận được sự giải thóat hoặc phiền não trong tâm người đó. Người đó có đầy đủ Giới-Định-Tuệ hay không, có các trạng thái tâm cao thượng Từ, Bi, Hỷ, Xả hay không, có Tín-Tấn-Niệm-Định-Tuệ: Đức tin bất động nơi Tam Bảo, có sự nhiệt tâm tinh tấn, có chánh niệm, có sự chuyên chú định tâm, có trí tuệ hay không; có an bình, tĩnh lặng và thiện lành hay không, lời nói và việc làm có đi đôi với nhau hay không…

Muốn quan sát được, chúng ta phải gần gũi, thân cận một thời gian dài. Muốn gần gũi thân cận, chúng ta phải có đầy đủ nhiệt tâm và chân thành. Các vị thầy chân chính đều muốn sống độc cư, không quan tâm nhiều đến chuyện đời, dành phần lớn thời gian để tu tập, dạy dỗ đệ tử, phục vụ giáo pháp… Chúng ta phải năng lui tới, chủ động đến gần, thân cận, phục vụ…với tấm lòng chân thành cầu đạo. Phải thực hiện các bổn phận của một người đệ tử, bổn phận một người cận sự nam, cận sự nữ thuần thành, vừa để thể hiện tâm ý, vừa để thầy quan sát và cũng để mình có dịp quan sát.

Trong tạng Luật có ghi rõ những bổn phận của người đệ tử với thầy như: cung kính thầy, vâng giữ theo những gì thầy dạy bảo, chăm sóc phục vụ thầy, chia sẻ những vật dụng như y áo, thuốc men, vật thực…mình có được với thầy, trung thành, tận tâm, bảo vệ thầy, ở bên thầy những lúc khó khăn… Người thầy cũng có những bổn phận như dạy dỗ trò, khuyên can uốn nắn khi trò đi sai đường, có lòng từ bi, thương tưởng…

Sau một thời gian thân cận, người trò tìm cơ hội thích hợp để xin thọ giáo từ thầy, xin thầy cho cơ hội để làm đệ tử. Như truyền thống Nguyên thủy ở Sri Lanka hay Miến Điện, sau khi được thầy chấp nhận, thì lúc đó người học trò mới xin vào làm công quả trong chùa, vẫn là một người Phật tử. Sau 1 thời gian sẽ được thầy cho cạo đầu, mặc áo trắng (hoặc nâu) gọi là giới tử (người con có giới). Làm giới tử, vừa hộ độ chư tăng, vừa học pháp học, pháp hành, tu tập, rèn luyện oai nghi chánh hạnh, qua thời gian thử thách và quan sát khoảng 1-2 năm, nếu thầy thấy đủ tư cách sẽ cho xuất gia Sadi (tức là một vị sư tập sự), giữ 10 giới. Xuất gia sadi khoảng 1-2 năm, không phạm các lỗi lầm, tiếp tục học tập và rèn luyện, khi thầy thấy đủ tiêu chuẩn thì mới được thọ giới Tỳ Khưu, làm 1 vị sư đầy đủ. Giới luật quy định, sau khi thọ giới Tỳ khưu, người học trò phải sống với vị thầy ít nhất 5 năm, không được rời thầy 1 ngày nào. Sau 5 năm, nếu người trò chưa thông hiểu giới luật, pháp học, pháp hành thì vẫn không được rời thầy.

Như vậy, kể từ lúc tìm đến vị thầy, cho đến khi được phép rời thầy, người trò phải trải qua một quá trình rèn luyện suốt từ 8-10 năm, và sau đó đa phần người trò vẫn ở bên cạnh thầy suốt đời, trừ khi muốn tìm một nơi xa vắng để độc cư hoặc hoằng pháp, nhưng vẫn duy trì mối liên hệ mật thiết với thầy, và vẫn thực hiện các bổn phận của người trò với thầy trong suốt cả cuộc đời.

Những người cư sỹ tại gia như con, có thể thắc mắc việc tìm thầy sao mà nhiêu khê đến vậy. Bởi vì đó là điều cần thiết, bởi vì thực hành pháp là công việc quan trọng nhất của cả một đời người. Tìm đến một vị thầy để xin thọ giáo không phải là việc qua loa như đăng ký một lớp học yoga hay lớp học kỹ năng sống ở trên mạng. Chúng ta chỉ xứng đáng được thọ hưởng thành quả thực hành Pháp khi cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho Pháp, với tất cả tấm lòng thành tâm và cung kính. Khi đó thì sự cống hiến không còn mang ra đo đếm, so sánh; thời gian không còn quan trọng, lâu mau, ngắn dài không có ý nghĩa gì hết.

Con là người cư sỹ, không có điều kiện để gần gũi các vị thầy và dành trọn thời gian bên thầy để thực hành. Chính vì người cư sỹ tại gia thường tu nghiệp dư, phần lớn thời gian và tinh lực dành cho các công việc ngoài đời, nên khó thực hành đến nơi đến chốn. Và đa phần cư sỹ tại gia như con không có được 1 người thầy thực sự. Phần lớn đều học mỗi chỗ 1 ít, hỏi mỗi thầy 1 tý, rồi tự đọc sách, tự mò mẫm tu, bạn đạo bày cho nhau, mắc kẹt chỗ nào cũng không hay và không thầy nào giúp được.

Khi thiền sư Silananda sang Việt Nam, ngài có nhận xét rằng Phật tử Việt Nam rất hay hỏi về thiền hoặc trình pháp. Thường là ngài không trả lời và cho các lời khuyên về thiền, mà ngài chỉ giảng về lý thuyết theo kinh điển. Có người hỏi có phải Ngài không dạy thiền, ngài trả lời ngài dạy thiền cho các học trò xuất gia của mình. Với mỗi trình độ, ngài lại dạy một chủ đề thích hợp. Dạy người tại gia khác với dạy bậc xuất gia.

Kinh nghiệm thiền không phải là thứ gặp ai mình cũng mang ra để hỏi. Ai là thầy của mình, ai dạy cho mình thực hành từ đầu, hãy hỏi người đó. Như thế mới hợp lý. Ví dụ như có người khách qua đường, vào nhà xin nước uống mà cứ đòi chủ nhà mang cho họ xem vật báu gia truyền đang thờ trên từ đường của dòng họ. Thái độ của người khách mới quen đó có thích hợp không? Có nên đáp ứng đòi hỏi lỗ mãng ấy hay không?

Hoặc ví dụ một người muốn tự mình chế tạo máy tính, người ấy không muốn theo học bài bản từ trường lớp, vì lý do không có thời gian, nhân tiện gặp chuyên gia thì mang ra hỏi, muốn chuyên gia giảng cho mình hiểu toàn bộ về cách chế tạo máy tính, hay cách giải quyết khó khăn mình đang gặp trong mấy phút tiện đường đó. Liệu chuyên gia có đồng ý để mang những hiểu biết và kinh nghiệm tích lũy trong mấy chục năm học tập và nghiên cứu gian khổ ra để mà nói vắn tắt cho họ không, và dù có thiện ý giúp thì cũng biết trao truyền bằng cách nào. Vô số điều chỉ có thể trao truyền trong qua trình làm việc thực tế, nhiều kiến thức cần tích lũy và vận dụng, cần bao nhiêu công sức và thời gian.

Truyền thống từ thời Đức Phật thường ít khi dạy thiền hoặc thuyết giảng các bài pháp thâm sâu đến cho các hàng cư sỹ. Đức Phật thường chỉ thuyết giảng về các điều căn bản như nghiệp và quả của nghiệp, về quy y Tam Bảo, bố thí, giữ giới, về các phận sự của người cư sỹ, cách hành xử theo pháp trong gia đình và xã hội, xóa bỏ những điều mê tín, tà kiến… Trong tạng kinh có 1 bài kinh do Ngài

Sariputta (Xá Lợi Phất, vị thượng thủ đệ tử của Đức Phật, đệ nhất về trí tuệ) thuyết cho ông Anathapindika (Cấp Cô Độc) về 6 xứ, trước khi ông mất, một giáo lý không phải là thâm sâu lắm trong tạng kinh. Ông Anathapindika vô cùng hoan hỷ và hỏi ngài rằng sao trước đây ông chưa bao giờ được nghe bài pháp nào thâm sâu đến thế. Ngài Sariputta nói: những bài pháp như thế này thường không thuyết cho các hàng cư sỹ.

Truyền thống ở các nước Phật giáo nguyên thủy lâu đời nhất và gần khởi nguồn nhất như Sri Lanka, Bangladesh, kể cả Miến Điện trước kia, chư tăng hầu như không dạy thiền cho cư sỹ, mà chỉ dạy cho các đệ tử xuất gia. Việc dạy thiền rộng rãi cho cư sỹ chỉ mới bắt đầu từ thời Thiền sư Mahasi từ những năm 50 ở Miến Điện. Sự thực hành nghiệp dư của cư sỹ và ít gần gũi với các bậc thầy của họ khiến cho họ khó thực hành đến nơi đến chốn theo như yêu cầu. Tệ hơn, sự thực hành nửa vời, không toàn diện, không rốt ráo do cuộc sống bận rộn việc đời có khi còn gây ra những những tà kiến lệch lạc, những biến chứng nguy hiểm khác như ngã mạn, mê tín, bẻ cong lời dạy của Đức Phật cho hợp với định kiến cá nhân…sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến cho số đông người khác, đến cả sự hưng thịnh và nguyên thủy của giáo pháp. “Một nửa sự thật còn tệ hơn một lời nói dối”, hiểu biết không đầy đủ có khi còn nguy hiểm hơn là không biết, làm nửa vời có khi còn tệ hơn không làm. Vì vậy, các bậc thiện trí rất thận trọng khi dạy cho giới cư sỹ, nhất là những pháp thâm sâu trong tu tập.

Nền văn hóa Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Hoa và các nền văn hóa ngoại lai khác. Việt Nam không có gốc đạo Phật như Bangladesh, Sri Lanka, Miến Điện hoặc Thái Lan, không có sự truyền thừa nguyên bản của Phật giáo nguyên thủy. Phật giáo nguyên thủy mới du nhập vào Việt Nam hơn nửa thế kỷ, từ nhiều nguồn Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, qua nhiều thế hệ, và chịu tác động lớn của hoàn cảnh văn hóa, xã hội hiện tại. Chính vì vậy, người Phật tử Việt Nam hiểu sai và tu sai rất nhiều, rất khó tránh khỏi.

Người tu tại gia thường tự coi mình là người tu hành nghiệp dư. Chính thái độ “nghiệp dư” này của họ làm cho họ không thể tập trung được toàn bộ các nguồn lực của mình cho việc tu tập, “nghiệp dư” như một lý do cho dễ duôi. Khi trình pháp, bao giờ cũng có câu: “bởi vì chúng con sống ngoài đời…”, “vì còn trách nhiệm với gia đình, xã hội…”, đa số chỉ trình bày xoay quanh các loại phiền não, dính mắc ngoài đời với các câu chuyện na ná như nhau, để mong thầy chỉ cho một con đường vừa tu được mà vẫn thỏa hiệp được với đời. Tu là sự lựa chọn, chúng ta phải lựa chọn từng phút, từng giây, lựa chọn tinh tấn hay dễ duôi, lựa chọn theo đạo hay theo đời, lựa chọn tu nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Sự thỏa hiệp nhiều lúc là sự lựa chọn cho dễ duôi. Rất nhiều lúc chúng ta thấy mình đứng giữa ngã ba, một là đi về phải – chọn hành xử theo đạo, hai là chọn rẽ trái – theo lối đời. Không có lựa chọn ở giữa, không có thỏa hiệp. Rất nhiều người không thể lựa chọn được con đường nào nên cứ loanh quanh tại chỗ, sống vật vờ, nửa đạo, nửa đời. Tu tại gia vẫn có thể là tu chuyên nghiệp, tu xuất gia vẫn có thể là tu nghiệp dư. Tùy thuộc vào sự lựa chọn từng giây phút này mà chúng ta là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, chứ không phải sống ở chùa hay ở nhà quyết định chuyện đó. Sự lựa chọn sẽ ngày càng dễ dàng và tự nhiên hơn, khi chúng ta đã quen lựa chọn theo cách đó, khi chúng ta đã vượt qua được những dằn vặt, vật vã của những lần lựa chọn ban đầu, bằng sức mạnh của đức tin và sự sách tấn, truyền cảm hứng từ người thầy.

Một người tu tại gia chuyên nghiệp, cuộc sống của họ sẽ phải rất khác người: đơn giản, biết đủ, thu thúc, ít nói, ít nhìn, ít nghe, giữ giới nghiêm chỉnh, tu luôn là số 1 dù là khi đang đi làm kiếm tiền hay chăm sóc con cái, học tu trong những lúc đó. Tất nhiên sẽ gặp phải vô số lực cản ở đời, lực chống đối từ những người xung quanh, sự lựa chọn là rất khắc nghiệt và liên tục, không cho phép thỏa hiệp. Có dám khác người hay không. Không mạnh mẽ và đầy đức tin, đầy nghị lực thì không thể lựa chọn được. Họ không có được môi trường thuận lợi như người xuất gia, nên sự cố gắng và nhiệt tâm phải lớn hơn nhiều lần mới chống chọi để tu được giữa đời. Người xuất gia lựa chọn cuộc sống xuất gia bởi vì không muốn lãng phí tinh lực như thế. Họ muốn tập trung toàn bộ nguồn lực ít ỏi của đời người để tu chuyên nghiệp.

Một đặc điểm nữa của nghiệp dư là thích dễ dàng, lựa chọn cái dễ dàng và nhanh, tiện, chứ không lựa chọn cái khó khăn, mất công sức. Không lấy tiêu chí “cần thiết và chất lượng” để lựa chọn, mà lấy

“ngon, nhanh, bổ, rẻ” để quyết định. Thời nay thông tin quá sẵn có, lên google lấy thông tin cho nhanh thay vì phải cạy cục tìm sách, tra cứu, tìm thầy để hỏi – mặc dù thông tin đó không thể kiểm chứng đúng sai. Thay vì bỏ bao công sức để tìm thầy và theo thầy tu tập, thì chọn đọc sách cho nhanh, lên mạng 15 phút có thông tin nhiều hơn ngồi nghe thầy nói cả tiếng. Thi thoảng thì tới đảnh lễ vị này vị kia, hỏi năm ba câu hời hợt, tiện đường.

Trên mạng cái gì cũng có, muốn học nghề làm gốm hoặc vẽ tranh, chỉ cần gõ vài chữ là có vô số thông tin dạy nghề, nhưng học theo sách thì chỉ làm ra toàn phế phẩm. Không theo học một bậc nghệ nhân đi trước, không đổ mồ hôi công sức vài chục năm sáng tạo, thử nghiệm và thất bại, mãi mãi không thể trở thành một nghệ nhân chân chính, một họa sỹ bậc thầy đích thực – bởi vì những điều cốt lõi, quan trọng nhất thì không thể trao truyền qua lý thuyết.

Vô số trường hợp tu tại gia, chỉ dựa vào sách vở và cách hiểu phiến diện của mình để tu đều rơi vào bệnh “tăng thượng mạn” như Đức Phật nói – tức là bệnh kiêu căng, ngã mạn. Hầu hết đều không có 1 vị thầy đúng nghĩa, vì tìm thầy và tu theo thầy “nhiêu khê” quá, mà chỉ tu theo cách hiểu sai khi nghe, đọc, thu lượm “đầu, mẩu”, chắp vá chỗ này chỗ kia. Biết đạo bao nhiêu năm rốt cuộc vẫn chỉ là thân phận một con bù nhìn, tráng qua 1 lớp sơn “tu đạo” bên ngoài, bên trong vẫn là rơm rạ. Trong tâm không có giải thoát, không có sự tu chứng đích thực mà chỉ có một đống khái niệm sách vở, và điều nguy hiểm là các khái niệm ấy, do sự bóp méo của “tưởng”, do sự hạn chế về nhận thức và tầm hiểu biết thấp kém của người chưa chứng ngộ chân lý, đều vô cùng lệch lạc, sai trái so với những gì Đức Phật và các bậc Thánh tăng, các vị thiền sư thực sự hiểu và muốn chuyển tải qua ngôn từ.

Tỷ lệ người cư sỹ rơi vào cái bẫy nửa đạo, nửa đời như thế này là rất lớn. Hiếm có người thoát ra được. Coi chừng con cũng như vậy đấy con ạ. Hãy xét lại mình xem có những triệu chứng như thế hay không nhé.

Nói tóm lại, việc đầu tiên và quan trọng nhất cần phải làm là tìm đến nương tựa và học pháp từ 1 vị thầy. Chưa làm được điều này thì trước sau gì con cũng bị kẹt, rất khó thoát khỏi cảnh nửa đạo nửa đời.

Trở lại vấn đề con hỏi, bởi vì sư chưa biết con, nên sư không đưa ra được lời khuyên cụ thể và chính xác trong pháp hành của con. Việc tu hành có nhiều lỗi hệ thống, cần cải tổ cả hệ thống chứ không thể sửa chữa vặt, sửa chỗ này, hỏng chỗ khác. Ở đây sư sẽ chỉ có một vài nhận xét theo kinh nghiệm thực tế và kinh điển, để con tự suy nghĩ tìm hướng đi cho mình. Nếu con có thầy của mình thì mọi thứ sẽ đơn giản, rõ ràng và an toàn hơn nhiều.

Đức Phật dạy rất nhiều cách thực hành, nhiều đề mục thiền khác nhau. Mỗi vị thiền sư, dựa trên thực tế pháp hành và sự chứng ngộ của mình, lại có một phương pháp tu mang dấu ấn riêng. Có vị thực hành theo đường lối chỉ trước-quán sau, chỉ quán song tu, quán trước chỉ sau, thuần quán…và trong cùng đường lối ấy, lại có những phương pháp tiếp cận khác nhau, chẳng hạn đường lối thuần quán, có vị chủ trương bắt đầu từ niệm phồng-xẹp, có vị dạy niệm tâm, có vị dạy quán pháp, có vị dạy thư giãn, có vị dạy quét các cảm giác trên thân… Hoặc trong cùng 1 đề mục thiền chỉ (samatha) là hơi thở, có vị dạy phải thở thật mạnh, có vị dạy phải thở tự nhiên…

Người thầy, dựa vào kinh nghiệm và sự quan sát của mình, sẽ giúp người đệ tử thực hành theo 1 đề mục, 1 cách thực hành thích hợp nhất. Về mặt này, Đức Phật là bậc thầy tối thượng. Cách giảng dạy của ngài, các đề mục ngài chỉ định đều là những điều thích hợp và hiệu quả nhất với các đệ tử may mắn thọ giáo trực tiếp từ ngài. Không những dựa trên sự hiểu biết về căn tánh của người đệ tử, ngài còn dựa trên những hiểu biết về những kiếp trước của đệ tử, những hiểu biết khác từ giáo hóa thần thông mà chỉ riêng ngài mới có.

Con và nhiều thiền sinh Việt Nam thì không như thế, bước chân vào một pháp hành 1 cách hú họa, theo phong trào, hay sự giới thiệu của bạn bè, hay qua sách vở, qua đồn thổi… Việc lựa chọn 1 pháp hành để gắn bó cũng như việc vào shop chọn quần áo. Bộ đồ người mẫu mặc trên ảnh quảng cáo thật đẹp, nhưng nếu mặc vào người mình thì có khi trở thành 1 thảm họa thẩm mỹ. Hoặc nhiều đồ quá,

chẳng biết chọn cái nào, và đôi khi lại chọn cái dở nhất. Bộ đồ tốt nhất đối với mình có thể không phải là bộ đồ đẹp nhất, hoặc đắt nhất trong shop, mà là bộ đồ thích hợp nhất với dáng người và làn da của mình.

Chúng ta thường không chọn được bộ đồ đẹp cho mình vì:

-Không có khiếu thẩm mỹ cũng chẳng có gương để soi xem mình mặc có thích hợp hay không.

-Không có bạn đi cùng để nhìn hộ mình và góp ý. (Người bán hàng thì chỉ nói tốt để mình mua đồ thôi).

-Ảo tưởng về bản thân quá mạnh, gạt bỏ mọi lý lẽ, chỉ tin rằng mình mặc sẽ nhất định đẹp như người mẫu trong ảnh.

Chúng ta không lựa chọn được pháp hành thích hợp vì:

-Không có trí tuệ và chánh niệm tỉnh giác, tức là khả năng quán sát bản thân mình một cách khách quan, thực tế.

-Không có thiện tri thức để khuyên dạy, giúp mình chọn 1 đề mục thích hợp, 1 pháp hành thích hợp nhất. (Bạn bè đồng đạo hoặc mấy người thích lãnh đạo hội chúng, bang hội Phật tử…chỉ cổ xúy mình đi theo họ hoặc thầy của họ thôi).

-Ảo tưởng về bản thân quá mạnh, bản ngã quá lớn, gạt bỏ mọi lý lẽ, mọi lời khuyên của các bậc thiện trí. Nghĩ rằng mình đủ khả năng, đủ kiến thức để tự tu, không cần thầy. Gặp gỡ, hỏi pháp các vị thiền sư chỉ là để tham khảo.

Về thiền chẳng hạn, thiền chỉ (samatha) là một loại thiền lệ thuộc nặng nề vào các điều kiện hỗ trợ bên ngoài, như không gian yên tĩnh, ít bận rộn, sức khỏe tốt, các điều kiện về hội chúng, về thầy, điều kiện sinh hoạt…ở trong các khóa thiền hay trong cuộc sống xuất gia thì thích hợp, nhưng giữa cuộc sống bận rộn ngoài đời thì những điều kiện hỗ trợ ấy gần như là không thể có. Đó mới chỉ là thiền, còn rất nhiều pháp hành khác cần phải thực hành để có thể sống thuận pháp, có thể tu tập phát triển dần các phẩm chất tâm linh, các ba-la-mật giữa cuộc sống hàng ngày. Không có thầy chỉ dạy không thể được, nguy cơ rơi vào cuộc sống nửa đạo nửa đời, hoặc mắc phải các biến chứng tu tập là rất lớn và một khi đã mắc phải thì rất khó chữa trị.

Sư chỉ có thể nói được đến thế. Một hệ thống đã bị lỗi cấu trúc căn bản, thì đừng tiếc mà vá víu tạm bợ, hãy thay đổi cả hệ thống ấy, cần thì phá đi xây lại. Có thể sẽ phí đi một quãng thời gian và công sức trước đây đầu tư, và phải bắt đầu lại từ đầu, nhưng đó là cách duy nhất để mình thành công bền vững. Một hệ thống khiếm khuyết thì trước sau cũng chỉ cho ra một sản phẩm méo mó, vô dụng.

Hãy tìm đến một vị thầy xứng đáng để nương tựa, học hỏi con ạ. Hành trình tâm linh nên bắt đầu từ nơi ấy.

Hãy cố gắng lên, hãy mạnh mẽ lên, hãy dứt khoát tái định hướng cuộc đời mình, quyết định theo đạo chứ không theo lối đời đầy bụi bặm, thấp hèn mà người trí đã sớm ghê sợ, nhàm chán kia nữa. Cái gì cũng có giá của nó, sự lựa chọn sẽ luôn khó khăn, vật vã, nhưng nó sẽ còn đau khổ và vật vã hơn nữa, và kéo dài suốt cả cuộc đời nếu con cứ mãi do dự, quanh quẩn ở ngã ba đường như vậy. Sự do dự và phiền não sẽ phá hoại dần các phẩm chất tâm linh ít ỏi của con, hao mòn hết các tài sản quý báu, các nguồn lực có hạn như thời gian, tuổi trẻ, sức khỏe, trí tuệ… Đến một lúc nào đó, con sẽ hối tiếc khi nhìn lại, và thấy quãng đời đẹp nhất của mình đã trôi qua một cách vô nghĩa đến thế nào. Lúc đó muốn tu cũng không được nữa, hoặc cũng sẽ không thể đạt được đỉnh cao lẽ ra mình có thể đạt được trong kiếp sống này. Nếu có đức tin mạnh mẽ, có sự nhiệt tâm và cảm hứng tu tập từ người thầy, sự lựa chọn sẽ rất đơn giản và dễ dàng. Chúng ta chọn lối này, quyết định việc kia, chỉ đơn giản là Đức Phật đã dạy như thế, thầy bảo như thế. Không còn lăn tăn, đắn đo, giằng xé trong tâm nữa. Đức

Tin quyết định thay cho mình. Nếu không dựa vào đức tin để lựa chọn, phiền não sẽ chọn thay cho con và khi đó cả cuộc đời con chỉ là nô lệ của phiền não mà thôi con ạ.

Hãy nhiệt tâm, tinh tấn lên con. Hãy tìm một người thầy xứng đáng để nương tựa. Hãy tăng trưởng đức tin vững vàng. Hãy khơi dậy nghị lực và quyết tâm mạnh mẽ trong tâm. Hãy cất bước lên đường ngay ngày hôm nay, hãy bắt đầu thay đổi cuộc đời mình dứt khoát theo con đường mới đi con.

Sư mong con có nhiều nghị lực và tâm quyết định để sống một cuộc sống thật sự ý nghĩa. Chúc con an lành và sớm tìm được con đường đúng cho cuộc đời quý giá của mình.

Với tâm từ của sư.



 
Copyright © 2017 — Sư Tâm Pháp. All Rights Reserved